Thứ 2, 29/07/2024, 19:18[GMT+7]

Đi lên từ nghề dệt

Thứ 4, 27/07/2011 | 09:39:38
1,506 lượt xem
Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống dệt bao đay, anh Vũ Văn Thanh, thôn Hưng Đạo xã Đông Quang (Đông Hưng) đã tiếp cận với nghề này ngay từ khi còn thanh niên. Cái nôi đó đã không những nuôi lớn anh trưởng thành mà còn giúp anh nhanh chóng trở thành hộ làm ăn khấm khá nhất thôn, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động có thu nhập ổn định.

Để làm ra một sản phẩm dệt rất vất vả, mọi công đoạn đều làm thủ công. Ảnh minh họa

Tâm sự với chúng tôi, anh cho biết: nghề dệt xuất hiện tại địa phương từ những năm 80, khi anh còn nhỏ. Ngày đó, người dân trong thôn mới chỉ biết đến chuyện dệt vải vuông nhỏ đem đi bán ở các nơi. Sau một thời gian dài mới tiến đến dệt bao, dệt thảm. Thời điểm đó, anh chưa nghĩ tới phát triển nghề này vì còn nhỏ.

 

Sau khi đi bộ đội trở về (năm 1983) anh đã quyết định tìm kế sinh nhai trên chính mảnh đất quê hương mình bằng cách nối tiếp nghề sẵn có ở địa phương. Ngày ấy, do cơ chế bao cấp, sản xuất kém phát triển hiệu qủa không cao. Để làm ra một sản phẩm dệt bao đay rất vất vả, mọi công đoạn đều làm thủ công vừa tốn lao động vừa mất thời gian. Cho tới khi chuyển sang cơ chế thị trường, sản xuất bung ra, nhiều hộ đã đổ xô vào làm nghề này, khiến trong thôn có tới trên 200 khung dệt chia đều ở 10 tổ sản xuất theo hình thức mạnh ai người đó làm.

 

Sau một thời gian, anh Thanh đã đứng ra quy gọn các hộ sản xuất lại thành 3 tổ để dễ cho việc quản lý, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Để nâng cao năng suất lao động, năm 1996 anh đã tự sáng tạo ra việc lắp thêm mô tơ và các linh kiện khác vào khung dệt thủ công. Đồng thời anh cũng tìm nguồn cung cấp nguyên liệu và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Từ đó, anh Thanh đã trở thành chủ cơ sở sản xuất dệt bao đay chuyên cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho các hộ trong vùng.

 

Năm 2010, anh đã lắp ráp 74 máy dệt đặt tại các nhà dân, trong đó có 10 máy công nghiệp giúp nâng công suất dệt cao hơn trước gấp 1,3 lần. Hiện tại, hàng tháng anh nhập trung bình 20 tấn sợi về phát cho các hộ dệt theo mẫu để đóng gói các sản phẩm như tiêu, cà phê, gạo, điều … Theo anh Thanh, làm nghề dệt bao có cái hay riêng, người dân không phải lo về vốn, nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm, công việc làm quanh năm với mức thu nhập ổn định đạt trung bình trên 1 triệu đồng /tháng /hộ vì thế người dân ở đây rất say nghề. Đặc biệt hơn là hầu như ai cũng làm được nghề này, kể cả người già và trẻ em. Qua đó, tạo việc làm lúc nông nhàn, giúp lớp trẻ tránh xa các tệ nạn xã hội. Hiện nay, trong thôn không có trường hợp nào mắc nghiện.

 

Với vai trò là chủ cơ sở sản xuất, anh Thanh vẫn thường xuyên đến nhà các hộ dân điều chỉnh kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc. Ngoài ra, anh còn phụ trách thêm tổ đóng gói sản phẩm tại công ty đay trên thành phố. Nghề này đã giúp anh Thanh không những đạt mức thu nhập tới hàng trăm triệu đồng /năm mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động trong xã. Tuy nhiên, khó khăn nhất của anh Thanh hiện nay là không có đất để làm nhà xưởng, hệ thống đừơng giao thông vào xã xuống cấp nên không thuận tiện cho việc giao, nhận hàng. Nếu được các cấp tạo điều kiện cho anh được thuê đất, trong thời gian tới anh sẽ xây dựng nhà xưởng, mua máy móc chuyên dụng để sản xuất các loại mẫu mã đẹp hơn và tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình có việc làm, thu nhập cao hơn.

                                                                 Thu Thủy

  • Từ khóa