Thứ 2, 29/07/2024, 19:16[GMT+7]

Nhìn lại 10 năm đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

Thứ 5, 18/08/2011 | 08:48:16
1,211 lượt xem
Mười năm qua ( 2001 - 2011), vượt qua những khó khăn, thách thức, các lực lượng đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Thái Bình đã góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và đông đảo người tiêu dùng.

Lãnh đạo Ngành Công thương, Quản lý thị trường, Hội BVQLNTD chúc mừng doanh nghiệp nhân tuần bán hàng vì người tiêu dùng.

Tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

 

Trong 10 năm qua, trên phạm vi toàn quốc tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại diễn ra mỗi lúc, mỗi nơi có mức độ và tính chất khác nhau. Ở Thái Bình tuy cũng nhiều khó khăn, phức tạp nhưng nhìn chung tình hình luôn được kiểm soát ngăn chặn và từng bước được đẩy lùi.

 

Việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng cấm mặc dù có xu hướng giảm, nhưng diễn biến phức tạp cả về đối tượng, phương thức hoạt động, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, khó kiểm soát. Ở thị trường nội địa hàng lậu không bầy bán công khai nhưng trà trộn với hàng hoá trong nước, núp bóng với hàng liên doanh…

 

Hàng hóa buôn lậu, hàng cấm được nhập lậu vào các tỉnh biên giới vận chuyển qua hoặc đưa vào Thái Bình tiêu thụ. Hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng như quần áo, vải, giầy dép, đồ chơi trẻ em, rượu, bia và các loại nước giải khát, hàng điện máy gia dụng, điện lạnh, thực phẩm.v.v được xé nhỏ, vận chuyển bằng xe khách, xe tải và được hợp pháp hoá bằng hệ thống hoá đơn mua qua bán lại giữa các doanh nghiệp.

 

Hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, hàng hết hạn sử dụng, vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hoá còn khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực. Hàng giả chủ yếu là sản xuất ở tỉnh ngoài, nước ngoài đưa vào tiêu thụ. Nhiều trường hợp lợi dụng hàng liên doanh, lợi dụng các thương hiệu nổi tiếng, vỏ là hàng thật nhưng ruột là hàng giả, kém chất lượng, bị thay thế bằng linh kiện rẻ tiền...Nhiều mặt hàng nhái rượu, bia, nước giải khát sử dụng hoá chất không được phép sử dụng trong thực phẩm tại Việt Nam. 

 

Các hành vi gian lận thương mại thường diễn ra như lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan để khai không đúng khối lượng, chủng loại, gian lận  doanh số, trị giá hàng hoá nhằm gian lận thuế. Ngoài ra còn có các biểu hiện kê khai, đăng ký, niêm yết giá, bán sai giá niêm yết, vi phạm về đăng ký kinh doanh và kinh doanh sai nội dung đăng ký, sử dụng hoá đơn quay vòng, gian lận trong việc khai xuất xứ nguồn gốc hàng hoá để hưởng ưu đãi thuế, gian lận về chất lượng hàng hoá, quảng cáo vượt quá khả năng thực tế....

 

Thị trường và sức mua trong tỉnh vẫn còn nhỏ bé, dẫn đến việc áp dụng các phương thức bán hàng văn minh, tiên tiến còn hạn chế, hệ thống bán lẻ phân tán, lạc hậu tạo cơ hội cho nạn tiêu thụ hàng cấm, hàng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại có đất để tồn tại, khó khăn cho kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm. Thói quen dễ dãi khi mua hàng cộng với khả năng hiểu biết về pháp luật và tiêu chuẩn - chất lượng hàng hóa dịch vụ của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế là điều kiện cho các hành vi buôn lậu, SXKD hàng giả và gian lận thương mại tồn tại.

 

Kết quả 10 năm đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại                                                                 

 

Ban chỉ đạo 127/ĐP tỉnh do Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban,  Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch làm phó trưởng ban thường trực, Phó Giám đốc Sở Thương mại Du lịch, Chi cục trưởng Chi cục QLTT làm Phó trưởng ban cùng các thành viên là lãnh đạo các ngành Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Văn hóa, Y tế, Khoa học Công nghệ, Quân sự, Công an, Viện KS và Cục Thuế tỉnh  được thành lập ngay sau khi có Quyết định 127 của Thủ tướng Chính phủ. Ban thường xuyên được củng cố, bổ sung, phát huy tốt vai trò chỉ đạo, tích cực triển khai có hiệu quả các hoạt động chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại theo sự chỉ đạo của TW, sát đúng với thực tiễn địa phương.

 

Ban chỉ đạo đã xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Ban, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên cụ thể ; chỉ đạo các lực lượng có liên quan xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng (Công an, QLTT, Hải quan, Biên phòng, Y tế…).

 

Hàng năm Ban chỉ đạo 127/ĐP tỉnh đã xây dựng cụ thể, triển khai kịp thời các phương án, kế hoạch, các chuyên đề trọng tâm (vật tư nông nghiệp, sắt thép và vật liệu xây dựng, sữa, đồ chơi trẻ em, thuốc chữa bệnh, vàng bạc và ngoại tệ, xăng dầu, kiểm soát bình ổn giá, phòng chống dịch bệnh), vào các thời điểm nhạy cảm như dịp Tết Nguyên đán, Trung thu, khai giảng năm học mới,… theo sự chỉ đạo của Ban 127/T.Ư và của địa phương.

 

Chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đề xuất với UBND tỉnh và chỉ đạo các ngành, các đơn vị quan tâm xây dựng lực lượng, đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất phương tiện phục vụ đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Đặc biệt là các lực lượng nòng cốt như: QLTT, Công an, Chi cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng (Sở KHCN), Chi cục Thú y, Chi cục BVTV ( Sở NN PTNT), Chi cục VSATTP, Trung tân Y tế dự phòng ( Sở Y tế), Biên phòng, Hải quan… để có đủ khả năng chủ động thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo các ngành làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng, các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong SXKD. Đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng.             

 

Kết quả hoạt động chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Thái Bình 10 năm qua (tính đến 30/6/2011): tổng kiểm tra 74.802  vụ, tổng số vụ xử lý 18.143 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 59.780.834.000 đồng. Trong đó phạt vi phạm hành chính 32.938.897.000 đồng, bán hàng tịch thu 11.010.142.000 đồng, truy thu thuế 15.831.795.000 đồng. Chỉ trong 3 năm 2008 - 2010, các lực lượng đã phối hợp triển khai 25 đoàn kiểm tra liên ngành theo kế hoạch của Ban, kiểm tra hơn 1000 cơ sở kinh doanh, phát hiện và xử lý gần 600 vụ vi phạm. Các cơ quan chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý đạt hiệu quả cao, từ đó nâng cao cảnh giác và khả năng nhận biết của người tiêu dùng, đẩy lùi và hạn chế đáng kể nạn kinh doanh hàng giả. Ngoài ra các lực lượng còn bắt giữ, truy tố nhiều đối tượng buôn lậu và kinh doanh hàng cấm, hàng giả, trốn thuế, tịch thu và tiêu huỷ nhiều hàng giả, hàng cấm, hàng quá hạn sử dụng… Trong mấy năm gần đây hàng chục tập thể cá nhân có thành tích đã được các cấp, các ngành và Ban chỉ đạo 127/T.Ư khen thưởng.

 

Tiếp tục làm tốt công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

 

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, ông Đào Văn Hoan - Chi cục trưởng chi cục QLTT tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo 127/ĐP tỉnh cho biết: Thời gian tới, quá trình phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thị trường và hoạt động chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sẽ xuất hiện những yếu tố thuận lợi, đan xen những khó khăn thách thức mới. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tình trạng mất cân đối kinh tế vĩ mô và lạm phát sẽ tiếp tục gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế và những diễn biến phức tạp trên thị trường, nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tiếp tục là mảnh đất sống còn của những đối tượng làm ăn phi pháp, kẽ hở cho những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

 

Cuộc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sẽ phức tạp hơn, các đối tượng làm ăn phi pháp sẽ có nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, chống đối quyết liệt hơn, song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Ban 127/T.Ư, bằng sự nỗ lực của tất cả các ngành, các lực lượng nhất định Ban chỉ đạo 127/ĐP tỉnh hoàn tốt nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

 

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của BCĐ 127/ĐP, chỉ đạo các ngành, các lực lượng chủ lực xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp song ngành hoặc đa ngành, trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động, khắc phục tình trạnh chồng chéo hoặc bỏ trống trận địa.

 

Chỉ đạo xây dựng và triển khai kịp thời các phương án, tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra kiểm soát các hoạt động kinh doanh trên thị trường; tập trung vào các mặt hàng, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm thiết yếu theo sự chỉ đạo của BCĐ 127/TW và sát với tình hình thực tế địa phương ( Đặc biệt chú ý các lĩnh vực như vật tư nông nghiệp, xăng dầu và các loại vật tư chiến lược, vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc chữa bệnh và hành nghề Y  Dược, sữa và đồ chơi trẻ em, phòng chống dịch bệnh, vàng bạc và ngoại tệ, công khai niêm yết giá…)

 

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin thị trường giá cả và hướng dẫn người tiêu dùng, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, biểu dương kịp thời các tổ chức cá nhân tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

 

Chỉ đạo, tổ chức phát huy vai trò của các Đoàn thể chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp; động viên các Doanh nghiệp và sử dụng sức mạnh công luận, sự giám sát phát hiện của quần chúng nhân dân, nâng cao hiệu quả xã hội trong các hoạt động đấu tranh chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại.

 

Nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng chủ lực, các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo cả về tổ chức, nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được trích theo Thông tư 59 và Thông tư 51 của Bộ Tài chính phục vụ trở lại cho công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại.

 

Các ngành, các lực lượng thành viên Ban chỉ đạo chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các văn bản cần được hoàn thiện, ban hành những văn bản mới, đảm bảo hệ thống các văn bản pháp luật chặt chẽ, đồng bộ làm cơ sở cho việc tiến hành công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

 

Lã Quý Hưng

Thường trú Báo Đầu tư tại Thái Bình

  • Từ khóa