Thứ 3, 30/07/2024, 01:22[GMT+7]

Thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến ở Thái Bình

Thứ 6, 13/08/2010 | 16:09:37
1,989 lượt xem
Công nghệ thông tin đang có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, nhất là đối với các doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, hay còn gọi là thương mại điện tử ra đời đang trở thành xu thế mới thay thế dần phương thức kinh doanh trước đây với rất nhiều ưu thế nổi bật, như: nhanh hơn, rẻ hơn, tiện dụng, hiệu quả hơn và không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra mạng thông tin máy tính tại Trung tâm Báo chí - Sở TTTT.

Đối với Thái Bình đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận thức về ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Các doanh nghiệp của tỉnh hầu hết đã trang bị máy tính, có kết nối internet, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc ứng dụng một số tiện ích nhỏ, như: sử dụng thư điện tử, các phần mềm tin học văn phòng và một số phần mềm chuyên dụng, chưa chú trọng nhiều đến việc khai thác các thông tin trên mạng.

Một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng trang Website, nhưng chủ yếu là chỉ giới thiệu về doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm, chưa cho phép đặt hàng và thanh toán, giao dịch qua mạng do thiếu nguồn nhân lực và kinh phí thực hiện. Cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử tại các doanh nghiệp còn thiếu và yếu về chuyên môn. Mặt khác nhận thức của các chủ doanh nghiệp chưa quen với thương mại điện tử, mọi giao dịch vẫn theo lối mòn tư duy cũ.

Ngày nay trước xu thế xã hội đang trong quá trình chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang thời đại thông tin, cùng với các ngành công nghệ cao khác, công nghệ thông tin (CNTT) đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta. Đối với các doanh nghiệp, CNTT là công cụ góp phần hiện đại hóa sản xuất, là một trong những phương tiện để chuyển đổi, biến đổi cách thức quản lý điều hành. Nếu doanh nghiệp biết ứng dụng tốt CNTT vào quản lý và sản xuất sẽ đem lại lợi thế không nhỏ trong phát triển và cạnh tranh.

Trong những năm gần đây, Thái Bình có nhiều chuyển biến tích cực: Hạ tầng CNTT và truyền thông đã phát triển mạnh đem lại diện mạo mới cho hoạt động ứng dụng CNTT của tỉnh. Đến nay hệ thống mạng Internet tốc độ cao đã phủ kín tất cả các địa bàn từ nông thôn đến đô thị. Hệ thống đường truyền cáp quang đã phủ đến cả 8 huyện, thành phố cho phép triển khai được rất nhiều ứng dụng tin học công nghệ cao trên nền tảng các đường truyền băng thông rộng này. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình đang được xây dựng và sẽ hoàn thành trong năm 2010. Đây sẽ là kênh cung cấp thông tin mọi mặt về đời sống kinh tế xã hội của tỉnh Thái Bình.

Nhiều doanh nghiệp bước đầu đã ứng dụng CNTT trong hoạt động, hoà nhập với sự phát triển chung của cả nước. Thái Bình đã có một số nhà máy điều khiển sản xuất hoàn toàn tự động nhờ sự trợ giúp của máy vi tính như: sản xuất bia, nước khoáng, gạch ốp lát... Nhiều doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong thiết kế mẫu sản phẩm, như các doanh nghiệp dệt, may, cơ khí, thủy tinh, gốm sứ... Cơ sở dữ liệu đã được hình thành và phát huy tác dụng tốt trong hoạt động của một số ngành như: Ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, đất đai v.v... Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng CNTT trong lĩnh vực kế toán, tài chính, nhân sự... Một số đơn vị đã xây dựng trang Website để quảng bá sản phẩm nâng cao thương hiệu của mình.

Thực hiện Quyết định 191/2005/QĐ-TTg ngày 29/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 – 2010; Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Thái Bình giai đoạn 2006-2020, vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo “Thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến”. Hội thảo có đại biểu các cục, vụ, viện của một số bộ, ngành Trung ương; đại biểu Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Liên minh các HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cùng hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thông qua Hội thảo các nhà doanh nghiệp, nhà quản lý có thêm kênh thông tin, tiếp cận và hiểu rõ hơn chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng CNTT để hội nhập và phát triển. Qua đó giúp các doanh nghiệp vận dụng những thế mạnh, lợi ích mà CNTT mang lại; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, các mô hình, phương thức, giải pháp, công nghệ, nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính điện tử, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đây chính là diễn đàn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước trao đổi, tiếp thu ý kiến phản ánh của doanh nghiệp để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT phục vụ doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Sau Hội thảo này, Thái Bình sẽ tiếp tục mở lớp đào tạo các kiến thức chuyên ngành về thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến cho các doanh nghiệp của tỉnh.

Để thành công trong thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng cho mình một chương trình kế hoạch ứng dụng CNTT cụ thể, mang tính khả thi, có lộ trình để sản xuất kinh doanh, đặc biệt phải nắm bắt nhu cầu khách hàng; có sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh; tạo được nét đặc trưng riêng cho Website; có chiến lược kinh doanh tốt, khoa học và có nhân sự chuyên môn về thương mại điện tử; linh động đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp nhất.

Dương Lễ (Sở Thông tin truyền thông tỉnh)

  • Từ khóa