Thứ 2, 29/07/2024, 19:19[GMT+7]

"Bà đỡ" của xã viên

Thứ 6, 24/06/2011 | 09:51:00
1,969 lượt xem
Từ nhiều năm nay, Thụy Bình luôn là điển hình của Thái Thụy trong thâm canh lúa, cây màu, cây vụ đông. Có được kết quả này chính là nhờ HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) luôn phát huy tốt vai trò là “bà đỡ” hỗ trợ xã viên trong các dịch vụ từ khâu thủy nông bảo vệ đồng điền, KHKT, bảo vệ thực vật đến cung ứng vật tư nông nghiệp.

Cây dưa hấu trên đất Thụy Bình.

Phó Chủ nhiệm Bùi Ngọc Vư cho biết: HTX DVNN xã Thụy Bình thực hiện chuyển đổi theo Luật từ năm 2001 trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn. Xã viên HTX chủ yếu sống bằng nghề nông, “lưng vốn” hầu như không có gì. Đồng ruộng chủ yếu là đất thịt, một số ít chua trũng, không bằng phẳng, cao thấp khác nhau rất khó canh tác.

 

Hệ thống giao thông thủy lợi không đồng bộ, KHKT chưa được áp dụng rộng rãi nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng vật nuôi rất thấp. Khởi đầu nhiều gian nan, nhưng HTX cùng tập thể xã viên vẫn quyết tâm đoàn kết phát huy sức mạnh tập thể, nhanh chóng thích nghi, chủ động  sản xuất kinh doanh trong cơ chế mới.

 

Trước hết, HTX thực hiện việc cải tạo, xây dựng hệ thống thủy lợi góp phần tăng năng suất, hiệu quả cây trồng. Hàng năm, mỗi xã viên góp 4kg thóc/sào, cộng với nguồn cấp bù thủy lợi phí và trích lãi kinh doanh dịch vụ của HTX để khơi thông dòng chảy, đào đắp, nạo vét mương máng, bờ vùng, bờ thửa, xây mới nhiều cống đập, kiên cố hệ thống mương máng, bảo dưỡng máy bơm theo định kỳ, khắc phục, sửa chữa kịp thời những sự cố, hư hỏng....

 

Đến nay, toàn xã cứng hoá được 6km tuyến kênh mương cấp I,  9 máy bơm bố trí khoa học, hợp lý, trong đó có 1 máy dã chiến bảo đảm việc bơm nước tới tận đầu ruộng phục vụ xã viên. Xác định KHKT là khâu then chốt quyết định đến năng suất, chất lượng cây trồng nên hàng năm, HTX DVNN đều chủ động xây dựng đề án sản xuất sớm, tổ chức tập huấn, triển khai, bổ khuyết kịp thời phù hợp với điều kiện thực tiễn.

 

Trong 5 năm 2006-2011, HTX đã tổ chức được gần 60 buổi tập huấn, hội thảo, mở lớp IPM hướng dẫn KHKT trong sản xuất lúa, cây màu thu hút hàng chục ngàn xã viên tham gia. Bên cạnh đó, 4 lần tổ chức cho xã viên đi tham quan các mô hình sản xuất ở trong và ngoài huyện.

 

Ngoài ra, thực hiện khảo nghiệm trên 20 loại giống lúa, cây màu mới và đi tiên phong trong việc tiếp nhận và ứng dụng phương pháp gieo thẳng, cấy hàng rộng-hàng hẹp. Từng đội sản xuất đều có vùng quy hoạch cho việc ứng dụng, khảo nghiệm.

 

Trong quá trình tiếp thu, ứng dụng, khảo nghiệm, HTX luôn coi trọng, thực hiện nghiêm túc các yếu tố thí nghiệm, đối chứng, so sánh, hạch toán kinh tế, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và xác định nhân ra diện rộng. Đến nay, một số giống lúa, cây màu sau khi khảo nghiệm đã được xã viên đưa vào gieo trồng phù hợp với đồng đất địa phương cho hiệu quả kinh tế cao như: giống lúa BC15, PC6, bí xanh số 2, ớt chỉ thiên, dưa thanh lê siêu ngọt...

 

Mỗi mùa vụ, HTX tổ chức các buổi hội thảo về thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn xã viên biết tên, hiểu rõ công dụng của từng loại thuốc và thực hiện tốt nguyên tắc “ 4 đúng” khi sử dụng. Đội bảo vệ đồng điền bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu bệnh, các đối tượng hại lúa như chuột, ốc bươu vàng... tổ chức phòng trừ kịp thời khi đến ngưỡng.

 

Nhờ làm tốt dịch vụ KHKT, bảo vệ thực vật nên trình độ thâm canh của nông dân Thụy Bình được nâng lên. Xã viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu cấu mùa vụ, bỏ cấy các giống lúa kém hiệu quả, mở rộng diện tích lúa lai chiếm 40%, lúa chất lượng đạt 20%, diện tích lúa mùa sớm chiếm 30% quy thành vùng lớn tạo điều kiện thuận lợi mở rộng diện tích trồng cây vụ đông.

 

Bình quân 5 năm 2006-2011, năng suất lúa toàn xã đạt 111,2 tạ/ha, hàng năm gieo trồng 20 ha diện tích chuyên màu cho giá trị thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha và 130 ha cây vụ đông, đạt hiệu quả từ 50 đến 60 triệu đồng/ha/vụ và là một trong những xã dẫn đầu huyện về phong trào trồng cây vụ đông ưa ấm. HTX đã ký hợp đồng trực tiếp với các công  ty xuất khẩu rau quả bao tiêu sản phẩm dưa gang, dưa chuột, ớt... cho bà con.

 

Ngoài ra, mỗi năm còn phục vụ trên 2 tấn thóc giống, khoảng 80 tấn phân bón, nhiều chủng loại thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng và bán theo phương thức trả chậm đến cuối vụ thanh toán không tính một đồng lãi. Đối với những trường hợp quá khó khăn, HTX còn trích thêm kính phí hỗ trợ nên giúp xã viên yên tâm sản xuất. Thị phần cung ứng vật tư nông nghiệp cho xã viên hiện chiếm khoảng 60% nhu cầu  nên đã hạn chế cơ bản tình trạng tư thương ép giá.

 

Nhờ chỉ đạo sản xuất hợp lý, điều hành các khâu dịch vụ thích ứng nhanh với cơ chế thị trường nên những năm qua HTX DVNN Thụy Bình đã từng bước vượt qua khó khăn. Từ chỗ “lưng vốn” không có gì, thậm chí thua lỗ, 5 năm 2006-2011, lãi kinh doanh đạt 240 triệu đồng, bình quân mỗi năm  đạt 50 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa