Thứ 2, 29/07/2024, 17:27[GMT+7]

Người cao tuổi Hồng An làm kinh tế giỏi

Thứ 2, 22/08/2011 | 10:57:06
1,927 lượt xem
Nhằm giúp người cao tuổi (NCT) sống vui, sống khỏe, phát huy được vai trò to lớn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, Hội NCT Hồng An (Hưng Hà) còn phát động phong trào thi đua NCT làm kinh tế giỏi. Qua phong trào, Hồng An đã xuất hiện nhiều mô hình NCT làm kinh tế độc đáo cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Văn Hùng đang chăm sóc vườn nhãn.

Theo chân Chủ tịch Hội người cao tuổi (NCT) xã Hồng An-  Bùi Xuân  Bắc, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế VAC của ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Quyết Tiến. Khác với nhiều người cao tuổi làm kinh tế giỏi trong cả tỉnh, nguyên giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nguyễn Văn Hùng khi được nhà nước cho nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già vẫn không chịu hưởng an nhàn mà cùng người em trai ruột dốc hết tâm sức vào việc tìm và trồng giống nhãn Hương Chi quý hiếm của Hưng Yên trên chính mảnh đất Hưng Hà. Sau 9 lần khăn gói quả mướp lặn lội sang Hưng Yên, ông Hùng tìm mua được 15 cây nhãn Hương Chi về trồng thử nghiệm trong vườn nhà.

 

Nói là thử nghiệm, nhưng ông luôn nghĩ mình sẽ thành công, bởi con sông Hồng trở nặng phù sa chia sẻ sự mầu mỡ chứa đựng trong lòng nó bồi đắp cho cả hai dải đất ven bờ thuộc địa phận Hưng Yên và Hưng Hà, khí hậu mát mẻ tương đồng nhau, Hưng Yên trồng được nhãn ngon há gì Hưng Hà, nhất là Hồng An nằm ven sông Hồng lại không trồng được.

 

Thời gian chờ vườn nhãn cho lứa quả đầu tiên, ông Hùng đầu tư thả cá ở hai ao, với diện tích trên 500 m2 và một sào vườn dựng mấy ô chuồng trại nuôi lợn và gà thịt để lấy ngắn, nuôi dài.  3 năm sau, hơn chục gốc nhãn đã đơm hoa, kết trái trong sự hồi hộp chờ đợi của cả nhà. Giống nhãn quý từ Hưng Yên về nên quả to, cùi dày, ngọt lự, bán rất được giá. Hiện, ông đã nhân giống nhãn thành hơn 30 cây. Năm nào mưa thuận, gió hòa, vườn nhãn cho thu hoạch 7-8 tạ quả.

 

Năm nay nhãn sai quả nhất, ông Hùng phải tỉa bớt mấy tạ quả đi để bảo đảm chất lượng. Chỉ mươi hôm nữa nhãn sẽ bẻ được, theo giá bán hiện nay ông Hùng dự đoán vụ này có thể thu từ 30-35 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hùng còn tích cực tham gia công tác xã hội, tận dụng chuyên môn từ thời còn đương chức đứng lớp tại Trung tâm học tập cộng đồng giảng về chăm sóc sức khỏe nhân dân; làm cán bộ Hội khuyến học, khuyến tài của xã. Con cái ông đều  làm cán bộ Nhà nước, người thì làm bác sỹ, người trở thành anh  bộ đội Cụ Hồ. Chỉ có anh con trai út chịu sống cùng, phụ ông bà chăm nom vườn nhãn và ao cá. Năm nào gia đình ông cũng đạt “Gia đình văn hóa”.

 

Các cụ ta xưa đã đúc kết rằng: “Trẻ trồng na, già trồng chuối”. Ông Lê Gia Minh, 81 tuổi, thôn Bắc Sơn cũng chọn chuối là cây thoát nghèo, vươn lên làm giàu của gia đình. Ngày ông đứng lên đấu thầu 3 mẫu bãi bồi ven sông trồng chuối, người dân trong làng tưởng ông già giở chứng, thừa tiền đem đổ xuống sông. Các đồng chí lãnh đạo xã nghe kế hoạch táo bạo của ông rất đồng tình hưởng ứng, bởi trồng chuối vừa nhàn, thời gian cho thu hoạch ngắn, lại hiệu quả cao. ít có cây gì cho thu hoạch hai lần: hoa và quả như chuối. Cả hai sản phẩm này đều đang được thị trường tiêu thụ nhiều, giá thành cao. Bãi chuối bạt ngàn, xanh tươi, mỗi năm thu về cho ông Minh 35- 40 triệu đồng.

 

Từ một bãi đất trống ven sông Hồng, nhiều người trẻ tuổi cũng đã lăn lộn cầy, cuốc, gieo trồng nhưng hiệu quả không cao, vậy mà dưới bàn tay gân guốc và khối óc của một bậc cao niên lại biến thành “tấc vàng”. Hình như với cụ Minh “càng già càng ra tinh thần” nên ông không chỉ dành thời gian chăm lo cho vườn chuối mà còn luôn hoàn thành nhiệm vụ của một Chi hội trưởng Hội NCT.  ở thôn Hà, nhiều năm nay đã xuất hiện một trang trại chăn nuôi theo mô hình VAC, với tổng diện tích 5 mẫu. Trên cạn lúc nào cũng có 50- 60 đầu lợn thịt béo ủn ỉn trong chuồng, dưới ao hàng trăm con vịt đẻ thi nhau bơi lội, trong làn nước xanh thẫm hàng ngàn con cá lớn, nhỏ tung tăng kiếm mồi. 

 

Chủ nhân của trang trại này là ông Nguyễn Văn Hùng, 67 tuổi, hội viên tiêu biểu của Hội NCT Hồng An, nhiều năm liền đạt danh hiệu NCT làm kinh tế giỏi. Lợn, gà, vịt được chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng dịch  tốt nên ít bị bệnh, mỗi năm đem về cho gia đình ông Hùng  khoảng 40- 50 triệu đồng lãi, đồng thời giải quyết công ăn, việc làm ổn định cho 4 lao động trong thôn. Cùng chung một mục đích thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng như ông Hùng, ông Minh... nhưng bà Trần Thị Mậu, thôn Gạo lại quyết định chọn sản xuất hương là hướng đi cho gia đình mình. Những bó hương do cơ sở sản xuất của bà Mậu làm ra rất được người tiêu dùng trong và ngoài xã ưu chuộng. Để có được sự tin tưởng đó, bà Mậu luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng mỗi nén hương làm ra, nhất quyết không chạy theo số lượng mà giảm chất lượng. Cơ sở làm hương của bà Mậu thu hút thêm 5 lao động vào làm, với mức lương ổn định, thỏa đáng.

 

Hội NCT Hồng An hiện có trên 1100 hội viên, thì hơn 340 hội viên (chiếm 29%) vẫn trực tiếp tham gia lao động, sản xuất tại nhiều ngành, nghề khác nhau. Các bậc cao niên với những mô hình làm kinh tế độc đáo, cho thu nhập mỗi năm từ 30 triệu đến hàng trăm triệu đồng đã góp phần nâng cao đời sống gia đình, làm giàu cho quê hương.

 

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa