Thứ 2, 20/01/2025, 03:46[GMT+7]

Chuyển mình trên quê biển Thụy Xuân

Thứ 2, 18/07/2011 | 13:56:32
5,472 lượt xem
Nhiều năm qua, người ta vẫn gọi Thụy Xuân là “phố biển” thứ hai của huyện Thái Thụy bởi sự sầm uất, trù phú của miền quê này chỉ xếp sau Thị trấn Diêm Điền. Trở lại nơi đây vào một ngày tháng 7, ngoài cảm nhận về sự no ấm, đủ đầy, còn thấy rõ trên nét mặt người dân sự tươi vui, phấn khởi tích cực thi đua lao động sản xuất trên những cánh đồng, đầm biển... đồng lòng hướng về mục tiêu chung: xây dựng thành công mô hình nông thôn mới trong tương lai.

Chủ tịch UBND xã Bùi Ngọc Hiện cho biết: nếu so với những địa phương khác, Thụy Xuân là xã lớn, đông dân, người dân sống chủ yếu nhờ vào biển. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền Thụy Xuân đã dồn mọi cố gắng, nỗ lực chỉ đạo nhân dân tận dụng lợi thế ven biển tập trung đẩy mạnh  khai thác, nuôi trồng, chế biển hải sản, kinh doanh buôn bán, làm dịch vụ nên đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế.

 

Tổng giá trị sản xuất 5 năm 2006-2010 đạt 454,3 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 14,6%/năm. Trong khai thác hải sản, địa phương tạo mọi điều kiện, vận động ngư dân củng cố phương tiện, cải tiến ngư lưới cụ, bám biển, mở rộng ngư trường, tăng năng lực khai thác và hiệu quả sản xuất. Toàn xã có 77 tàu khai thác, thu mua  hải sản hoạt động ở ngoài khơi tạo công  ăn việc làm cho khoảng 370 lao động. Tổng sản lượng khai thác 5 năm qua đạt 13,4 ngàn tấn cá, tôm các loại, cho giá trị 66,3 tỷ đồng. Thu nhập của người làm nghề cá ngày càng ổn định với mức bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đội tàu khai thác lộng, mỗi ngày có hàng ngàn người dân Thụy Xuân đi ra biển khai thác hải sản gần bờ,  người ít cũng được từ 100 đến 200 ngàn đồng/ngày, cá biệt có người ra biển từ sáng đến tối có trong tay cả triệu đồng. Thụy Xuân có 80 ha diện tích nuôi trồng hải sản. Đối với 50ha đầm trong đê, nông dân tích cực đầu tư đa dạng hoá con nuôi, ngoài tôm Sú, còn có tôm thẻ chân trắng, cá vược, cua, rong câu... nên hầu hết diện tích nuôi được khép kín, hiệu quả kinh tế cao.

 

Nếu như năm 2006, 1 ha cho giá trị thu nhập 61 triệu đồng thì đến năm 2010 đạt 280 triệu đồng. Vùng ngoài đê biển bước đầu được cải tạo đưa ngao, cá vược vào nuôi thả thử nghiệm, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi trồng hải sản  của địa phương. Cũng do là xã ven biển, có chợ Bàng đầu mối trung tâm buôn bán của tiểu vùng nên từ nhiều năm nay CN-TTCN, thương mại dịch vụ của Thụy Xuân phát triển mạnh.

 

Tổng giá trị sản xuất 5 năm 2006-2010 đạt 297,3 tỷ đồng, chiếm 65,4% cơ cấu kinh tế toàn xã.  Địa phương có 1 làng nghề chế biến hải sản Vạn Xuân truyền thống, sản xuất ổn định, ngoài ra còn có các nghề mộc, cơ khí... thu hút hàng trăm lao động tham gia với mức thu nhập bình quân đạt 1,8 triệu đồng/người/tháng. Toàn xã có trên 600 hộ kinh doanh, buôn bán dịch vụ: may mặc, sửa chữa, đại lý hàng điện tử, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng...; 300 lao động buôn bán đường dài, vận chuyển hàng hoá đi nhiều nơi, 24 phương tiện ô tô, tàu thuyền chuyên chở hàng hoá và hành khách.

 

Trong 5 năm 2006-2010, từ nguồn vốn của Nhà nước, địa phương và nhân dân đóng góp, xã đã đầu tư xây mới, nâng cấp nhiều công trình như: trường học, trạm y tế, chợ Bàng, phòng làm việc của công an xã, đường giao thông  trong thôn, nhà văn hoá thôn, mạng lưới truyền thanh cơ sở... với tổng nguồn vốn 7,2 tỷ đồng.

 

Cùng với việc đầu tư cho phát triển kinh tế, Thụy Xuân đặc biệt chú trọng vận động nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Hàng năm, có khoảng 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Mô hình tổ tự quản an ninh thôn Xuân Bàng, họ giáo Bình Lạng không ma tuý đi vào hoạt động nhiều năm nay rất hiệu quả. Mỗi người dân đều nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ tuyến phòng thủ ven biển.

 

5 năm qua, bà con còn tích cực đóng góp tiền của, hàng trăm ngày công cùng với Nhà nước hỗ trợ tu sửa và xây mới 7 ngôi nhà cho hộ nghèo trị trá 100 triệu đồng, ủng hộ đồng bào bị thiên tai và các hoạt động nhân đạo từ thiện gần 40 triệu đồng. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện 100% đường liên thôn được bê tông hoá. Thu nhập bình quân trên đầu người năm 2010 đạt 13,8 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 18,5% đầu nhiệm kỳ, đến nay giảm còn 9,8%.

 

Anh Hiện khẳng định: những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương những năm qua đã tạo tiền đề và động lực quan trọng để Thụy Xuân quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị  quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra, trong đó nhiệm vụ nòng cốt là đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, xã đang thực hiện đồng thời 2 việc lớn: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, nắm rõ mục đích, tiêu chí của xây dựng nông thôn mới; khẩn trương hoàn thiện đề án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông thủy lợi ruộng đồng, vùng nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới sẽ huy động mọi nguồn lực quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào địa bàn tạo điều kiện phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, sớm đạt được các mục tiêu theo 19 tiêu chí đã đề ra.

 

Nguyễn Hình

  • Từ khóa