Thứ 3, 21/05/2024, 02:33[GMT+7]

Sản xuất cây cảnh Nghề tay trái, hái ra tiền

Thứ 3, 05/07/2011 | 08:15:11
2,933 lượt xem
Về Tiền Hải theo lời mời của Hội Nông dân huyện, chúng tôi không chỉ đi thăm các cánh đồng lúa trĩu bông, báo hiệu một vụ xuân bội thu mà còn đi thăm những mô hình của hội viên Hội Sinh vật cảnh. Nghe kể và “thực mục sở thị” thì đúng là “từ màu xanh của vườn đã và đang cho ra vàng lá”.

Hội viên Dương Xuân Liêu, xã Đông Quý tỉa cành tạo dáng cho cây.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là xã Nam Hà, vốn trước đây có hai nghề chính là làm lúa và làm nón. Những năm gần đây, một số hộ nông dân tiếp thu thêm nghề mới là nghề làm vườn- vườn sinh vật cảnh. 5 năm trước, ông Trịnh Đức Cương quan niệm  sinh vật cảnh là để tạo cảnh quan, môi sinh cho gia đình.

 

Sau ngày đi dự lớp tập huấn kỹ thuật “bon sai”, ông “ngộ” ra rằng, nghề làm cây cảnh không chỉ thuần túy như vậy mà còn làm ra tiền, ra bạc. Thế là ông cùng một số người cất công đi Hải Dương,  về Namon> Điền (Namon> Định) tham quan, học hỏi. ông bàn với vợ và các con phá bỏ hơn 1.000m2 vườn tạp, mua và ươm cây cảnh.

 

Qua sách báo và kinh nghiệm của những người đi trước, ông học được 4 thế cơ bản, từ 4 thế có thể sáng chế thêm phù hợp với phôi cây sẵn có và tùy thuộc khả năng của từng người như: thế tam đa, trực quân tử, ngũ phúc, nhất trụ kình thiên, long thăng, phụ tử, huynh đệ...

 

Vườn của ông Cương có 3 loại cây: xanh, si, tùng, hầu hết đã vào “dáng thế” được đưa lên chậu đặt tại sân trước nhà. Một số loại cây đang trong thời kỳ “bám đá”, tạo dáng, số còn lại đang ươm. ông Cương nhẩm tính tổng giá trị vườn cây cảnh khoảng 350-  400 triệu đồng. Dù mới đang trong giai đoạn “lấy ngắn nuôi dài”, nhưng từ đầu năm 2011 đến nay ông đã xuất bán được 30 triệu đồng. Cũng tại Nam Hà, khác với ông Cương, ông Trần Văn Thuân, 69 tuổi đã có 16 năm tham gia làm cây cảnh.  Vườn cảnh của ông  chừng 1.000m2, lấy 3 loại cây xanh, si, tùng làm chủ lực, 70 cây đã “vào thế”, trong đó có 40 cây lên chậu, còn lại đang ươm. ông Thuân cho biết, tổng số cây có thể xuất bán khoảng 500 triệu đồng.

 

Năm nào ông cũng bán một, hai chậu, thu về hàng chục triệu đồng. Tiền thu về, một phần tìm mua cây bổ sung, còn lại mua sắm, chi tiêu cho gia đình... ông Thuân chỉ vào một loạt đồ vật trong nhà từ tủ, giường, bàn, ghế... sang trọng đều do tiền bán cây cảnh mà có.  Theo tính toán, mua một gốc si khoảng 700 ngàn đồng, trồng chiếm diện tích 1m2, sau 15 tháng cho lãi 3 triệu đồng, như vậy thu nhập khoảng 200.000đ/ cây/ tháng. Đúng là sản xuất cây cảnh, thời gian làm tranh thủ, tốn ít đất, vốn coi là nghề tay trái mà lại hái ra tiền.

 

Toàn xã Nam Hà, hiện có 56 hội viên sinh vật cảnh, các hội viên đều khá lên từ cây cảnh. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã, có nhiều vườn giá trị cao cho thu nhập từ 50- 300 triệu đồng/năm, nhưng đứng đầu là vườn của ông Nguyễn Văn Duẩn, thôn Hướng Tân, khoảng hơn 1 tỷ đồng.

 

Đến Đông Quý, mặc dù đang bận hội nghị “thu xuân, làm mùa” của xã, nhưng các ông Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh của xã vẫn dành thời gian đưa chúng tôi đến thăm một số vườn của hội viên. ông Dương Xuân Liêu, thôn Hải Nhuận có một mảnh vườn không lớn lắm, khoảng 360m2. ông  cho biết, cũng như những người làm vườn khác, cây thế được giá là bán.

 

Những năm qua, mỗi năm gia đình ông bán cây và thu về từ 50- 70 triệu đồng. Năm 2010, ông bán 25 cây si thu tròn 100 triệu đồng. Số tiền thu được, dành một phần nhỏ cho đầu tư “tái sản xuất”, còn lại trang trải sinh hoạt gia đình. Nhìn một loạt cây  “lên chậu” , “bám đá”, những người sành chơi đánh giá tổng giá trị cũng ngót  một tỷ đồng. Ngoài ông Liêu có vườn sinh vật có giá trị và thu nhập thường xuyên lớn, trong xã Đông Quý còn có 25 hội viên sinh vật cảnh khác. Nhiều vườn của các ông Ngô Xuân Hoan, Bùi Văn Thân, Phạm Văn Tiệm... như những kho báu, với giá trị 700- 1000 triệu đồng.

 

Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, từ đầu năm đến nay “sốt” cây cảnh,  sáng sớm tới khuya cả xã sôi động, mỗi ngày 4- 5 chuyến xe tải đưa cây từ Đông Quý ra ngoài. Cây cảnh ở Đông Quý tạo công ăn việc làm cho nông dân, nhiều người giàu lên. Có trường hợp ở thôn Hải Nhuận làm đầm bị thua lỗ, bằng cây cảnh đã trang trải được nợ nần và khá giả. ông  Đỗ Công Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện nói với chúng tôi,  Hội Nông dân, Hội Làm vườn huyện đã có kế hoạch giúp đỡ hội viên và những người “bắt đầu đam mê” cây cảnh trong toàn huyện để địa phương có thêm nhiều kho báu mới. Hội có thuận lợi vì đồng chí Hoàng Quốc Việt, Phó Chủ tịch Hội là người có kinh nghiệm, kỹ thuật về cây cảnh.

 

Hiện vườn cây của Phó Chủ tịch Hội đứng nhất huyện và có tầm trong tỉnh, là nơi để các hội viên sinh vật cảnh tham quan, trao đổi, học hỏi. Trên đường trở về huyện, dưới cái nắng gay gắt tháng 6, ngột ngạt hơi nóng của đường bê tông, bất chợt thèm một tán cây xanh, chúng tôi càng thấy việc trồng cây cảnh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế. Mong rằng những mô hình vườn cây cảnh ở Tiền Hải ngày càng phát triển hơn nữa...

 

Bài, ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa