Thứ 5, 23/01/2025, 07:06[GMT+7]

Xót xa nghề muối

Thứ 4, 10/08/2011 | 14:33:48
1,831 lượt xem
Làng Tam Đồng ( xã Thụy Hải, Thái Thụy) là địa phương duy nhất ở tỉnh ta hiện còn duy trì nghề làm muối. Ngày này qua tháng nọ, diêm dân nơi đây vẫn phải lao động vất vả cực nhọc dưới cái nắng “ cháy da, cháy thịt” nhưng họ chưa bao giờ được hưởng trọn niềm vui.

Năm được mùa thì rớt giá, còn được giá thì muối lại mất mùa. Năm nay, muối không chỉ mất mùa mà còn rớt giá, khiến đời sống của diêm dân "đã khổ lại càng khổ hơn".

 

Đây là lần thứ 2, tôi có dịp trở lại đồng muối Tam Đồng. Dưới cái nắng chang chang như đổ lửa, hàng trăm diêm dân “vẫn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên ruộng muối bỏng rát để mưu sinh. Trang xong mẻ cát ra phơi, gạt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên má, chị Phạm Thị Phượng than thở: “ Có lẽ không có nghề nào vất vả bằng nghề làm muối. Lúc trời nắng nhất, người ta tìm chỗ trú mát thì chúng tôi ra đồng, nắng gió Tây càng bỏng rát thì hạt muối càng trắng, càng trong. Còn trời mát hay đổ mưa coi như thất bát. Vất vả là thế, nhưng thu nhập chẳng được đáng là bao. Nhà tôi có gần 4 sào, năm ngoái muối thu về bán dai dẳng mãi được 5 triệu đồng.

 

Năm nay, nắng nhiều nhưng gió Tây về ít nên mất mùa muối, làm suốt từ đầu  vụ đến giờ mới thu được 3 triệu đồng, nhưng đầu tư làm nền, sân phơi hết 2 triệu đồng rồi”.  Còn chị Tạ Thị Tháp thì chia sẻ: “ Nếu người khoẻ mạnh lao động cật lực, quần quật cả ngày trên đồng thì thu được 50 đến 60 kg muối, còn bà già, trẻ em chỉ được 30 kg. Với giá bán 1.000 đồng/kg cho thu nhập 50 ngàn đồng đến 60 ngàn đồng, quá thấp so với công lao động bỏ ra, đó là chưa kể những hôm  thất bát vì thời tiết. Nhà tôi có 7 sào, dù sức khoẻ yếu, mỗi mình vẫn phải cố gắng làm, còn chồng tranh thủ đi xây lấy tiền nuôi con ăn học. Những hôm không ra đồng muối, ai thuê gì tôi làm nấy, hoặc ra biển  đào cáy, bắt con don, con dắt, chứ nếu cả nhà bám vào 7 sào muối thì không sống nổi”.

 

Ông Bùi Đình Tháp, Chủ nhiệm HTX Đại Đồng cho biết: làm muối là nghề truyền thống của địa phương, duy trì hàng trăm năm nay.  Nơi đây cũng là địa phương duy nhất trong cả nước thờ Bà Chúa Muối. Trước kia, cả xã Thụy Hải cùng làm muối nhưng do nghề quá vất vả, thu nhập thấp nên diện tích thu hẹp dần, nay còn gần 40 ha ở thôn Tam Đồng. Đàn ông, thanh niên trai tráng hầu hết đã bỏ nghề đi làm việc khác, người làm muối còn lại chủ yếu là phụ nữ, các ông bà già vì không còn sự lựa chọn và trẻ nhỏ phụ giúp gia đình những tháng nghỉ hè. Hầu hết các công đoạn làm muối ở đây vẫn duy trì theo phương pháp thủ công, truyền thống: kéo cát ra và phơi cho mịn, lấy nước biển đổ lên cho thẩm thấu qua cát chảy qua hệ thống lọc, sau đó múc nước phơi thành muối.

