Thứ 2, 29/07/2024, 19:15[GMT+7]

Giải pháp kiềm chế sự "xuống dốc" của các làng nghề ở Tiền Hải

Thứ 3, 09/08/2011 | 14:43:22
1,844 lượt xem
6 tháng đầu năm nay, mặc dù giá trị sản xuất CN-TTCN (theo giá cố định 1994) của Tiền Hải đạt 660 tỷ đồng tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2010, nhưng chỉ, đạt 41,37% mục tiêu cả năm. Một trong số nguyên nhân GTSX CN- TTCN đạt tỷ lệ thấp là do nghề và làng nghề của Tiền Hải đang có chiều hướng xuống dốc.

Tiền Hải đang tập trung các giải pháp để nghề và làng nghề phát triển ổn định, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Tiền Hải là huyện có ít nghề truyền thống nhất, do đây là vùng đất trẻ, được khẩn hoang và thành lập chưa đầy 190 năm. Dân tụ  hội về đây chủ yếu là nông dân cần ruộng  cày, cấy. Quá trình phát triển, do nhu cầu đời sống- sản xuất, một số địa phương  tự tìm ra nghề giản đơn như khâu nón, dệt chiếu hoặc tự sản xuất ra nông cụ cơ khí... So với tiêu chí về làng nghề, đến năm 2002 Tiền Hải là huyện duy nhất chưa có làng nghề nào được công nhận. Tiếp thu Nghị quyết 01 của Tỉnh uỷ, cấp uỷ, chính quyền các cấp của Tiền Hải đã thay đổi nhận thức, với quyết tâm “xoá xã trắng nghề” và phấn đấu hàng năm có thêm nhiều làng xã đủ tiêu chuẩn làng nghề.

 

Gần 10 năm nỗ lực phấn đấu, Tiền Hải đã có 27 làng nghề đủ tiêu chuẩn được tỉnh cấp bằng công nhận. Nhiều xã phát triển làng nghề với tốc độ nhanh và quy mô lớn, như Nam Hà 3 làng, Nam Hải 2 làng, Vân Trường 2 làng, Bắc Hải 2 làng, Phương Công 2 làng... Trước thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu, nghề và làng nghề Tiền Hải hoạt động khá sôi nổi và đa dạng với hàng chục nghề từ khâu  nón, dệt chiếu, cơ khí đến chế biến nông lâm, thuỷ sản... Vì vậy, mỗi năm làm ra hàng trăm tỷ đồng, góp phần cùng công nghiệp tập trung đưa GTSX CN- TTCN chiếm hơn 40% trong tổng GTSX các ngành kinh tế của huyện.

 

Nhiều làng nghề như Thanh Giám (xã Đông Lâm), GTSX của nghề chiếm 64% trong tổng GTSX chung của làng. Hai làng nghề của xã Nam Hải cũng có giá trị sản xuất chiếm hơn 50%. Nghề và làng nghề của Tiền Hải đã góp phần tích cực vào việc phân công lại lao động tại khu vực nông nghiệp, nông thôn và thay đổi diện mạo các xóm thôn. Tổng số lao động làng nghề ở vào thời điểm cao đạt gần 30.000 người. Một số nghề như móc sợi, móc hộp, đan mũ xuất khẩu (xã Tây An) có doanh thu rất cao, từ 20- 40 tỷ đồng/năm.

 

Tuy nhiên, từ 2010 đến nay, nghề và làng nghề của Tiền Hải có chiều hướng đi xuống. Theo báo cáo của huyện cũng như thực tế khảo sát, hiện tại  có 5 làng đã ngừng hoạt động, gồm: Làng thảm cói Văn Hải (Đông Phong), làng chiếu trúc Hưng Đạo (Vũ Lăng), làng thêu ren Trung Đức (Đông Trung) , làng thêu Lạc Thành (Tây Ninh), làng dệt chiếu Rưỡng Trực (Nam Thắng). 10 làng nghề khác tuy vẫn duy trì nhưng sức sản xuất giảm sút, GTSX đạt dưới 50% so với tổng GTSX chung của làng. Toàn huyện chỉ còn 12 làng nghề đủ tiêu chuẩn tái nhận bằng công nhận.

 

Nguyên nhân nghề và làng nghề ở Tiền Hải đi xuống là do chưa sẵn sàng cho hội nhập, không “trụ” nổi trước lạm phát, suy thoái kinh tế. Các mặt hàng do làng nghề của huyện làm ra chất lượng thấp, ngay thị trường trong nước cũng chưa có thương hiệu,  đầu ra khó khăn, chi phí đầu đầu vào tăng vọt dẫn đến thu nhập của lao động thấp,  (450 đến 500 ngàn đồng/người/tháng). Trong khi đó giá công lao động xã hội lại ở mức cao, giá thuê lao động đơn giản ngoài bãi biển (thu hoạch ngao, đánh bắt cá ven bờ...)  lên tới hàng trăm ngàn đồng/ người/ngày; Một số làng nghề liên quan đến sứ, thủy tinh bị suy giảm do trữ lượng khí đốt gần cạn kiệt như làng nghề Thư Điền (xã Tây Giang), Thanh Giám (Đông Lâm).

 

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác nữa như chậm đổi mới mẫu mã hàng hoá, thiếu thông tin thị trường...  cũng làm cho làng nghề thiếu bền vững. Còn một nguyên nhân sâu xa, cũng là khâu yếu nhất của làng nghề Tiền Hải là nhiều làng nghề  được công nhận hơi có phần “chín ép”. ở những trường hợp như vậy, thì như một số người nhận xét: “nghề vào, rồi nghề đội nón ra đi”.

 

Để nghề và làng nghề ổn định và phát triển bền vững, Tiền Hải đang tập trung vào một số giải pháp lớn. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết 07 của T.Ư Đảng về “tam nông” và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện chủ trương khởi động trở lại phong trào khôi phục, phát triển làng nghề, bởi vì nghề và làng nghề là một trong 19 tiêu chí về nông thôn mới. Đổi mới nhận thức và hành động giai đoạn này là phát động các xã tìm và đưa về địa phương nghề phù hợp, sản phẩm có đầu ra rộng trên thị trường. Phát triển những nghề có sẵn nguyên liệu ở địa phương như lương thực, thực phẩm, thuỷ hản sản. Sản phẩm làng nghề cũng phải đổi mới một bước về mẫu mã và chất lượng.

 

Muốn đạt được chất lượng, phải đổi mới công nghệ, chọn lựa công nghệ sạch để bảo đảm sản xuất bền vững. Huyện và cơ sở sẽ lựa chọn một số sản phẩm để xây dựng thương hiệu và quảng bá trên thị trường. Đồng thời huyện sẽ củng cố hệ thống cán bộ khuyến công các xã  đủ mạnh để giúp làng nghề phát triển .

 

Ngoài ra, Tiền Hải còn xây dựng và áp dụng nhiều giải pháp khác như tiếp tục tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp làng nghề, tìm nguồn kinh phí đào tạo lao động làm nghề, giúp làng nghề tiếp thu KHKT, thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm, gắn  phát triển làng nghề với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tiền Hải đề nghị với tỉnh, quan tâm hỗ trợ huyện về kinh phí dạy nghề. Tập trung vốn khuyến công về Trung tâm Khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp để giúp địa phương đào tạo nghề, tránh cách làm như vừa qua, vốn hỗ trợ do Sở Tài chính cấp, nhưng đơn vị tổ chức dạy nghề không biết để thực hiện và theo dõi. Tỉnh có chính sách  ưu đãi cho các doanh nghiệp làng nghề, cán bộ khuyến công để họ làm tốt vai trò  “bà đỡ” cho nghề, làng nghề phát triển.

     

Phan Anh

  • Từ khóa