Thứ 2, 29/07/2024, 19:15[GMT+7]

Bách Thuận đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Thứ 5, 18/08/2011 | 10:14:55
1,622 lượt xem
Nhiều năm nay, Bách Thuận luôn giữ vững vị trí dẫn đầu huyện Vũ Thư về phát triển chăn nuôi. Thực hiện Nghị quyết 28 của Huyện ủy, Đề án 07 của UBND huyện về tăng cường lãnh đạo phát triển chăn nuôi giai đoạn 2005- 2015, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp của xã có bước tăng trưởng mạnh từ 50% (năm 2004) lên 75% (năm 2010).

Hộ chăn nuôi ở Bách Thuận chăm sóc lợn mới tái đàn.

6 tháng đầu năm 2011, Bách Thuận cung ứng cho thị trường 1.280 tấn lợn hơi, 225 tấn gia cầm cho thu nhập 66,5 tỷ đồng. Nguồn thu từ chăn nuôi hiện chiếm 76,5% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

Cùng ông Trịnh Xuân Bến, Trưởng ban Thú y xã đi cơ sở, chúng tôi có dịp thấy rõ hơn nội lực của Bách Thuận. Là xã hoàn toàn nằm ngoài đê Hồng Hà II. Diện tích vườn, ao của các gia đình khá rộng. Kinh tế VAC là nguồn thu nhập chính của đại bộ phận nhân dân trong xã. Phát huy lợi thế về đất đai, lao động, Đảng bộ xã có Nghị quyết  chuyên đề lãnh đạo phát triển chăn nuôi, UBND xây dựng đề án phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2005 – 2010, định hướng đến năm 2015. Xã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vay vốn, chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả, đầu tư đưa chăn nuôi phát triển hướng sản xuất hàng hóa.

 

Bách Thuận hiện có 58 trang trại, 855 gia trại; số lượng, hiệu quả kinh tế trang trại, gia trại mạnh nhất huyện. Ông Trịnh Xuân Bến cung cấp cho chúng tôi những con số không phải xã nào cũng đạt được: Số liệu thống kê ngày 3/7/2011, toàn xã có 14.164 con lợn, trong đó 461 con nái; đàn gia cầm 34.821 con; đàn trâu, bò 36 con. Ngoài ra, nhân dân đang nuôi 9 con dê, 2 con hươu, 35 con nhím…

 

Tuy nhiên, so với tháng 2/2011, đàn lợn toàn xã giảm 1.283 con. Theo ông Nguyễn Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND xã, có 3 nguyên nhân chi phối khả năng tái đàn: Dịch bệnh lở mồm long móng cuối năm 2010 làm đàn lợn nái giảm sút; nhiều hộ trống chuồng không mua được con giống do giá tăng cao đột biến từ 500 - 600 ngàn đồng/con lên 1,5 triệu đồng/con (7 – 8 kg); lãi suất vay ngân hàng 25-26%/năm, quá cao buộc hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ trống chuồng, các chủ trang trại không dám vay vốn đầu tư lớn.

 

Tháng 5, tháng 6/2011, giá lợn hơi tăng mạnh từ 80 lên 86, 92 ngàn đồng/kg móc hàm, hiện nay đang có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, đầu vào (con giống, thức ăn) tăng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Gia đình ông Mai mới bán đàn lợn được giá, tổng thu trên 60 triệu đồng. Ông hạch toán nếu giá lợn hơi giảm còn 50 ngàn đồng/kg, mỗi con lợn cho lãi  500 ngàn đồng, chưa tính nếu phải vay vốn ngân hàng đầu tư thì số lãi không được như vậy.

 

Trước khi chúng tôi đến thăm trang trại nuôi lợn nái ngoại của anh Nguyễn Văn Vui, thôn Trung Hòa, được biết: Với mô hình khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi, bán lợn thương phẩm, giá đỉnh cao 90 ngàn đồng/kg móc hàm, tính ra một đầu lợn hướng nạc có lãi từ 3 - 4 triệu đồng. Cơ ngơi trang trại chăn nuôi của anh chị Vui - Liên được đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, hiện đại theo tiêu chuẩn của Công ty CP (Thái Lan), sạch sẽ, thoáng mát gồm 13 nái ngoại, 200 con lợn thịt nuôi theo chế độ công nghiệp cho ăn  từng loại cám phù hợp từng lứa tuổi của lợn. Do áp dụng đầy đủ quy trình kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, chế độ ăn hợp lý, nên đàn nái ngoại sinh đẻ đều 2,5 lứa/năm. Mỗi con nái đẻ 12 – 14 con, cá biệt 18 con, trọng lượng sơ sinh 1,9 – 2,3 kg/ con. Đàn lợn con sau cai sữa được chuyển sang những ô chuồng nuôi lợn thương phẩm, đối tác mua tại nhà giá 90 ngàn đồng/kg móc hàm, 73 ngàn đồng/kg lợn hơi loại 90kg/con trở lên.

 

Gia đình anh Nguyễn Như Nhượng (thôn Liên Hồng) có diện tích 1 mẫu vườn trồng cây cảnh, 3 sào ao nuôi ba ba. Anh xây 3 dãy chuồng nuôi 11 con lợn nái (2 nái ngoại), trên 100 con lợn con, 80 con lợn thịt.Vừa qua anh bán 20 con lợn thu trên 140 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào người chăn nuôi cũng thu về lợi nhuận cao như thế. Anh cho biết, cuối năm 2010, đàn lợn nhà anh bị dịnh tả, chết gần 100 con lợn lớn nhỏ, thiệt hại trên 100 triệu đồng.

 

Rút kinh nghiệm, năm nay khi tái đàn, anh mời thú y về tiêm vắc xin, chỉ riêng loại vắc xin lở mồm long móng, anh đã mua hết 1,5 triệu đồng. Anh bảo: Chăn nuôi rủi ro rất lớn, nếu không chủ động phòng dịch, có khi tay trắng, lâm cảnh nợ nần, không trả được lãi ngân hàng. Trong khi 3 tháng, người chăn nuôi đã xuất chuồng, tái đàn khác thì Nhà nước chỉ tiêm vắc xin định kỳ 6 tháng 1 lần. Do mua vắc xin ngoài thị trường trôi nổi chất lượng không bảo đảm nên đàn lợn nhà anh đã tiêm phòng vắc xin tả, nhưng vẫn bị dịch.

 

Năm 2011, Bách Thuận đã tiêm phòng 80% đàn lợn trong diện phải tiêm, tổ chức 2 đợt phun khử trừng tiêu độc tổng diện tích 225.400 m2 chuồng trại và vùng phụ cận. Toàn xã đã đầu tư 80 hầm bioga hạn chế ô nhiễm môi trường. Để  chăn nuôi Bách Thuận phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Mai cho rằng: Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích chăn nuôi. Ngoài vấn đề thiết yếu là chất lượng con giống, điều tiết giá thức ăn chăn nuôi, kiểm soát cung ứng thuốc thú y, rất cần phải quan tâm đến đội ngũ thú y viên. Bởi mỗi xã có 1 trưởng ban thú y có phụ cấp, còn lại đội ngũ thú y các thôn thu nhập rất khó khăn nên để mưu sinh, họ phải làm nhiều ngành nghề. Nhiều xã đợt tiêm phòng vừa qua, thiếu thú y viên, huyện phải điều cán bộ trạm thú y xuống xã phụ giúp. Khi có dịch bệnh xảy ra, một mình trưởng ban thú y không thể đảm đương bao quát hết địa bàn.

 

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa