Thứ 2, 29/07/2024, 17:16[GMT+7]

Kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2011) Mãi xứng đáng là là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, "mở đường" cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 3, 23/08/2011 | 15:41:38
1,588 lượt xem
Bộ mặt GTVT Thái Bình ngày càng chuyển biến rõ rệt. Nhiều công trình trọng điểm đã và đang được triển khai thực hiện, nhằm từng bước phá vỡ thế cô lập, góp phần đưa kinh tế Thái Bình thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Công nghiệp giao thông được củng cố và phát triển, năng lực vận tải được nâng cao và xã hội hoá, với sự ra đời của nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa của địa phương, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân...

Nhiều công trình trọng điểm đã và đang được triển khai thực hiện, nhằm từng bước phá vỡ thế cô lập, góp phần đưa kinh tế Thái Bình thoát khỏi tình trạng tụt hậu.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông công chính (tiền thân của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ngày nay). 66 năm qua, cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế khác, ngành GTVT cả nước nói chung và Thái Bình nói riêng đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đóng  góp xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Ôn lại truyền thống hào hùng của 66 năm xây dựng và trưởng thành để giáo dục truyền thống, tri ân các thế hệ đi trước cho sự phát triển của toàn ngành; lấy đó làm điểm tựa để tiếp tục phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, GTVT Thái Bình đã nhận thức rõ địa lý và đặc điểm của tỉnh nhà ở thế sông nước bao bọc bốn bề, vật liệu xây dựng thiếu thốn, nguồn vốn cho phát triển giao thông hạn hẹp... Toàn ngành đã khẩn trương tu sửa cầu cống, đường xá; nạo vét, khơi thông sông lạch, củng cố các phương tiện vận tải thô sơ,... góp phần cùng cả nước: “Chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”.

Từ năm 1945 đến 1954, ngành GTVT Thái Bình đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân: “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ” của Đảng và hoạt động của ngành tạo nên mặt trận giao thông vận tải rộng khắp, giữ vững mạch máu giao thông liên lạc thông suốt, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, ngành chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, theo phương châm: “Tận dụng và khai thác mọi khả năng tiềm tàng và phương tiện sẵn có để giải quyết nhu cầu trước mắt và lâu dài” “Phát triển cả 3 lực lượng: vận tải quốc doanh, HTX chuyên nghiệp và HTX nông nghiệp. Nâng cao cả 3 phương tiện cơ giới, nửa cơ giới, thô sơ cải tiến. Văn phòng Ty GTVT và các đơn vị trực thuộc được sơ tán kịp thời. Lực lượng lao động trực tiếp bám đường, bám phà sẵn sàng phục vụ chiến đấu và sản xuất. Đây là thời kỳ cam go và ác liệt nhất, toàn ngành nêu quyết tâm bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Ty thành lập đơn vị thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông, rà phá bom, mìn.

Sau giải phóng miền Nam, toàn ngành bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và kiện toàn tổ chức cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Công tác quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải được chú trọng và triển khai đều trong toàn tỉnh, làm cơ sở thực hiện kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.

Năm 1986, bước vào công cuộc đổi mới, xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, ngành GTVT Thái Bình gặp không ít khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ- HĐND - UBND tỉnh, Bộ GTVT, sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành và nhân dân, phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo, dũng cảm, vượt qua khó khăn..., ngành GTVT đã tổ chức thực hiện có hiệu quả mọi mặt hoạt động.

Công tác tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực, củng cố kiện toàn bộ máy quản lý được từng bước nâng cao cả về chất và lượng. Đến nay, tất cả các doanh nghiệp quốc doanh đã được cổ phần hoá. Các đơn vị ngoài quốc doanh được tổ chức và sắp xếp, đổi mới phương thức hoạt động. Khối quản lý Nhà nước trực thuộc Sở hiện có 5 phòng và thanh tra sở, với 70 cán bộ nhân viên. Khối sự nghiệp có 6 đơn vị, gồm 300 cán bộ công nhân viên. 100% cán bộ lãnh đạo quản lý,  của các cơ quan, đơn vị trong ngành có trình độ đại học, nhiều người là thạc sĩ, có hai bằng đại học, có trình độ tin học và ngoại ngữ.