 

 

Sau khi đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, năm 2005, HTX hướng dẫn xã viên đầu tư xây dựng hệ thống chạt lọc thay cho phương thức chuyển cát  bằng xe cút kít đổ ra ruộng như trước kia, giúp giảm bớt phần lớn sức lao động, tăng năng suất, giảm tạp chất trong muối. Hiện nay, 99% hộ làm muối ở Tam Đồng đều áp dụng theo phương thức này. Mỗi sào muối xây dựng hệ thống chạt phải mất từ  2 đến 3 triệu đồng, nhưng giá muối bán rẻ quá, không xứng với tiền đầu tư và mồ hôi nước mắt của diêm dân.  Ví như năm ngoái, với 128 ngày nắng trong năm, tổng sản lượng muối toàn HTX khoảng 3.000 tấn, doanh thu  đạt 1,8 tỷ đồng, nếu chia bình quân cho 306 hộ làm muối, mỗi hộ thu nhập chưa đầy 6 triệu đồng. Năm nay, còn khó khăn hơn, đã sắp hết mùa muối rồi nhưng sản lượng mới đạt 600 tấn, ước cả năm chỉ đạt từ 1.700 đến 1.800 tấn, chưa bằng 2/3 năm ngoái. Có một nghịch lý những năm qua, trong khi giá mọi mặt hàng đều tăng nhưng giá muối liên tục giảm.

 

Nếu như năm 2009 đến giữa năm 2010, mỗi kg muối diêm dân bán từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng, ai cũng phấn khởi tưởng rằng mình đã sống được bằng nghề. Nhưng rồi "niềm vui chẳng tày gang", hơn 1 năm qua giá muối rớt xuống còn 1.000 đến 1.200 đồng/kg, không bằng 1/10 kg gạo. Năng suất thấp, giá thành rẻ và còn xót xa hơn khi muối sản xuất ra không tìm được đầu mối tiêu thụ tập trung, bà con phải tự đem đi bán lẻ ở khắp nơi, hiện tại trong dân vẫn còn tồn đọng một lượng khá lớn. Theo lời nhiều diêm dân: nguyên nhân chính là do độ mặn của muối của Tam Đồng không bằng muối của miền Namon>, sản xuất thủ công độ sạch cũng không thể bằng muối nhập khẩu nên các doanh nghiệp không lựa chọn thu mua về chế biến nông thủy hải sản.

 

Để tháo gỡ một phần khó khăn, vừa qua Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh đã hỗ trợ một số diêm dân thử nhiệm mô hình sản xuất muối sạch. Dự án kéo dài trong 3 năm 2011-2013 với mức hỗ trợ 75 triệu đồng/năm để đầu tư xây dựng chạt, sân, bạt chuyên dụng phơi muối. Đây là một tín hiệu vui bởi từ lâu lắm rồi người làm muối Tam Đồng mới có một chương trình hỗ trợ lớn như vậy, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được vấn đề mấu chốt: đầu ra cho sản phẩm người dân vẫn phải tự bơi, tự lo.

 

Được biết, trong số 306 hộ làm muối ở Tam Đồng hiện nay có tới 200hộ  độc canh muối, những hộ còn lại có thêm diện tích nuôi trồng thủy sản, nhưng việc nuôi trồng năm được, năm mất, bấp bênh không kém. Bao năm qua, người dân Tam Đồng đã nếm  đủ đắng cay của nghề làm muối, trói buộc vòng luẩn quẩn " bỏ hay giữ nghề " và cũng chưa bao giờ, đời sống của họ lại khó khăn như lúc này. Nhiều hộ tỏ ra chán nản, bế tắc nhưng vì không có đất nông nghiệp, không có nghề phụ nên làm muối dù có vất vả, cực nhọc nhưng họ vẫn phải cố làm. Ông Tháp cho biết thêm:  hiện tại đã có một số hộ bỏ nghề, cho người khác thuê lại ruộng, một phần nhỏ diện tích bị bỏ hoang không ai làm.

 

Nếu tình trạng giá muối cứ tiếp tục giảm, làm ra không tiêu thụ được như hiện nay, chắc chắn số ruộng muối bỏ hoang còn tăng lên, nguy cơ nghề truyền thống sẽ bị mai một. Vì vậy, chính quyền địa phương và diêm dân Tam Đồng mong muốn Nhà nước, tỉnh, huyện có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để giúp họ vượt qua khó khăn, sống được nhờ những hạt muối. Có như vậy, mới hi vọng giữ được nghề truyền thống của địa phương đồng thời lưu giữ được nét văn hoá độc đáo thờ Bà Chúa Muối ở vùng quê ven biển này.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa