Thứ 2, 29/07/2024, 19:14[GMT+7]

Thách thức về thời gian ở vụ mùa 2011

Thứ 5, 14/07/2011 | 16:47:32
1,619 lượt xem
Đến nay, lúa xuân trong toàn tỉnh Thái Bình đã thu hoạch xong, nông dân vui mừng vì năng suất cao, bình quân đạt 71,3 tạ/ha; một số huyện cho năng suất vượt trội như Hưng Hà, Quỳnh Phụ đạt 73 tạ/ha.

Tuy nhiên, nông dân không nên quá phấn khởi mà chủ quan, lơ là trước những thách thức ở vụ mùa. Bởi, sau khi thu hoạch xong lúa xuân cũng là thời điểm phải khẩn trương làm đất để gieo cấy lúa mùa cho kịp thời vụ.

 

Tính đến ngày 5/7, tiến độ làm đất, gieo mạ đều chậm hơn so với vụ mùa năm 2010 từ 10- 15 ngày. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, toàn tỉnh mới làm đất lần 1 được hơn 33 nghìn ha, đạt hơn 40% diện tích gieo cấy, trong đó huyện Quỳnh phụ làm đất nhiều nhất được hơn 80%; Thái Thuỵ, Hưng Hà, đạt từ 40 – 50%; nhấp nhất là Kiến Xương, Thành phố, Tiền Hải mới đạt từ 14 – 18%. Trong khi đó, thời gian gieo cấy vụ mùa đã cận ngày, thời vụ đặt ra phải cấy xong toàn bộ diện tích trước ngày 25/7. Thách thức bước đầu đã hiện hữu, do đó các cấp, các ngành đoàn thể và bà con nông dân cần nỗ lực vượt qua để tạo khí thế thắng lợi ngay bước đầu, tạo động lực cho suốt mùa vụ và vụ đông tiếp theo.

 

Bà Phạm Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Trồng trọt – Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Vụ lúa mùa năm nay lo nhất là quỹ đất để gieo mạ và thời gian làm đất gieo cấy; đến nay mạ đã gieo đủ để cấy toàn bộ diện tích, nhưng đối với làm đất thì diễn ra khá chậm.

 

Tính đến ngày 5/7, toàn tỉnh đã gieo được 4.900 ha mạ đủ để cấy 95% diện tích vụ mùa, diện tích còn lại gieo mạ nền từ ngày 5 – 10/7.  Đối với mạ trà sớm đã đạt 4 – 4,5  lá, mạ trà chính có trên dưới 3 lá, phát triển khá đẹp, cơ bản đã đủ tuổi cấy. Song, hiện nay lo nhất là khâu làm đất cả về tiến độ và chất lượng. Thời vụ đòi hỏi cấp bách, nhưng lao động nông thôn lại thiếu, chi phí thuê nhân công cao; máy nông nghiệp phục vụ cho thu hoạch lúa xuân, làm đất vụ mùa còn thiếu, không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

 

Mặt khác, một số địa phương còn tập quán cấy nhôi nhai, kéo dài; một số cán bộ cơ sở chưa thực sự sâu sát trong chỉ đạo...Nếu không đẩy nhanh được tiến độ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật khi làm đất để gieo cấy lúa mùa thì những nguy cơ gây hại sau cấy rất dễ xảy ra. Bởi lúa xuân gặt muộn nên làm đất không kịp ngấu, gốc rạ phân huỷ dở dang làm cho lúa dễ bị ngộ độc, cây còi, yếu, chậm phát triển, kéo dài thời gian sinh trưởng nên nông dân có thể sẽ bón thêm phân đạm làm cho lúa dễ nhiễm sâu bệnh. Ngoài ra, cấy và bón đạm muộn sẽ tạo điều kiện cho sâu cuốn lá, rầy, bệnh bạc lá bùng phát. Đặc biệt là bệnh lùn sọc đen, do vi rút này đã có sẵn trên mạ, cỏ lồng vực nên dễ lây lan sang lúa mùa, ảnh hưởng nhiều nhất ở trà lúa trỗ muộn, nếu không xử lý tốt rất có thể sẽ gây ảnh hưởng nặng nề như vụ mùa năm 2009.

 

Trước những thách thức trên, đòi hỏi khâu làm đất phải nhanh chóng và phải xử lý được những hiểm hoạ bằng các biện pháp kỹ thuật trong quá trình cày, bừa và cấy. Bà Phạm Thị Kim Hoàn cho biết: Hiện Sở Nông nghiệp & PTNT đã đưa ra được các biện pháp khắc phục những khó khăn trên và tăng cường cán bộ xuống cơ sở để hướng dẫn bà con nông dân thực hiện. Trong quá trình làm đất phải gắn với vệ sinh đồng ruộng và xử lý đất; gom rơm rạ vào góc ruộng ủ cùng với chế phẩm sinh học, sau lồng vùi rơm rạ phải giữ nước nông mặt ruộng, không để khô.

 

Bên cạnh đó, nông dân cần tranh thủ vạc bờ, cuốc góc tiêu diệt sạch cỏ dại, nhất là cỏ lồng vực là nguồn trung chuyển rầy, bệnh lùn sọc đen cho lúa. Đối với mạ gieo trên nền đất cứng trong tháng 7, cần được xử lý hạt giống bằng hoá chất...Đồng thời bón thúc cho mạ dược khi có trên 2 lá bằng NPK hàm lượng cao và phun một số chế phẩm siêu lân để mạ cứng cây, đanh dảnh; 100% diện tích mạ trước khi đưa ra đồng cấy phải phun thuốc trừ rầy có tính nội hấp. Các địa phương có bệnh lùn sọc đen trong mấy vụ vừa qua như Tiền Hải, Thái Thuỵ, Kiến Xương... cấy càng sớm càng tốt, để giảm nguy cơ bệnh bùng phát vào cuối vụ.

 

Để vụ lúa mùa giành thắng lợi toàn diện, hiện nay các địa phương đang tập trung tuyên truyền nhằm huy động máy móc, lao động đẩy nhanh tiến độ làm đất và các giải pháp kỹ thuật trước, trong và sau cấy. Ngành Nông nghiệp huy động 100% cán bộ kỹ thuật trồng trọt xuống giúp các huyện chỉ đạo cơ sở và thành lập các tổ công tác xử lý bệnh lùn sọc đen; đồng thời chỉ đạo các chi cục trong ngành triển khai thực hiện các biện pháp thuộc lĩnh vực mình quản lý, như kỹ thuật làm đất, gieo cấy, bón phân, chăm sóc lúa mùa; kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh; điều tiết nước tưới tiêu hợp lý...

 

Bài: Nguyên Bình

Ảnh: Ngọc Trâm

  • Từ khóa