Thứ 2, 29/07/2024, 19:16[GMT+7]

Tiền Hải Hơn 10% diện tích lúa mùa cấy chậm thời vụ

Thứ 2, 08/08/2011 | 07:51:31
1,383 lượt xem
Chúng tôi vừa có dịp trở về với đồng ruộng Tiền Hải, cùng thời điểm này năm trước, lúa đã lên xanh mơn mởn, nhưng vụ mùa này trên một số cánh đồng, các khoảng xanh, khoảng vàng vẫn xen kẽ.

Nông dân huyện Tiền Hải chăm sóc lúa mùa trà sớm. Ảnh: Minh Đức

Nhiều xã như Tây Giang, Đông Lâm, Nam Thanh, Nam Chính... bà con nông dân vẫn miệt mài cắm những dảnh mạ cuối cùng nhằm bảo đảm cấy hết diện tích theo kế hoạch của xã. Theo báo cáo của Phòng NN – PTNT, đến ngày 31/7, toàn huyện có hơn 10% diện tích lúa mùa cấy trễ so với lịch thời vụ và là huyện kết thúc gieo cấy lúa mùa chậm nhất tỉnh.

 

Vài năm trở lại đây, Tiền Hải đã đảm bảo cấy lúa đúng thời vụ nhưng vụ mùa năm nay “bệnh” cấy trễ lại tái phát. Sở dĩ như vậy là do nhiều nguyên nhân. Về khách quan, do rét đậm, rét hại muộn làm kéo dài thời thời gian sinh trưởng của lúa xuân. Vụ xuân trước, lúa thu hoạch từ trung tuần tháng 5, năm nay lúa xuân đại trà vào trung tuần tháng 6 mới thu hoạch rộ.

 

Trong khi đó, lịch gieo cấy lúa mùa đuổi sát từng ngày. Lúa vụ xuân 2011  khá tốt, được mùa lớn, đòi hỏi nhiều nhân công cho khâu thu hoạch nhưng hầu hết các xã ở Tiền Hải, lực lượng lao động chính trong nông nghiệp chủ yếu ở độ tuổi “trẻ đã qua, già chưa tới”, đa số lực lượng trẻ khoẻ đi làm  tại các khu, cụm, điểm công nghiệp. Công cụ thu hoạch bằng cơ giới còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Nhiều gia đình không thuê được máy, có thời điểm công gặt 1 sào ruộng lên tới 250- 300 nghìn đồng. Gặt lúa xuân chậm dẫn tới giải phóng đất gieo cấy lúa mùa chậm. Về nguyên nhân chủ quan, mặc dù lường trước những tồn tại, khó khăn có thể xảy ra, huyện uỷ  đã chỉ đạo quyết liệt từ đầu tháng 6  (hoãn các cuộc họp chưa cần thiết, không tổ chức thăm quan, du lịch, huy động mọi lực lượng, kể cả các lực lượng vũ trang...) tập trung thu hoạch lúa xuân. Song nhận thức và hành động ở các xã không đồng nhất, nên việc chỉ đạo thiếu tập trung. Đặc biệt là việc cân đối máy nông cụ làm đất không kịp thời.

 

Toàn huyện có khoảng 800 máy cày lớn nhỏ, phải căng ra làm 10.750 ha đất, với khoảng thời gian hơn 1 tháng, chắc chắn sẽ không kịp. Các lực lượng làm đất khác như trâu bò, lao động thủ công gần như không tham gia. Ông Ngô Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trước tình hình thời vụ gấp gáp, mặc dù là chủ nhật, lãnh đạo huyện đã phải sang huyện khác thuê 23 máy làm đất đa năng, hỗ trợ nông dân tiền chênh lệch thuê máy (20.000đ/sào), vận chuyển máy đi về, nhưng vẫn không kịp thời vụ. Máy đã thiếu, thêm vào đó, do tập quán của người dân, khi gặt để lại gốc rạ cao (45-60 cm) khiến các máy công suất thấp, yếu không hoạt động được. Đây là bài học kinh nghiệm mà Tiền Hải cần rút ra và sớm có giải pháp cho các năm, các vụ sau.

 

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân chủ quan khác như việc tập trung chỉ đạo phòng chống cơn bão số 3, mặc dù bão đổi hướng, các huyện nội đồng giản đơn hơn, còn với Tiền Hải phải huy động lực lượng đưa hàng trăm hộ, hàng ngàn khẩu từ ngoài đê biển vào trong đồng, đưa 908 tàu vào neo đậu... làm cho việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ gieo cấy bị chậm lại. Mặc dù gặp phải những khó khăn ban đầu, nhưng Tiền Hải quyết tâm giữ vững mục tiêu đạt năng suất từ 55 - 60 tạ/ha. Để thực hiện được mục tiêu trên, Tiền Hải đang tập trung chỉ đạo làm tốt khâu chăm sóc và bảo vệ lúa mùa. Nhất là 10% diện tích cấy trễ thời vụ, bằng cách tăng lượng phân hữu cơ và chú ý giữ đủ nước, sau cấy 7 - 10 ngày phải tập trung xáo xới, bón thúc lần thứ nhất, thực hiện kinh nghiệm của cha ông “Chiêm năng khùa, mùa năng xới” nhằm bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các trà lúa.

 

Tại 10 xã  đã phát hiện sâu cuốn lá nhỏ (tuổi từ 2 - 3), huyện chỉ đạo tập trung phun trừ vào cuối tháng 7, nhằm chống lây lan ra diện rộng. Đến 10/8 kết thúc dứt điểm việc bón thúc và làm cỏ giai đoạn 1 cho lúa. Tiền Hải còn chỉ đạo Xí nghiệp thuỷ nông phối hợp với từng xã điều tiết nước hợp lý để lúa sinh trưởng đều và phòng úng đầu vụ nếu mưa lớn xảy ra.

 

Tháng 8 cũng là thời điểm thích hợp các xã tổ chức diệt chuột, diệt ốc bươu vàng không để các đối tượng trên lây lan. Để chấm dứt tình trạng chậm tiến độ thời vụ ở các năm sau, huyện ủy, đã giao cho Phòng nông nghiệp xây dựng một chuyên đề riêng, triển khai xuống tận thôn, xóm. Trước mắt, rà soát các hộ, địa phương đảm bảo đúng tiến độ gieo cấy vụ mùa để có cơ chế khen thưởng, khuyến khích động viên. Về lâu dài, huyện đề ra 5 giải pháp: hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ sản suất mua máy làm đất (trung bình 2-3 máy/xã); đề nghị các ngân hàng, mở rộng các khoản tín dụng cho nông dân mua máy nông cụ; đưa tiến độ thời vụ thành tiêu chí công nhận Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng người dân; quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho cấp ủy, các ngành, đoàn thể...

          

Phan Đức Lợi

  • Từ khóa