Thứ 2, 29/07/2024, 19:18[GMT+7]

Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương Thái Bình Góp phần đắc lực phát triển kinh tế- xã hội địa phương

Thứ 4, 13/07/2011 | 14:38:53
1,280 lượt xem
Với bề dầy 20 năm hoạt động, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương Thái Bình luôn giữ vững thương hiệu là một trong các Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước có uy tín, góp phần đắc lực phát triển kinh tế địa phương, hiện chiếm 12,6% thị phần tín dụng, 19,7% thị phần huy động vốn trên địa bàn toàn tỉnh.

Công nhân Công ty Giống cây trồng Thái Bình – Đơn vị vay vốn Ngân hàng TMCP Công Thương – đóng gói thóc giống.

Thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ, Chỉ thị 01/NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về Thực hiện giải pháp về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội , năm 2011, chi nhánh tiếp tục tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay xuất khẩu, đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất; khống chế tăng trưởng dư nợ dưới 20% theo Đề án của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh.

Trước tình hình thị trường vốn  luôn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức tín dụng, việc cho vay gặp nhiều khó khăn, nhất là xử lý thu hồi nợ đọng đối với nhóm khách hàng vận tải biển còn nan giải, Chi nhánh đã tập trung phân tích đánh giá thực trạng khách hàng, đổi mới đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng tín dụng, lành mạnh nợ trong hạn, điều chỉnh dư nợ cho vay đa dạng theo hướng vừa tập trung vào các mũi nhọn kinh tế của tỉnh, vừa phân tán rủi ro. Đối tượng đầu tư theo đó cũng có sự đổi mới mạnh mẽ.

Hiện nay, dư nợ cho vay các Công ty TNHH, Công ty cổ phần chiếm 56%,  kinh tế cá thể chiếm 42% tổng dư nợ. Đồng vốn của Chi nhánh còn tham gia vào chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn bao gồm cho vay phát triển chăn nuôi thủy - hải sản, cho vay phát triển nghề và  làng nghề như dệt may Thái Phương (Hưng Hà), dệt đũi Nam Cao, chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương), cho vay chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản...

Việc cho vay không chỉ dựa trên sự thẩm định phương án kinh doanh và thẩm định về giá trị tài sản theo quy định mà còn tạo điều kiện rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các làng nghề nhờ sự hỗ trợ về nguồn USD khi thanh toán với nước ngoài và sự hỗ trợ về lãi suất chiết khấu bộ chứng từ khi xuất trình chứng từ để gửi đi nước ngoài. Mạng lưới thanh toán rộng cũng là một trong những lợi thế không nhỏ khi các doanh nghiệp đến với Chi nhánh.

Việc thanh toán nhanh chóng, thuận tiện đã giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu  sản xuất, kịp thời mua được nguồn nguyên liệu với giá hợp lý, góp phần giảm chi phí đầu vào, đặc biệt khi nguyên vật liệu có chiều hướng tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2011. Sự hỗ trợ không chỉ bằng đồng vốn từ phía Ngân hàng đã được nhiều doanh nghiệp từ làng nghề ghi nhận.

Kinh tế hộ gia đình cũng được ngân hàng chú trọng đầu tư. Rất nhiều  hộ gia đình ở Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ…đều được Chi nhánh đến tận nhà mời sử dụng các dịch vụ ngân hàng, trong đó có các sản phẩm vay vốn. Những năm qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Namon> cũng đã phát triển nhiều gói dịch vụ cho vay đối với hộ gia đình -  điều đó đã tháo gỡ nhiều về mặt cơ chế để Chi nhánh tăng trưởng dư nợ cho vay đối với khu vực kinh tế nông thôn.

Cùng với việc ổn định bộ máy tổ chức khi Ngân hàng Công Thương Việt Nam quyết định sáp nhập Chi nhánh Công Thương Diêm Điền vào Chi nhánh NHCT Thái Bình, Ban giám đốc đã bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm  thực hiện chấn chỉnh nâng cao chất lượng tín dụng bằng nhiều biện pháp từ khâu lựa chọn, sàng lọc khách hàng, mở rộng cho vay theo đúng định hướng. Việc thẩm định  vay vốn bảo đảm quy chế tín dụng. Đặc biệt tuân thủ nguyên tắc mở rộng tín dụng phù hợp khả năng kiểm soát và nguồn vốn huy động, gắn với trách nhiệm của cá nhân, của từng bộ phận.

Chính vì thế , 5 tháng đầu năm 2011, dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt trên 2.300 tỷ đồng, tăng 10,1% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ  ngành công nghiệp - xây dựng  đạt gần 500 tỷ đồng, chiếm trên 21% tổng dư nợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời cung ứng các sản phẩm dịch vụ đa dạng, hiện đại như: Chuyển tiền qua tài khoản thanh toán, chuyển lương qua thẻ ATM cho công nhân, chiết khấu chứng từ, mở, thanh toán LC nhập khẩu…

Nâng cao uy tín, xây dựng, quảng bá thương hiệu thông qua các hoạt động xã hội là chủ trương lớn của Ngân hàng Công Thương Việt Nam được Chi nhánh đặc biệt chú trọng thực hiện. Tranh thủ sự hỗ trợ của Ngân hàng Công Thương Việt Nam, trong 2 năm 2009- 2010, Chi nhánh làm đầu mối đưa số tiền trên 15 tỷ đồng về Thái Bình, phối hợp với Mặt trận tổ quốc tỉnh, cấp ủy, chính quyền cơ sở hỗ trợ xây dựng 18 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 nhà văn hóa ; xây dựng 210 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa đúng đối tượng... góp phần tích cực cùng toàn tỉnh thực hiện chương trình an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa