Thứ 2, 29/07/2024, 17:13[GMT+7]

Thái Thụy Dồn sức cho chiến dịch phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa

Thứ 3, 23/08/2011 | 14:22:53
1,592 lượt xem
Đến ngày 25/7/2011, trên 13.600 ha lúa mùa của huyện Thái Thụy đã gieo cấy xong. Do làm tốt công tác chuẩn bị cho sản xuất như: làm đất, bón phân, gieo cấy đúng thời vụ, cộng thêm thời tiết từ đầu vụ đến nay rất thuận lợi nên toàn bộ diện tích lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh tập trung, cây khoẻ.

Địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho nông dân nhận thức rõ mối nguy hại của các loại sâu bệnh gây ra cho lúa mùa, sẵn sàng chuẩn bị các phương tiện, vật tư cần thiết để đối phó.

Các trà lúa đang đứng cái chuẩn bị làm đòng, dự kiến sẽ trỗ tập trung xung quanh 15/9/2011. Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh gây hại trên các trà lúa, giống lúa đang diễn biễn rất phức tạp, đòi hỏi các biện pháp chỉ đạo quyết liệt để phòng trừ.

 

Theo báo cáo của Trạm Bảo vệ thực vật ( BVTV) huyện: trên đồng ruộng Thái Thụy hiện các đối tượng sâu bệnh phát sinh với mật độ cao, nhất là sâu cuốn lá nhỏ. Sâu non nở rộ từ ngày 18 đến 22/8, mật độ sâu non trung bình từ 100 đến 150 con/m2, cá biệt có nơi lên đến 500 con/m2. Với mật độ sâu trên sẽ gây hại nặng bộ lá đòng, lá công năng nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, rầy cũng đã xuất hiện với mật độ trung bình từ 50 đến 100 con/m2, nơi cao từ 500 đến 700 con/m2, cá biệt có nơi lên đến 1.500 đến 2.000 con/m2, cao hơn nhiều so với những năm trước, khả năng lây truyền bệnh lùn sọc đen rất cao đối với trà lúa trỗ muộn.

 

Trên một số ruộng, rải rác xuất hiện các khóm lúa có biểu hiện của bệnh lùn sọc đen. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Thái Thụy đã phát động chiến dịch phun trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 19 đến 21/8/2011 cho toàn bộ diện tích lúa mùa. Xác định đây là  đợt phòng trừ sâu bệnh rất quan trọng, có vai trò quyết định đến năng suất lúa mùa nên huyện đã yêu cầu tất cả các đồng chí trong Ban Thường vụ  Huyện uỷ, Huyện uỷ viên phụ trách các cụm xã, thị trấn, cán bộ các phòng- ban -đơn vị,  cán bộ kỹ thuật tập trung xuống cơ sở đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra các địa phương tổ chức phun trừ kịp thời. Chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn nhân dân kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích lúa mùa, xác định diện tích cần phun, đối tượng phun, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện phục vụ cho chiến dịch, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để sâu bệnh gây hại nặng hoặc phun thuốc tràn lan gây lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.

 

Tiến hành kiểm tra toàn bộ các hộ kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn, xử lý kiên quyết và thông báo công khai trên đài phát thanh những hộ kinh doanh không đủ điều kiện. Trạm BVTV huyện đã khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ, cách phun, liều lượng phun để đạt hiệu quả cao nhất. Đối với những diện tích lúa có mật độ rầy cao, trộn hỗn hợp với các thuốc trừ rầy để phun trừ.

 

Do chỉ đạo quyết liệt, tuyên truyền sâu rộng  nên hầu hết nông dân Thái Thụy đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng trừ sâu bệnh. Các xã, thị trấn đã vào cuộc tích cực, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách từng thôn, từng cánh đồng để đôn đốc thực hiện. Các HTX dịch vụ nông nghiệp đã chủ động chuẩn bị đủ lượng thuốc đúng chủng loại, mở rộng các điểm bán, tăng cường lực lượng cán bộ hướng dẫn  nhân dân tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc " 4 đúng" để phun trừ đạt hiệu quả cao.

 

Trên cánh đồng thôn Thượng Phúc (xã Thụy Sơn), chiều 17/8/2011, hàng chục nông dân đã tập trung trên đồng để phun trừ sâu cuốn lá nhỏ. Bà con cho biết: đây là vùng trồng cây vụ đông ưa ấm của địa phương nên lúa mùa cấy sớm, sâu non đã nở rộ với mật độ cao nên phải phun trừ trước chiến dịch 2 ngày để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Còn tại xã Thụy Chính, gần 300 ha lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng. Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Phạm Ngọc Thập cho biết: " Cách đây 1 tuần, địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho nông dân nhận thức rõ  mối nguy hại của các loại sâu bệnh gây ra cho lúa mùa, sẵn sàng chuẩn bị các phương tiện, vật tư cần thiết để đối phó.

 

Chiến dịch lần này, Thụy Chính sẽ tổ chức phun trừ  sâu cuốn lá nhỏ kết hợp phun trừ rầy trên 100% diện tích để bảo vệ bộ lá đòng và lá công năng, đồng thời hạn chế sự gây hại của bệnh lùn sọc đen và rầy gây cháy lúa cuối vụ. Toàn xã quyết tâm phấn đấu năng suất lúa mùa đạt từ 60 đến 65 tạ/ha". Xã Thụy Hưng cũng đã triển khai chiến dịch phòng trừ sâu bệnh từ ngày 13/8. Nông dân Nguyễn Thị Gấm (thôn Tam Lộng) cho biết:" Trong sản xuất nông nghiệp việc phòng trừ sâu bệnh quyết định lớn đến năng suất.  Gia đình tôi cấy 1,2 mẫu ruộng, thuốc BVTV đã chuẩn bị đủ, đợi đến lịch là phun trừ. Tiền mua thuốc trừ sâu cuốn lá lần này bỏ ra 250 ngàn đồng nhưng nếu lúa được bảo vệ an toàn, được mùa, lượng thóc thu về sẽ gấp rất nhiều lần ".

 

Theo lời Ông Nguyễn Xuân Thanh, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện: năm nay do lúa xuân trên địa bàn gặt muộn hơn so với các vụ xuân khác từ 10 đến 15 ngày. Thời vụ gấp gáp, công tác làm đất và vệ sinh đồng ruộng hạn chế hơn so với các vụ khác, tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát triển. So với lịch thời vụ, lúa mùa cũng sẽ thu hoạch muộn hơn khoảng 10 ngày nên có nhiều khả năng chịu ảnh hưởng lớn của một số đối tượng sâu bệnh hại cuối vụ như: sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại.

 

Để chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cho lúa mùa, bên cạnh việc tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên đồng ruộng, tổ chức phun trừ kịp thời khi đến ngưỡng, Trạm BVTV huyện khuyến cáo nông dân không được chủ quan lơ là, cần chủ động thăm đồng kiểm tra, thực hiện hiện tốt các biện pháp chăm sóc lúa như: giữ ruộng đủ nước, hạn chế việc bón phân đơn, tích cực vệ sinh đồng ruộng... giúp cây lúa khoẻ, hạn chế sâu bệnh, cho năng suất cao.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa