Thứ 2, 29/07/2024, 19:17[GMT+7]

Đồng ruộng Vũ Thư những ngày tháng 8

Thứ 2, 15/08/2011 | 15:31:48
1,583 lượt xem
Những ngày đầu tháng 8, đến xã nào trong huyện Vũ Thư, chúng tôi cũng bắt gặp màu lúa xanh ngút ngát cánh đồng. Chưa năm nào, người nông dân lại hối hả chạy đuổi lịch thời vụ cấp bách, khẩn trương như vụ mùa 2011. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở bám đồng, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ mọi khó khăn, ban hành cơ chế khuyến khích hỗ trợ sản xuất. Nhân dân hưởng ứng, tự giác chấp hành lịch thời vụ, chấp nhận gặt lúa xuân mới chín 80%.

Mặc dù thu hoạch vụ xuân muộn 15 ngày so với cùng kỳ năm 2010, nhưng đến ngày 25/7/2011, toàn huyện Vũ Thư đã cơ bản kết thúc gieo cấy 8685 ha lúa mùa. Trong đó 6950 ha được cấy, gieo vãi, sạ hàng trước ngày 20/7/2011, tạo quỹ đất gối vụ đông ưa ấm.

Vẫn là áp dụng kỹ thuật chăm bón cổ truyền “ nhất nước, nhì phân”, các HTX dịch vụ nông nghiệp chỉ đạo nhân dân tưới nông, bón thúc sớm, kết hợp xới xáo 2-3 lần xong trước ngày 5/8/2011. Tuy nhiên năm nay, do hầu hết lúa xuân thu họach khi bộ lá và thân còn xanh, lúc cày bừa lật gốc rạ không có thời gian để ruộng ngấu như mọi năm. Để khắc phục tình trạng ngộ độc hữu cơ gây nghẹt rễ, vàng lá làm chậm quá trình sinh trưởng phát triển của lúa, huyện và các xã khuyến cáo nông dân  kịp thời phun thêm một số chế phẩm qua lá.

Hiện tại, các trà lúa ở Vũ Thư tốt đều. Dự kiến trà lúa mùa sớm sẽ trỗ xung quanh ngày 10/9. Do vụ xuân thắng lớn, nhiều hộ chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật 1-2 lần, chi phí trừ sâu bệnh giảm mạnh so với mọi năm. Tránh tư tưởng lơ là, chủ quan với công tác bảo vệ đồng ruộng, sơ kết sản xuất vụ mùa, huyện đã nhắc nhở các HTX thường xuyên thăm đồng phát hiện sâu bệnh.

Đồng chí Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho rằng: Thời tiết mưa nắng đan xen liên tục, vụ xuân chuyển sang vụ mùa gấp, nguy cơ nguồn sâu bệnh chuyển tiếp từ vụ xuân sang vụ mùa rất cao. Qua công tác thăm đồng, Trạm bảo vệ thực vật huyện đã sớm thông tin dự báo tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng. Mặc dù mạ đã được xử lý từ ngày 6/7 - 9/7/2011, nhưng lượng sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm vẫn còn khá nhiều, diễn biến phức  tạp. Hiện nay trà lúa cấy sớm đã xuất hiện sâu non, mật độ nơi cao 15-25 con/m2, cá biệt 35 con/m2. Trong các ngày 29, 30/7, các hợp tác xã Thanh Bản, Trung An, Hành Dũng Nghĩa đã tập trung phun các loại thuốc như Chel 520 WP hoặc Dylan 2 EC khoang vùng xử lý sâu cuốn lá ở một số diện tích cấy trước ngày 10/7. Không chỉ sâu cuốn lá, sâu non đục thân 2 chấm đang nở, mật độ rải rác. Dự báo lứa 4 sâu non nở vào khoảng 20/8 - đầu tháng 9 trên diện rộng, chủ yếu hại dảnh và làm thui đòng gây bạc bông trà  lúa sớm. Lứa 5 sâu non nở từ 25/9 đến đầu tháng 10, chủ yếu hại diện tích trỗ muộn từ 20/9 trở đi, nhất là đối với vùng dược mạ cấy muộn, cấy giống nếp địa phương.

Đặc biệt, trước nguy cơ bệnh lùn xoắn lá, lùn sọc đen quay lại hại lúa mùa, nông dân cần chú trọng phát hiện dấu hiệu bất thường ở cây lúa. Trước đó, để diệt nguồn bệnh, UBND huyện đã cấp 27.160 gói thuốc Actara 5EC phun trừ rầy, hướng dẫn các HTX tổ chức phun tập trung toàn bộ diện tích mạ mùa trước khi cấy. Tuy vụ xuân bệnh lùn xoắn lá, lùn sọc đen không xuất hiện trên địa bàn Vũ Thư nhưng trong tỉnh đã có vùng nhiễm bệnh; do đó cần cảnh giác với việc di chuyển của rầy mang bệnh. Một số xã, rầy lưng trắng cũng đã xuất hiện ở trà sớm cục bộ 15-35 con/m2, cá biệt 50 con/m2. Trong những ngày tới, rầy tiếp tục nở. Dự báo lứa 5 rầy nở sau 20/8 đến đầu tháng 9 có mật độ khá cao, cục bộ có ổ hàng ngàn con/m2, chủ yếu hại trà lúa sớm, nhất là các giống lúa Bắc thơm, Hương thơm, T10. Lứa 6 chủ yếu rầy nâu nở xung quanh 20/9 đến đầu tháng 10 có mật độ khá cao, gây cháy lúa nếu không xử lý kịp thời. Bệnh khô vằn cũng có thể phát sinh xung quanh 20/8/2011 trở đi. Giống lúa nhiễm nặng là Bắc thơm, Hương thơm, T10, Nếp.

Chủ động đối phó với sâu bệnh diễn biến phức tạp, Trạm Bảo vệ thực vật huyện thường xuyên cử cán bộ bám đồng, tuyên truyền để từ đầu tháng 8 đến trung tuần tháng 8, các HTX và nhân dân chủ động chăm bón, điều tiết nước hợp lý, dùng chế phẩm sinh học để hạn chế ngộ độc chất hữu cơ. Từ 20/8 đến đầu tháng 9/2011, các xã tập trung kiểm tra xử lý sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, hạn chế sâu đục thân 2 chấm, phòng bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn khi có mưa lớn kéo dài. Từ 20/9/2011 trở đi chủ yếu khoanh vùng xử lý rầy, sâu đục thân 2 chấm, nhất là đối với diện tích lúa trỗ muộn và vùng cấy nếp dài ngày. Trước tình trạng nạn ốc bươu vàng phá lúa, UBND huyện đã ban hành Chỉ thị kêu gọi toàn dân tham gia diệt trừ ốc bươu vàng. Cao điểm trong tuần ra quân từ ngày 24-31/7/2011, toàn huyện đã bắt, thu gom gần 150 tấn ốc và trứng ốc. Tiêu biểu như xã Vũ Hội thu gom 4.082 kg, Minh Lãng 3.457 kg, Hòa Bình 2.005 kg…

Theo kế hoạch, từ ngày 15/8/2011, UBND huyện thành lập các đoàn công tác về từng xã thẩm định kết quả gieo cấy các giống lúa ở từng xứ đồng. Qua đó đánh giá thực trạng quỹ đất gieo trồng vụ đông ưa ấm để kịp thời có biện pháp chỉ đạo khắc phục khó khăn cho các địa phương. Toàn huyện phấn đấu đạt chỉ tiêu gieo trồng  7.532,5 ha cây vụ đông các loại.

Bảo Linh

 


  • Từ khóa