Hiện tại, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh có 108,9 km quốc lộ, 318,6 km tỉnh lộ, 517,6km huyện lộ, 63,85 km đường nội thị, 1.760km đường xã... Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông được lập, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh và các ngành khác, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Quy hoạch được thực hiện đồng bộ giữa các loại hình giao thông: Đường sắt, đường bộ, và đường thủy; đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng với quản lý, khai thác...

Thời gian vừa qua, toàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình lớn: cầu Thái Bình, cầu Nguyễn, cầu Triều Dương, cầu Vô Hối, cầu Độc Lập, tuyến tránh quốc lộ 10 phía Bắc thành phố. Chuẩn bị hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình dự án: Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 10 từ La Uyên đến Tân Đệ, cầu Hiệp vượt sông Luộc và Quốc lộ 39 từ km64 đến km 91. Thái Bình có đội tàu biển tư nhân mạnh nhất toàn quốc với gần 2.000 tàu, thuyền các loại, tổng trọng tải 350.000 DWT. Mạng lưới giao thông được nâng cấp, hoàn thiện đã tạo tiền đề để Thái Bình đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực vận tải hàng hoá và hành khách. Các chỉ tiêu trong hai lĩnh vực trên đạt tốc độ tăng trưởng khá, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, chất lượng vận tải hành khách ngày càng được nâng cao.

Trong điều kiện suy thoái kinh tế thế giới và khó khăn của kinh tế Việt Nam, các đơn vị công nghiệp GTVT vẫn khắc phục khó khăn, tìm kiếm, khai thác các nguồn vốn, bạn hàng để duy trì SXKD. Công tác đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được nâng cao trong các khâu quản lý, đổi mới trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng và chất lượng đào tạo. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng rộng khắp trong toàn tỉnh, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn.

Bộ mặt GTVT Thái Bình  ngày càng chuyển biến rõ rệt. Nhiều công trình trọng điểm đã và đang  được triển khai thực hiện, nhằm từng bước phá vỡ  thế cô lập, góp phần đưa kinh tế Thái Bình thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Công nghiệp giao thông được củng cố và phát triển, năng lực vận tải được nâng cao và xã hội hoá, với sự ra đời của nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa của địa phương, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân...

Với những thành tích đạt được trong 66 năm qua, ngành GTVT Thái Bình vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 4 Huân chương Độc lập hạng Ba, 52 Huân chương Lao động các hạng; 1.752 huân, huy chương kháng chiến, 3 cờ thưởng luân lưu của Chủ tịch nước, 6 cờ luân lưu của Chính phủ, một Bằng khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 11 huy hiệu Bác Hồ, 84 cờ và hàng trăm bằng khen của Bộ GTVT, UBND tỉnh và các Bộ, ngành tặng cho Sở, các đơn vị trực thuộc và cá nhân, 77 cán bộ, công nhân viên của ngành đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, được Đảng, Nhà nước công nhận liệt sĩ.

Nhân dịp kỷ niệm 66 năm thành lập ngành GTVT, thay mặt Đảng uỷ và lãnh đạo Sở GTVT Thái Bình, xin được bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đối với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải, các ngành hữu quan, nhân dân  trong tỉnh... đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện và đùm bọc, giúp đỡ toàn ngành vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên suốt chặng đường 66 năm qua và mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhân dân trong tỉnh để ngành GTVT Thái Bình thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mới, phục vụ đắc lực cho công cuộc CNH - HĐH và xây dựng nông thôn mới.

Tô Hoàng Thảo

(Giám đốc Sở GTVT Thái Bình)

 

  • Từ khóa