Thứ 2, 29/07/2024, 19:23[GMT+7]

Hứa hẹn vùng ươm nuôi ngao giống Nam Cường

Thứ 2, 15/08/2011 | 13:50:43
4,846 lượt xem
Nam Cường là xã ven biển của huyện Tiền Hải có tổng diện tích đất tự nhiên 372,3 ha, trong đó đất nông nghiệp 208 ha, 13 ha đất bãi bồi ngoài đê biển. Sản xuất trong điều kiện đất đai nhiễm chua mặn nên năng suất cây trồng đạt thấp, kém hiệu quả, Nam Cường dần từng bước phát triển kinh tế biển và khuyến khích chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi theo Nghị quyết số 02, 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Vùng nuôi ngao ven biển Tiền Hải. Ảnh Minh Đức

Quá trình chuyển đổi, địa phương đã lãnh đạo nhân dân nuôi thả một vụ tôm sú, một vụ cua biển, ngoài ra nuôi thả một số đối tượng như cá vược, cá bớp, cá song, rô phi đơn tính. Thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân, số hộ nuôi tôm, cua luôn phải đối mặt với rủi ro ngày càng cao. Để khắc phục tình trạng trên, Namon> Cường đã chuyển dần một số diện tích ngoài đê và trong vùng chuyển đổi sang ươm nuôi ngao giống. Bước đầu, hướng sản xuất mới này ở Nam Cường hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao, lâu dài.

Quá trình nuôi trồng thủy hải sản, con ngao đã khẳng định vị thế hơn hẳn trên mọi phương diện so với các con nuôi khác. Ngao thuộc nhóm động vật nhuyễn thể có tiềm năng to lớn ở các vùng triều, kỹ thuật nuôi không phức tạp, chu kỳ nuôi ngắn,  lại có giá trị xuất khẩu. Nuôi ngao còn là biện pháp tích cực góp phần làm sạch môi trường đáy  vùng triều ven biển.

Như một sự phân công lao động tự nhiên, cùng với, nuôi ngao thương phẩm, ươm nuôi ngao giống xuất hiện tại Nam Cường từ những năm 2008. Nhạy bén nắm bắt tình hình, năm 2009, Đảng ủy, UBND xã và HTX DVNN đã xây dựng kế hoạch xác định từng bước đưa đối tượng ngao giống vào ươm nuôi trong vùng bãi bồi ngoài đê và vùng chuyển đổi. Đến năm 2011, tổng số hộ ươm nuôi ngao lên tới 60 hộ với diện tích ngoài đê là 132.680 m2, diện tích vùng chuyển đổi 69.110 m2. Với bước đi thận trọng, những ngày đầu xã tổ chức đoàn cán bộ xã, thôn và một số hộ trực tiếp nuôi ngao giống đi tham quan cơ sở ươm ngao giống của ông Vũ Xuân Chiến, xã Giao An (Xuân Thủy, Nam Định).

Qua hướng dẫn và tham quan thực tế thấy ươm nuôi ngao giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của Nam Cường (không ảnh hưởng sóng lớn, nguồn thức ăn phong phú, độ cao vùng triều thích hợp...). Sau tham quan, xã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân và từ chỗ ban đầu một số hộ mạnh dạn đầu tư cho kết quả tốt đến nay số hộ, diện tích ươm nuôi ngao giống tăng lên nhanh chóng. Nhiều hộ thuộc địa phương khác cũng tham gia đăng ký nuôi tại Nam Cường như ông Tiến, ông Mương (xã Đông Minh), ông Cảnh (xã Nam Hồng)... Cùng với tuyên truyền vận động, Nam Cường còn liên hệ với Trung tâm khuyến nông- lâm- ngư  Thái Bình tạo điều kiện giúp đỡ mô hình nuôi khảo nghiệm ngao giống tại gia đình ông Trần Thế Vang. Sau thả giống 1 tháng, ngao phát triển tốt, tỷ lệ đậu khá, khẳng định nuôi ngao giống thành công ở vùng chuyển đổi.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nam Cường - Hoàng Văn Sang cho biết, hai yếu tố quan trọng nhất trong nuôi ngao giống đó là chuẩn bị bãi nuôi và giống ngao. Đáy bãi phải là cát pha bùn theo tỷ lệ 80- 85 % cát, bởi nhiều bùn ngao chết ngạt, cát 100% ngao chết do khô nóng; độ mặn nước 15- 25 phần nghìn, đảm bảo không có rong rêu, váng, không thiên địch, ốc, vật cứng; sục máy đảm bảo ôxy... Đối với con giống, trước đây, Tiền Hải chủ yếu sử dụng giống ngao dầu (Meretrix lime), nay đưa giống ngao trắng Bến Tre, Vũng Tàu (Meretrix Lyrata sowrby) vào thử nghiệm thấy khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp điều kiện địa phương.

Ngao giống được ươm nuôi mỗi năm 2 vụ, thời gian nuôi 3- 4 tháng/ vụ, cỡ giống ngao chủ yếu từ 20 - 100 vạn con/kg, mật độ nuôi thả 7.000- 20.000 con/m2. Chúng tôi đã tìm hiểu kết quả nuôi của hộ ông Bùi Văn Thuận, với 16.000m2 ở cửa cống 4, sau một năm cho lãi trên 5 tỷ đồng; ông Phan Văn Diễn, 14.400 m2 khu cửa cống Lân 1, lãi 2,2 tỷ đồng/năm; ông Phan Văn Bình với 6.860m2,  lãi 1,1 tỷ đồng/năm... Đặc biệt, ngay từ đầu vụ nuôi năm 2011, sau gần 1 tháng đã có 3 hộ nuôi trong đê cho thu nhập cao là các hộ ông Đinh Văn Đảo, Trần Văn Hội, Nguyễn Văn Thành.

Cụ thể hộ ông Hội sau 27 ngày nuôi cho lãi trên 67 triệu đồng.  Không thể đi hết 60 hộ, nhưng theo báo cáo của xã Nam Cường,  hiệu quả nuôi ngao giống được thể hiện bằng số lãi 1,4 tỷ đồng/ ha. Con ngao đã làm đổi đời nhiều người dân nơi đây. Một bạn đồng nghiệp của tôi nói vui: “Đúng là, ngạo nghễ đời ngao”. Hiệu quả kinh tế là vậy nhưng cái được lớn hơn là hướng đi mới trên vùng chuyển đổi đất kém hiệu quả của Nam Cường.

Thành công bước đầu trong nuôi ngao giống cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa, nuôi tôm, nuôi cua... nhưng Nam Cường không lấy đó làm tự mãn, chủ quan, bởi phía trước còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Thực tế, không phải Tiền Hải chưa có “đại tang ngao”. Mà khi ngao chết, ngoài thiệt hại kinh tế thì khả năng tái sản xuất rất khó vì vốn đầu tư ban đầu nuôi ngao lớn, cộng với môi trường do ngao chết phân hủy ô nhiễm rất nặng. Ngao xuống giống trong vụ tháng 6 càng phải cẩn thận, sức đề kháng của ngao giống yếu, mà nhiệt độ cao thường xuất hiện vào thời gian này. Ngao giống nhập từ tỉnh ngoài, nên khó kiểm soát, giá thành cao (15 triệu đồng/1kg/100 vạn con), trình độ ươm nuôi của các hộ dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính. Thêm vào đó thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường, các nguồn nước thải (công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt) ô nhiễm đổ thẳng ra biển...

Tìm ra được hướng đi mới, lường trước được khó khăn thách thức, tin rằng Nam Cường có những giải pháp, bước đi phù hợp. Có như thế nghề ươm ngao giống mới thắng lợi trọn vẹn, đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy hải sản bền vững, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp.

Phan Anh

 

  • Từ khóa