Thứ 2, 29/07/2024, 19:15[GMT+7]

Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn giữa doanh nghiệp với ngân hàng?

Thứ 6, 15/07/2011 | 08:03:17
1,582 lượt xem
Thời gian qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã gặp không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp phải đóng cửa. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, nếu có được vốn vay thì lãi suất cũng khá cao...

Sản xuất sản phẩm sứ dân dụng ở Công ty cổ phần gạch men sứ Long Hầu (Tiền Hải). Ảnh: Ngọc Trâm

Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII thảo luận về kết quả phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2011, nhiều đại biểu cho rằng giá trị sản xuất công nghiệp tăng khác, nhưng không đạt so với kế hoạch đề ra và rất lo ngại cho sự  duy trì, phát triển  của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Thực tế thời gian qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã gặp không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp phải đóng cửa.

 

Một trong những nguyên nhân chính xảy ra tình trạng trên là do các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng rất khó khăn, có được vốn vay thì  lãi suất cũng khá cao. Mặc dù trước đây ngân hàng và doanh nghiệp có sự “hợp tác” khá suôn sẻ trong quan hệ tín dụng, nhưng hiện tại ngân hàng khá mạnh tay việc quản lý, cho vay vốn. Mới đây, các ngân hàng và các doanh nghiệp cũng đã ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn chung, song để hai bên giải quyết được vấn đề này vẫn phải có sự vào cuộc của các ngành chức năng.

 

Phải khẳng định những năm qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết phần lớn khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ  năm 2006 đến tháng 5/2011, các  ngân hàng đã cho gần 4 nghìn lượt doanh nghiệp vay vốn, doanh số đạt trên 49.200 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp đến 31/5/2011 đạt gần 7 nghìn tỷ đồng (không tính số liệu của chi nhánh Ngân hàng Phát triển Thái Bình).

 

Bên cạnh đó các tổ chức tín dụng cũng đã triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đã có 656 lượt doanh nghiệp vay trên 5.200 tỷ đồng từ chương trình này; dư nợ đến 31/5/2011 là 897,9 tỷ đồng... Như vậy các doanh nghiệp có sự phát triển khá mạnh cả về số lượng, nguồn vốn, ngành nghề hoạt động.

 

Đến hết năm 2010, toàn tỉnh có 292 dự án của các doanh nghiệp hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động, với số vốn đầu tư gần 12 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 100 nghìn lao động. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 27%, thương mại – dịch vụ tăng trên 13%, kim ngạch xuất khẩu tăng 34,6% so với năm 2009. Nhìn chung những năm qua, với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng ngân hàng và của các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

 

Theo dự thảo báo cáo  về tình hình phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm  2011 của tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.121 tỷ đồng, bằng 40,8 kế hoạch năm, tăng 16,89% so với cùng kỳ năm 2010. Trong điều kiện giá cả hàng hoá, lãi suất vốn vay tăng cao, thị trường tiêu thụ không ổn định...thì kết quả trên là sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch đề ra là không đạt. Nguyên nhân do hiện nay một số doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư nên hoạt động sản xuất, kinh doanh cầm chừng, có doanh nghiệp đã đóng cửa; thị trường tiêu thụ không ổn định, giá vật tư tăng cao... Trong khi đó để tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng là rất khó khăn, nên thu hút đầu tư giảm.

 

Theo các doanh nghiệp, khó khăn trước hết do hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư chưa đồng bộ; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh tuy đã chú trọng đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp. Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các thủ tục liên quan đến đất đai còn chậm, dẫn đến một số doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Sự phối hợp giữa các sở, ngành chức năng với ngân hàng chưa chặt chẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp về các dự án đầu tư, cũng như các thủ tục chứng nhận tài sản của họ để thế chấp vay vốn. Mặt khác một số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất không hiệu quả nên khó trả được nợ, do đó niềm tin giữa ngân hàng với các doanh nghiệp trong vay tín chấp bị giảm sút...

 

Hiện nay, các ngân hàng đang thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó có chính sách thắt chặt tiền tệ. Đồng thời công tác huy động vốn cũng rất khó khăn, dẫn đến một số ngân hàng thiếu vốn hoạt động.

 

Đặc biệt, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số doanh nghiệp, cá nhân có nguồn vốn nhàn rỗi lớn đã gợi ý để tăng lãi suất tiền gửi của họ (vượt trần quy định của Ngân hàng Nhà nước là 14%), nếu không họ sẽ rút tiền gửi. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm khả năng thanh khoản hay giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, vốn vay chưa đến được với doanh nghiệp còn do các thủ tục có liên quan đến một số sở, ngành trong việc chứng nhận, thẩm định tài sản trên đất...nên doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu mà ngân hàng đưa ra...

 

Để các doanh nghiệp tiếp tục có vốn duy trì hoạt động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ngân hàng thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình trong việc cho vay, quản lý vốn rất cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn thuộc lĩnh vực mình quản lý. Cụ thể, cần phải đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng thời gian trực giao dịch giúp doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý Nhà nước để xử lý nhanh các thủ tục vay vốn của doanh nghiệp; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư...

 

Trong bối cảnh như hiện nay, các doanh nghiệp và ngân hàng cần có một tiếng nói chung trong quan hệ tín dụng, bởi lẽ trước đó mối quan hệ này vẫn được duy trì khá tốt. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp cũng phải có các giải pháp riêng trong việc đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, tăng cường liên doanh liên kết; đánh giá lại tình hình tài chính, hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng chiến lược đầu tư sản xuất phù hợp và mở rộng các kênh huy động vốn... Về phía ngân hàng, chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp bổ sung vốn đầu tư, cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay... giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có điều kiện để hoàn vốn.

         

          Nguyên Bình

  • Từ khóa