Thứ 2, 29/07/2024, 17:21[GMT+7]

Vũ Thư: Từ nhận thức đến hành động bảo vệ môi trường

Thứ 6, 09/09/2011 | 09:35:07
1,699 lượt xem
Do nhiều nguyên nhân, ô nhiễm môi trường nông thôn đã và đang là tình trạng chung của các xã trong huyện Vũ Thư. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, UBND huyện đã xây dựng “Đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020”, gắn kế hoạch bảo vệ môi trường trở thành một bộ phận không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Những bãi rác ven đường như thế này xuất hiện ngày càng nhiều nhưng chưa được xử lý.

Chúng tôi về làng vườn Thuận Vi (Bách Thuận, Vũ Thư), nơi đây đã được đưa vào tua tuyến du lịch của tỉnh. Vẫn bãi dâu xanh, những khu vườn xanh la đà cây ăn quả xen với cây cảnh, cây thế. Những ao nối tiếp ao sâu, xao động cá quẫy, nhưng không khí làng vườn không còn trong lành, khiến mọi người không thể hít căng lồng ngực những ngọn gió tươi, thoang thoảng mùi hoa ngâu, hoa hòe như mươi năm trước. Toàn xã có 58 trang trại, 855 gia trại chăn nuôi, hầu hết nằm trong khu dân cư. Ngành chăn nuôi phát triển nóng, môi trường nông thôn khó tránh khỏi bị ô nhiễm… Đây cũng là tình trạng chung của các xã trong huyện.

Vũ Thư có mật độ dân số khoảng 1.132 người/km2 , nếu lượng rác thải mỗi ngày ít nhất 5 tấn/xã, thì toàn huyện có khoảng 150 tấn rác thải/ngày. Trong khi đó mới có 71 bãi rác (diện tích 4,56 ha) được quy hoạch vị trí ở 20 xã. Mỗi ngày, rác được đem đổ lấp vào các đầm trũng, ruộng hoang hóa, bạc màu, bãi đất trống cạnh đường giao thông…Vũ Thư hiện có các cụm công nghiệp làng nghề Vũ Hội, Nguyên Xá, Minh Lãng, Phúc Thành, Việt Thuận, thị trấn, Tam Quang… Rác thải của các cụm công nghiệp chưa có biện pháp xử lý.

Nông nghiệp phát triển cũng đã tạo sức ép lớn cho môi trường đất, nước, không khí. Bao bì của các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… hầu như các xã không thu gom loại chất rắn khó phân hủy này. Người sử dụng thường vứt bừa bãi trên đồng ruộng, kênh mương làm tăng nguy cơ ô nhiễm. Ngoài ra, lượng rơm rạ, thân cây ngô, đỗ, rau tạo ra lượng rác đáng kể, dù không gây bức xúc cũng mất chi phí để xử lý hoặc đốt cháy gây khói bụi. Điều đáng lo ngại là nguồn nước mặt đang có nguy cơ bị ô nhiễm do các hoạt động sản xuất công - nông nghiệp, nuôi thủy sản, nguồn nước thải sinh hoạt, y tế…

Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" được triển khai, thực hiện trên địa bàn huyện Vũ Thư đã 7 năm qua, tạo ra sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường.

Huyện ủy ban hành Chương trình hành động số 27, UBND huyện ra Chỉ thị 03 về việc tăng cường công tác môi trường trên địa bàn huyện. Việc triển khai học tập Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định của Chính phủ được triển khai đến đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã, các ban ngành, đoàn thể và cơ sở sản xuất kinh doanh. Các xã, thị trấn gắn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với hoạt động bảo vệ môi trường. Nhiều nơi đưa tiêu chí bảo vệ môi trường thành các điều khoản trong hương ước thôn làng, là tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, làng văn hóa.

Qua ý kiến của cử tri và sự phát hiện của nhân dân, các ngành chức năng của huyện cùng với Thanh tra sở Tài nguyên & Môi trường đã thành lập các đoàn kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh tại Công ty TNHH Bảo Hưng, gạch Đại Thắng, công ty Quế Hòe, trang trại chăn nuôi Liễu Chỉ, Công ty Hải Hùng, Chi nhánh Công ty TNHH & đầu tư công nghệ Quang Minh, doanh nghiệp Đạt Được… Qua kiểm tra, phần lớn các đơn vị vi phạm Luật Môi trường. Huyện đã yêu cầu các đơn vị này xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, trước khi thải ra môi trường, đền bù những hộ dân bị thiệt hại.

Thực hiện quy hoạch nông thôn mới, các xã chủ động bố trí quy hoạch bãi chôn lấp rác thải theo tiêu chí. Trước đó, toàn huyện đã có 192 bãi chôn lấp rác, trong đó 39 bãi cần mở rộng diện tích, 121 bãi tự phát không hợp quy hoạch, cần di chuyển đến vị trí khác. 21/30 xã, thị trấn thành lập 98 tổ thu gom rác thải, mỗi tổ từ 2 - 3 người. Các xã trích kinh phí từ nguồn thu của các hộ gia đình hỗ trợ các tổ tự quản, trang bị phương tiện vận chuyển, quần áo bảo hộ lao động. Một số thôn đã xây các hố rác ngoài đồng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Huyện tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các xã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung. Vận động các chủ trang trại, gia trại đầu tư xử lý phân, nước thải bằng hầm bioga sinh học. Toàn huyện có 1 nhà máy nước ở thị trấn và 7 trạm cấp nước ở các xã (Minh Lãng 1, Vũ Tiến 2, Vũ Hội 2, Việt Hùng 1, Tân Lập 1). Phong trào trồng cây nhân dân, tổ chức ngày ra quân Tết trồng cây được duy trì hàng năm.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa qua, UBND huyện đã xây dựng “Đề án bảo vệ môi trường huyện Vũ Thư giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020”, gắn kế hoạch bảo vệ môi trường trở thành một bộ phận không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đến năm 2015: 100% các xã có đội thu gom rác, có bãi chôn lấp rác tập trung, 95% dân số đô thị, 85% dân nông thôn được sử dụng nước sạch, 100% hộ gia đình có nhà vệ sinh đạt chuẩn, 60% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn vệ sinh, 70% khu, cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, thu gom 90% chất thải rắn …

Giải pháp chính để thực hiện mục tiêu trên là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép vào chương trình giảng dạy trong các lớp học chính trị, các nhà trường, các khu vực tôn giáo, các buổi sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa thôn…

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường quản lý Nhà nước, bổ sung quy định, cơ chế,  tổ chức xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành về môi trường. Tăng cường huy động các nguồn lực, đa dạng hóa  đầu tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Bảo Linh 

  • Từ khóa