Thứ 2, 20/05/2024, 16:30[GMT+7]

Chuyển muối thành tôm, cua, cá

Thứ 3, 02/08/2011 | 08:57:35
2,152 lượt xem
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Thái Bình có những dự án quai đê lấn biển lớn vào tầm cỡ Quốc gia. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến công trình lấn biển khoanh giữ eo biển phía đông của 2 xã Thụy Xuân và Thụy Trường, thuộc huyện Thái Thụy. Con đê mới dài gần 3 cây số đã ôm gọn 3 cồn cát, nhiều khe ngòi, bãi sú... để tạo ra hơn 100 ha “bình yên” cho người dân Thụy Xuân, Thụy Trường và một số người xã khác có cơ hội san lấp mặt bằng trở thành cánh đồng muối.

Chế biến cá ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Ảnh: Hiền Trâm

Những năm ấy, cả nước còn “khát” muối – nghĩa là phải phân phối, phải ngăn chặn việc đem muối đi đây đi đó. Nhà nước bao tiêu hết. Người dân làm muối cũng tạm gọi là “ăn nên làm ra”. Nhưng rồi sự nghiệp làm muối đến đầu những năm 80 cứ lụn bại dần.  Muối chất đầy các kho, đầy các nhà, cho phép bán tự do cũng chẳng ai mua.

 

Gần 40 năm, cái duyên gắn bó với muối của dân Thụy Xuân đã không còn mặn mà đằm thắm nữa. Đứng trước nguy cơ phải bỏ ruộng hoang hoá, năm 2000, Ban chủ nhiệm HTX muối Minh Hải đề xuất và được cho phép của nhiều cấp liên quan, đã vận động xã viên muối của mình chuyển đổi ngành nghề. Đó là việc đào ruộng muối thành ao, thành đầm để nuôi các loại tôm, cua, cá nước mặn.

 

Trong tổng diện tích của công trình lấn biển, HTX muối Minh Hải được quản lý 49 ha. Hợp tác chia cho 202 hộ. Mỗi khẩu bình quân cũng chỉ được hơn 1 sào Bắc bộ. Khi chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản, tính đến nay là hơn 10 năm, chỉ còn 3 hộ do không có vốn và nhân lực đầu tư, còn bỏ ruộng hoang. Vì công đào ao sâu từ 1,2 đến 1,5m hoàn toàn bằng sức người chứ máy xúc, máy ủi không vào được. Bờ ao phải ghép bằng những Tấm bê rộng dày 3-4 phân, phải làm nhà để trông coi, mua máy móc thích ứng để sục tạo ô xi, thức ăn, thuốc khử nước, thuốc phòng bệnh... nên hộ neo người, hộ nghèo chưa thể chuyển đổi được. Đã có một số hộ phải bán ruộng cho những hộ có tiềm năng để họ mở rộng.

 

Việc nuôi thuỷ sản những năm đầu, mọi nhà cũng chỉ như mới học việc. Chưa định hình được giữa các con như cua, tôm sú, thẻ vàng... nuôi con nào có hiệu quả kinh tế cao hơn? Bởi thế, ba, bốn năm đầu, mỗi héc ta đầm trong 1 năm mới chỉ “đẻ” ra được 60 đến 70 triệu đồng.

 

Nhưng 5-6 năm nay, nhờ thông tin đại chúng, đặc biệt là nhờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng đi sâu nghiên cứu tạo ra nhiều giống thuỷ sản chất lượng cao, nhờ có cơ chế thị trường, có sự giao lưu con giống và thương phẩm giữa các miền Bắc, Trung, Nam và các hộ của HTX muối Minh Hải mặc dù còn nhiều khó khăn và mong ước, nhưng tính đến năm 2010, mỗi ha ao đầm bình quân đã “đẻ” ra được 280 triệu.

 

Từ muối, các hộ “khôn ra” chuyển đổi nuôi trồng thành “đất lành” như thế nào mà năng suất lại cao, mà mấy năm nay nhiều “đoàn chim” từ Bắc chí Nam cứ “đậu” về tham quan, học tập mô hình này Như vậy? Chủ nhiệm Hồ Trọng Kích không muốn người tìm hiểu chỉ “tai nghe” ở văn phòng, mà con muốn cho khách thấy tường tận các hộ “có gan làm giầu” điển hình ở những loại con tiêu biểu đang vận hành ra sao. Không có hộ nào nhiều ao đầm để thư thả làm ăn theo kiểu quảng canh, mà 100% các hộ đều tính chuyện thâm canh một cách khẩn trương nghiêm ngặt.

 

Toàn địa bàn hàng trăm chiếc máy nổ chạy dầu với công suất từ 15-20 sức ngựa chạy ình ình để lai những cánh quạt nước tạo ô xi rào rào ở các ao càng làm cho khí thế tăng gia sản xuất chạy đua với thời gian, với thời tiết trở nên sôi động.

 

Thăm hộ ông Hà Hùng Dũng, là 1 trong 2 hộ nuôi tôm thẻ vàng chân trắng nổi tiếng mới thấy sự thâm canh ở đây thật hiệu quả. Ông Dũng chỉ có 2660 mét vuông ruộng muối. ông đào 2 ao chính, 1 ao phụ và quật lập nên một phần đất cao để làm nhà, làm sân. Khi hệ thống mương máng của của HTX căn cứ vào con nước, tháo nước biển vào, ông Dũng lấy nước vào ao phụ. ông cho thuốc khử xuống để có nước an toàn tin cậy rồi mới tháo sang 2 ao chính. Dăm năm nay, ông thả tôm thẻ vàng. Thức ăn đặc chủng có bán sẵn ở thị trường trộn với thuốc phòng bệnh rồi vãi xuống cho tôm ăn. Nước ao ngày nào cũng phải xục ô xi. Chỉ 70 ngày được 1 lứa. Từ 90 đến 100 con được 1 kg. Giá hiện tại trên 100 nghìn đồng 1 kg. Hàng năm nạo vét ao làm vệ sinh theo tài liệu của Bộ và Sở hướng dẫn. Mỗi năm gia đình ông Dũng thực lãi trên 130 triệu đồng.

