Thứ 2, 29/07/2024, 19:13[GMT+7]

Sản xuất vụ lúa xuân 2011 Nông dân gặt hái mùa vàng

Thứ 3, 05/07/2011 | 14:10:13
1,987 lượt xem
Trong những ngày cuối tháng 6, khắp các địa phương trong tỉnh đâu đâu cũng thấy cảnh nông dân khẩn trương thu hoạch lúa xuân để làm đất gieo cấy lúa mùa trà sớm. Trên những xe thồ, xe kéo chất đầy lúa, bông nào cũng trĩu hạt vàng óng mà lòng vui lây với những gương mặt đang nhễ nhại mồ hôi, nhưng toát lên đầy vẻ mãn nguyện. “Chưa có năm nào lúa tốt như năm nay, một mùa vàng các chú ạ...”. Đó là câu trả lời chung của bà con nông dân khi được hỏi về năng suất lúa vụ xuân 2011.

Tính đến ngày 28/6, toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 50% diện tích gieo cấy. Theo số liệu của Cục Thống kê, năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt 71,3 tạ/ha, trong đó một số huyện có năng suất cao như Quỳnh Phụ 73 tạ/ha, Hưng Hà 73 tạ/ha.

 

Do không hẹn trước nên vừa trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đức Kiếm, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hưng vừa chuẩn bị đi cùng với một số đoàn thể xuống xã gặt giúp dân để đẩy nhanh tiến độ, với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”.

 

Ông Kiếm cho biết: Vụ lúa xuân này, toàn huyện gieo cấy được gần 12.500 ha, trong đó trên 86% là giống ngắn ngày; năng suất bình quân ước đạt 72,5 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ xuân 2010 . Sau nhiều ngày lo lắng, do rét đậm, rét hại kéo dài làm lúa chậm phát triển, có nơi ngừng sinh trưởng...; đến nay có thể khẳng định lúa của Đông Hưng đã giành thắng lợi toàn diện về diện tích, năng suất, chất lượng, nông dân rất phấn khởi.

 

Không riêng gì Đông Hưng, các địa phương khác trong tỉnh cũng có một mùa “vàng” bội thu. Ngay cả hai huyện ven biển Thái Thuỵ cũng ước đạt 71 tạ/ha, Tiền Hải 69,3 tạ/ha. Đến thời điểm này, các cấp, các ngành, đoàn thể cùng với bà con nông dân đã cầm chắc trong tay một vụ thắng lợi toàn diện, bởi đến đầu tháng 7 toàn bộ diện tích lúa trong tỉnh sẽ thu hoạch xong.

 

Nhìn lại vụ lúa xuân 2011, những người lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và nông dân không quên được những ngày khó khăn đã trải qua. Thời kỳ gieo mạ gặp nhiệt độ thấp trong tháng 12/2010 và tháng 1/2011 làm cho gần 750 ha mạ bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có 400 ha đã bị chết. Ngay cả mạ gieo vào cuối tháng 1, đầu tháng 2, một số diện tích cũng bị chết, sinh trưởng kém do nông dân chủ quan không che phủ nilon khi nhiệt độ có những ngày xuống dưới 130c. Một số diện tích cấy khi mạ chưa kịp phục hồi sau rét và một số giống chịu rét yếu như BC15, Bắc thơm, T10... sau cấy lúa không phát triển nên nhiều hộ nông dân nóng vội đã bừa đi cấy lại bằng mạ nền.Từ tuần 3 tháng 2 đến hết trung tuần tháng 3 vẫn còn các đợt không khí lạnh kéo dài, ẩm độ không khí thấp, ít mưa đã làm ảnh hưởng sinh trưởng của lúa, biểu hiện như cây ngắn, lá khô, rễ kém phát triển, đẻ nhánh kém...

 

Với những khó khăn trên, tưởng chừng vụ xuân năm nay sẽ thất bát. Song, với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp đưa ra các giải pháp kỹ thuật đúng, kịp thời nên toàn bộ diện tích lúa xuân đã phục hồi phát triển nhanh chóng.

 

Bà Phạm Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Trồng trọt – Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Để cây lúa có sức, rút ngắn thời gian sinh trưởng, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn các địa phương tập trung bón hết lượng lân, đạm và một nửa phân kali trước trung tuần tháng 3; sau đó không bón đạm đơn, lúa xấu bón thêm phân tổng hợp NPK chuyên thúc; khi lúa đẻ kín ruộng bón hết lượng kali còn lại...Với các giải pháp trên, từ cuối tháng 3, lúa sinh trưởng phát triển rất tốt, lá nhanh vươn dài, chiều cao cây và số dảnh trên khóm tương đối cao.

 

Bà Tạ Thị Minh, Chi cục trưởng Chi Cục BVTV cho biết, vụ lúa xuân được mùa còn do sâu bệnh ít gây hại; các loại sâu bệnh mật độ đều thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm; các địa phương chỉ phải phun một đợt sâu cuốn lá nhỏ...

 

Ngoài yếu tố tác động của thời tiết, được mùa còn do có các biện pháp đúng, trúng kịp thời thông qua việc chăm sóc, điều tiết nước... nên khi nền nhiệt thấp cây lúa có biểu hiện chậm phát triển, nhưng  nó đã tích lũy các yếu tố cần thiết trong thân cây khi gặp thời tiết thuận ắt sẽ bùng phát mạnh mẽ... Ngoài ra, khi nhiệt độ xuống thấp làm các loại sâu bệnh khó có thể sinh sôi, phát triển gây hại nên cây lúa được an toàn trong suốt quá trình đẻ nhánh đến trỗ bông và chín.

 

Từ vụ lúa xuân năm 2011 và một số vụ trước đó có thể khẳng định những bất lợi của thời tiết hay sâu bệnh gây hại không phải là không có biện pháp khắc phục, cái chính để giành thắng lợi là nông dân phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp, các ngành và các cơ quan chuyên môn để thực hiện theo đúng các giải pháp đã đề ra.

                                                                                                

Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa