Thứ 2, 29/07/2024, 19:09[GMT+7]

Tập trung phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa

Thứ 2, 15/08/2011 | 15:23:05
1,778 lượt xem
Hiện nay trên đồng ruộng sâu cuốn lá nhỏ đã xuất hiện trên diện rộng, các loại rầy diễn biến phức tạp có nguy cơ gây hại đối với trà lúa cấy cuối tháng 7... Do đó, để tiếp tục tạo đà thắng lợi ở vụ mùa năm nay, các địa phương cần tập trung chăm sóc và bảo vệ lúa mùa theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp và sự chỉ đạo trực tiếp của các hợp tác xã.

Đến nay, toàn tỉnh đã cấy xong trên 83 nghìn ha lúa mùa; trong đó gần 1000 ha lúa múa cực sớm ở Quỳnh Phụ đã và đang trổ bông, trên 30 nghìn ha cấy trước 15/7 đẻ nhánh tối đa và bắt đầu bước vào phân hoá đòng, diện tích còn lại đang đẻ nhánh rộ. Nhìn chung, lúa mùa sinh trưởng khá nhanh, đẻ nhánh tập trung, lúa tốt, khoẻ cây, dự kiến trỗ bông đại trà từ 10 – 20/9 và  20 – 25% diện tích trỗ bông sau 20/9. Tuy nhiên, hiện nay trên đồng ruộng sâu cuốn lá nhỏ đã xuất hiện trên diện rộng, các loại rầy diễn biến phức tạp có nguy cơ gây hại đối với trà lúa cấy cuối tháng 7...Do đó, để tiếp tục tạo đà thắng lợi ở vụ mùa năm nay, các địa phương cần tập trung chăm sóc và bảo vệ lúa mùa theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp và sự chỉ đạo trực tiếp của các HTX.

Theo điều tra của Chi cục BVTV, hiện trên đồng ruộng sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 cao hơn so với cùng kỳ và phân bổ đều giữa các địa phương, các trà lúa. Cụ thể, sâu lứa 5 trung bình từ 5 – 12 con/m2, nơi cao 30- 50 con/m2, cá biệt có nơi 150 – 200 con/m2. Trước đó, toàn tỉnh có khoảng 2000 ha lúa có mật độ sâu từ 40 con/m2 trở lên phải phòng trừ, chủ yếu ở Quỳnh Phụ và một số xã ở Tiền Hải; nơi làm tốt chỉ còn 1 – 3 con/m2, nơi không phun hiện tỷ lệ cuốn lá từ 70 – 80%.

Trước diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ hiện nay, sâu lứa 6 sẽ trưởng thành vũ hoá từ ngày 6- 18/8, rộ nhất từ 10 – 15/8, sâu non tuổi 1,2 rộ từ 18 – 22/8. Mật độ sâu lứa 6 dự báo ở mức cao, trung bình khoảng 100 – 150 con/m2, nơi cao 250- 300 con/m2, cá biệt có nới 400- 500 con/m2.  Sâu non chủ yếu gây hại trên trà lúa cấy trước ngày 25/7, dự báo mức gây hại tương đương với vụ mùa năm 2010, nếu không phòng trừ tốt sẽ làm giảm năng suất lúa 25 – 30%. Toàn tỉnh, diện tích cần phòng trừ sâu lứa 6 khoảng 75 nghìn ha, đối với trà cấy sau ngày 25/7 ở Tiền Hải cần theo dõi thêm và phun cuốn lá nhỏ lứa gối cùng với sâu đục thân ở đầu tháng 9. Hiện rầy lứa 5 cũng đã xuất hiện trên đồng ruộng, mật độ trung bình từ 20 – 40 con/m2,  nơi cao 500 – 700 con/ m2, cục bộ 1500- 2000 con/m2. Nhìn chung mật độ rầy các loại cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm, diện tích phân bố rộng, rầy phổ biến từ 3 tuổi đến trưởng thành.

Dự báo từ nay đến cuối vụ có 2 đợt rầy non nở rộ và có nguy cơ gây hại trên diện rộng; đợt I nở rộ từ ngày 20/8 đến đầu tháng 9, mật độ khoảng 300 – 500 con/m2, đây là lứa có nguy cơ truyền vi rút bệnh lùn sọc đen cao, nhất là lúa ở các địa phương ven biển; rầy đợt II, nở sau 15/9 và gây hại khi lúa chắc xanh – chín trên trà lúa mùa sớm và đầu đại trà. Đối với sâu đục thân 2 chấm, dự kiến vũ hoá từ ngày 20/8 đến đầu tháng 9, nở rộ từ ngày 25/8 – 5/9, gây hại trên trà lúa trỗ bông trước 10/9, mức độ sẽ rất nặng và cục bộ ở từng địa phương...Đặc biệt là bệnh lùn sọc đen hiện đã xuất hiện rải rác ở một số vùng, Chi cục BVTV đang tiếp tục theo dõi và giám định mẫu rầy. Ngoài ra, một số đối tượng sâu bệnh khác cũng đang xuất hiện, như bạc lá - đốm vi khuẩn, chủ yếu gây hại trên các giống lúa lai, lúa thuần Trung Quốc...

Để bảo đảm an toàn cho toàn bộ diện tích lúa mùa, Chi cục BVTV đã triển khai nhiều biện pháp phòng trừ sâu bệnh từ nay đến cuối vụ. Các địa phương cần giữ nước không để ruộng khô, không bón đạm đơn nuôi đòng, hạt và ngừng phun các loại phân qua lá và các chất kích thích sinh trưởng. Đồng thời tăng cường vệ sinh đồng ruộng, cắt cỏ bờ, diệt chuột, trứng ốc bươu vàng; theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sâu bệnh. Sâu cuốn lá nhỏ tổ chức phun từ ngày 18 – 22/8, chủ yếu phun trên trà lúa cấy trước ngày 25/7; phun trừ sâu đục thân 2 chấm cho các vùng có mật độ cao từ cuối tháng 8, đầu tháng 9, chủ yếu là các trà lúa trỗ trước 10/9....

Trước tình hình sâu bệnh như trên, UBND tỉnh đã có Chỉ thị phát động đợt phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 18/8 đến 22/8/2011; trong đó các huyện sẽ phải phun ngay từ đầu lịch chiến dịch, gồm Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Vũ Thư; đồng thời kết hợp phun phòng trừ rầy tại các vùng có bệnh lùn sọc đen, nhất là các diện tích lúa trỗ sau 25/9. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, huyện, thành phố hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc lúa mùa, bón thúc nhanh, gọn; tăng cường bón kaly khi lúa chuẩn bị vào giai đoạn phân hoá đòng; tập trung chỉ đạo sâu sát, cụ thể và quyết liệt công tác phòng trừ sâu bệnh...

Sở Nông nghiệp & PTNT đã có điện khẩn gửi các huyện, thành phố yêu cầu Phòng Nông nghiệp &PTNT, đơn vị có liên quan khẩn trưởng triển khai các biện pháp phòng trừ. Đồng thời huy động tối đa cán bộ kỹ thuật tăng cường xuống cơ sở để phối hợp với địa phương chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu bệnh khác theo hướng dẫn của Chi cục BVTV. Đây là đợt phòng trừ sâu bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng lúa mùa, do đó các địa phương cần quyết liệt trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, tạo đà cho vụ mùa thắng lợi toàn diện.

Nguyên Bình

  • Từ khóa