 

Hộ bà Trịnh Thị Thêu với diện tích 5500 mét vuông, cũng nuôi tôm thẻ vàng, năm 2010 thu 3, 5 tấn, trừ chi phí còn lãi hơn trăm triệu. Vụ xuân hè 2011 này, ông Dũng, bà Thêu cho biết các hộ nuôi tôm đang thu hoạch, thắng lợi hơn 6 tháng đầu năm ngoài.

 

Nuôi cá vược điển hình có hộ ông Nguyễn Trọng Tắc, với diện tích 5600 mét vuông (trong đó có cả nhà, sân, ao phụ, mương máng...); năm 2010 ông thu hơn 5 tấn cá, trị giá trên 4 trăm triệu đồng trừ chi phí 60%, thực lãi còn gần 2 trăm triệu. Về nuôi cá, các hộ ở đây đã bỏ việc nuôi cua thịt, vì thời gian lâu, hiệu quả kinh tế không cao bằng nuôi và bán cua giống. ương cua giống thời gian chỉ mất chưa đầy một tháng, mã lãi đã lên 5 lần. Một trứng cua mới nở bằng đầu que diêm mua về chỉ 1 nghìn, nuôi 23 ngày cua to hơn móng tay đã bán được 5 nghìn.

 

Những gia đình ở Thụy Xuân không có ao đầm, mà có nhân lực, ít tiền vốn thường tham gia vào dịch vụ đưa cua giống ra bán ở Quảng Ninh. Cá tôm chở bằng xe đông lạnh bán cho các xí nghiệp chế biến thuỷ sản và phố chợ ở nhiều tỉnh. Điển hình việc nuôi cua giống phải kể đến 3 anh em cọc chèo anh Hà Văn Cửu, Hoàng Văn Hoà, Hoàng Văn Thụ. Mỗi năm, mỗi hộ đều thu lãi hơn 2 trăm triệu đồng. Việc nuôi tôm sú, chủ nhiệm Kích cho biết: 3-4 năm nay có xu hướng giảm dần vì giống trôi nổi kém, hiệu quả không cao.

 

Một số hộ nuôi tôm sú có tính chất “chống cháy”, nghĩa là tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi khi xen kẽ giữa các vụ nuôi chính. Như hộ ông Nguyễn Thanh Vũ, chỉ có 1000 mét vuông, nuôi thâm canh tranh thủ cũng thu được vài chục triệu từ tôm sú.

Xã Thụy An – ngay phía trong xã Thụy Xuân, nổi tiếng trồng thuốc lào thơm ngon năng suất, với 1231 hộ, trong 1 năm cũng chỉ làm ra 7 tỷ tiền thuốc lào. Vậy mà HTX muối Minh Hải – nay là HTX nuôi trồng thuỷ sản Minh Hải, chỉ với 199 hộ, 1 năm đã làm ra hơn 8 tỷ, bình quân mỗi hộ 1 năm lãi hơn 40 triệu đồng; đồng thời còn tạo ra công ăn việc làm cho mấy trăm người làm dịch vụ buôn bán ăn theo.

 

Đặc biệt, HTX nuôi trồng thuỷ sản Minh Hải đã góp cho ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ hải sản của nước nhà mỗi năm hàng nghìn tấn sản phẩm chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. (Chất lượng kỹ đến mức có nhiều hộ đã Phải chăng dàn dây trên cột cao vài chục mét để ngăn chặn chim xuống ao đầm ăn tôm cá và mang mầm bệnh tới).

 

Vì có công “ăn nên làm ra” và sản phẩm đóng góp lớn cho xã hội như vậy, HTX nuôi trồng thuỷ sản Minh Hải đã được tặng nhiều giấy và bằng khen từ cấp xã đến cấp tỉnh. Năm 2010 được Nhà nước cấp cho 1,8 tỷ đồng để làm hệ thống đường điện chung cho cả khu nuôi trồng thuỷ sản của Thụy Xuân và Thụy  Trường. Đến tháng 7-2011 này hệ thống điện được đưa vào sử dụng, thay thế hàng trăm máy nổ ngày đêm rền rĩ, xịt khói hàng chục năm nay.

 

Tuy vậy, điều bức xúc và mong ước của bà con nơi đây là chưa có mương máng tiêu thoát nước riêng. Hiện nay, giữa nước biển lấy vào và nước tiêu từ các ao bơm ra con đang chung cùng mương máng. Bà con hy vọng trong quy hoạch nông thôn mới của Thụy Xuân, khu nuôi trồng thuỷ sản này sẽ có đường to cho ô tô vào tận nơi, sẽ có máng nổi để thoát nước thải bơm từ ao lên chảy đi thật xa và được xử lý trước khi đổ ra biển. Một số hộ đang thử nghiệm nuôi cá song xuất khẩu, hiệu quả kinh tế rất cao. Bà con mong nguồn giống cá song luôn luôn đáp ứng và bảo đảm chất lượng.

 

Nguyễn Mai Sơn

(Thụy An – Thái Thụy)

 

 

  • Từ khóa