Thứ 3, 30/07/2024, 01:19[GMT+7]

Khai thác lợi thế để phát triển kinh tế

Thứ 6, 13/08/2010 | 16:17:08
1,934 lượt xem
Phát huy thế mạnh là xã có làng nghề truyền thống, trong những năm qua, Hồng Thái (Kiến Xương) luôn dành nhiều nguồn lực đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề. Năm 2010, giá trị sản xuất CN – TTCN và XDCB đạt 16,3 tỷ đồng, chiếm 48,3% tổng giá trị sản xuất; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 16%/năm.

Nghề chạm bạc truyền thống xã Hồng Thái. Ảnh: Thành Tâm.

Là một trong ba xã thuộc vùng nghề truyền thống phía Bắc huyện, đến năm 2001, Hồng Thái được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề chạm bạc trên quy mô toàn xã. Không chỉ phát triển làng nghề truyền thống, Hồng Thái còn khai thác tốt lợi thế của một xã có quần thể di tích lịch sử gồm đền Đồng Xâm và đền thờ cụ tổ nghề Nguyễn Kim Lâu.

Hàng năm, xã đón hàng vạn lượt du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, giao lưu văn hóa. Thông qua lễ hội, các sản phẩm làng nghề được trưng bày, giới thiệu tới đông đảo du khách. Vài năm trở lại đây, thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 02 của Huyện ủy về phát triển nghề và làng nghề, xã đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Cùng với quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề tập trung với diện tích 10,9 ha, xã đã thành lập Hội kim hoàn chạm bạc Đồng Xâm với 50 cửa hàng thu hút gần 100 hội viên tham gia sản xuất kinh doanh. Đến nay, 8/8 thôn, 70-80% số hộ tham gia sản xuất TTCN.

Toàn xã có 120 tổ sản xuất, 1 doanh nghiệp vệ tinh tại Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho 2.000-2.300 lao động. Ngoài nghề truyền thống chạm bạc, Hồng Thái còn du nhập và phát triển nghề mây tre đan với sự tham gia của 50 lao động. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử nghề chạm bạc, người thợ thủ công ở Hồng Thái đã trăn trở tự tìm ra mô hình sản xuất phù hợp; đó là sản xuất tại hộ gia đình, tổ sản xuất và cao hơn là doanh nghiệp, công ty TNHH.

Chúng tôi đến thăm cơ sở Văn Hậu (thôn Tả Phụ) của anh Hoàng Văn Hậu chuyên sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tranh chữ, đồ thờ cúng, hoành phi câu đối và tứ quý. Với tổng vốn đầu tư 100 triệu đồng mua sắm: máy ép, máy mài, khuôn cốt, sản phẩm của cơ sở không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài các mặt hàng chủ yếu, cơ sở còn sản xuất cả hàng dân tộc và hàng hầu bóng; tạo việc làm ổn định cho 12 lao động trực tiếp và 70 lao động vệ tinh với thu nhập trung bình 70-100 nghìn đồng/người/ngày.

Phát triển mạnh CN – TTCN, kinh tế Hồng Thái ngày càng khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2005-2010) đạt 12%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng: giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng CN – TTCN và dịch vụ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12%. Đảng bộ và chính quyền nhiều năm liền được công nhận TSVM.

Năm 2008, Hồng Thái là một trong 12 làng nghề tiêu biểu của cả nước vinh dự được Hiệp hội làng nghề Việt Nam trao tặng “Vinh danh làng nghề chạm bạc Đồng Xâm – Hồng Thái” và 5 nghệ nhân được suy tôn, 1 đoàn viên được Trung ương Đoàn trao giải thưởng sáng tạo Lương Đình Của.

Trong nhiệm kỳ tới, Hồng Thái phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng CN – TTCN 17%/năm, chiếm 57% cơ cấu kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 8%. Để đạt được mục tiêu đó, Hồng Thái tập trung phát triển công nghiệp toàn diện theo hai hướng: điểm công nghiệp và làng nghề TTCN. Theo đó, Hồng Thái xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ, hộ, các doanh nghiệp đầu tư vào điểm công nghiệp tập trung. Từng bước triển khai xây dựng khu trung tâm thương mại gắn sản xuất các ngành nghề khác tại sân vận động trung tâm xã theo quy hoạch thị tứ đã phê duyệt.

Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo thị trường ổn định; nâng cao chất lượng sản phẩm mở rộng phát triển mô hình sản xuất, doanh nghiệp, tổ, hộ, xây dựng thương hiệu làng nghề. Từng bước thành lập hội làng nghề trong vùng, tập trung xây dựng trụ sở gắn trung tâm giới thiệu sản phẩm của làng nghề bằng nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ kết hợp với huy động các nguồn lực trong và ngoài xã.

Đồng thời, tiếp tục mở các lớp đào tạo lại nhằm nâng cao tay nghề, bổ sung nguồn nhân lực cho làng nghề từ 200 người trở lên. Tuy nhiên, để làng nghề ngày càng phát triển hơn nữa, Hồng Thái cần được quy hoạch thành điểm du lịch – làng nghề, tăng cường đầu tư tu bổ quần thể di tích văn hóa, nâng cấp hạ tầng cơ sở với mục đích thông qua lễ hội mở rộng quan hệ giao lưu quảng bá sản phẩm và nâng cao vị thế sản phẩm làng nghề trên cả nước.

Minh Hương

  • Từ khóa