Thứ 2, 29/07/2024, 17:28[GMT+7]

Thành công từ những mô hình chăn nuôi liên kết 3 nhà

Thứ 6, 16/09/2011 | 10:47:49
5,019 lượt xem
Dịch bệnh đe dọa, giá thức ăn leo thang, tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, ô nhiễm môi trường, thiếu vốn đầu tư, lợi nhuận thấp...; tất cả những khó khăn này đã được giải quyết trong những mô hình chăn nuôi quy mô lớn với sự liên kết khá chặt chẽ, giải quyết lợi ích hài hòa của 3 nhà: chủ trang trại, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT. 

Trang trại nuôi lợn hậu bị và lợn nái của chị Trần Thị Thuấn Hoa (xã Đông Lâm, Tiền Hải)

Những người dám nghĩ, dám làm

 

Không quản ngại, một mình Nguyễn Hưng - phóng viên trẻ của Đài PTTH tỉnh trong đoàn chúng tôi hăng hái vào phòng khử trùng, đi qua vòi phun hóa chất, qua phòng tắm sạch, thay bộ quần áo bảo hộ xong, được người quản lý trang trại dẫn vào khu vực nuôi lợn để quay phim. Thật khó hình dung tỉnh ta có những trang trại chăn nuôi quy mô “hoành tráng”, hiện đại, yêu cầu về vệ sinh phòng dịch nghiêm ngặt đến như thế.

 

Anh Phạm Văn Thiêm - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Phú Cường vui vẻ giới thiệu cho chúng tôi địa chỉ của 8 chủ trang trại khác, họ đều là những hội viên Hội Chăn nuôi gia công cho Công ty CP ở Thái Bình, được các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất đai, cơ chế; họ đã dám nghĩ, dám làm, đầu tư hàng chục tỷ đồng phát triển chăn nuôi hàng hóa.

 

Đưa chúng tôi đi thăm trang trại có quy mô 5 ha, anh Thiêm cho biết: Làm ăn với Công ty CP, trước hết phải xây dựng trang trại theo đúng bản vẽ thiết kế của Công ty yêu cầu có hệ thống làm mát, nhiệt độ trong chuồng được điều chỉnh theo tháng tuổi của lợn. Vì thế các trang trại liên doanh với Công ty CP đều phải mua máy biến thế, máy phát điện bảo đảm nguồn cung cấp điện ổn định. Trong trang trại không thể thiếu khu nhà điều hành, kho chứa thức ăn, nhà sát trùng, bể nước, khu lưu trú, ăn nghỉ của kỹ sư và công nhân. Riêng hệ thống xử lý chất thải (hầm bioga) thiết kế phải bảo đảm xử lý được toàn bộ phân, nước thải, chống ô nhiễm môi trường.

 

Trang trại nuôi lợn hậu bị và lợn nái của chị Trần Thị Thuấn Hoa (xã Đông Lâm, Tiền Hải) gồm 2 khu có tổng diện tích 7,2 ha. Ban đầu chị đầu tư xây 4 dãy chuồng nuôi trên 2000 con lợn hậu bị trên diện tích đất 3,2 ha. Làm ăn có lãi, chị thuê thêm 5,8 ha đất, xây dựng trang trại mới gồm 4 dãy chuồng nuôi 600 con lợn nái (giai đoạn 1), dự kiến sẽ nâng lên 1.200 con nái (giai đoạn 2). Trang trại của anh Hà Văn Duẩn (Thái Thọ- Thái Thụy) rộng 10 ha; quy mô trại 1 có 600 con nái, trại 2 có 750 con; tất cả đều được xây dựng theo bản thiết kế của Công ty CP, bảo đảm 3 yếu tố: nhiệt độ ổn định cộng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh phòng dịch chặt chẽ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các trang trại này đều gần sông, cách xa khu dân cư.

 

Những bà đỡ mát tay

 

Theo anh Thiêm tính toán: Tổng đầu tư mỗi dãy chuồng khoảng 700-800 triệu đồng (theo thời giá hiện tại trên dưới 1 tỷ đồng). Những hộ nuôi lợn nái ngoại chi phí ban đầu tốn kém gấp 1,5-2 lần so với lợn thịt. Vì vậy, nếu không có vốn, không thể làm giàu. Anh cho biết: Hầu hết các chủ trang trại, khi đầu tư mở mang chuồng trại giai đoạn 2 đều đi gõ cửa các ngân hàng. Nhiều ngân hàng không dám cho vay vì chăn nuôi là ngành có nhiều rủi ro. May sao, Ngân hàng NN & PTNT đã chia sẻ khó khăn về vốn với chúng tôi. So với tổng đầu tư vài chục tỷ đồng xây dựng chuồng trại thì, vài tỷ của ngân hàng chẳng thấm tháp gì, nhưng lúc thiếu, được đồng nào hay đồng ấy. Qua tiếp chuyện với các chủ trang trại có 2 vấn đề nổi cộm, đó là: đồng vốn ngân hàng mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu vay của họ, mặt khác mức lãi suất 22%/năm là khá cao. Vay vốn chăn nuôi, nếu giá lợn dưới 60.000 đồng/kg, chủ hộ hạch toán không có lãi.

 

Về phía Công ty CP: Công ty giao cho chủ trang trại lợn giống 5 kg, kèm theo thuốc thú y (sử dụng xong trả lại 100% vỏ thuốc). Tùy quy mô đầu lợn, cử 1 - 2  kỹ sư chăn nuôi nằm vùng hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân trang trại. Công ty cung cấp thức ăn cho hộ sản xuất theo định mức ( 220 kg thức ăn/100 kg lợn). 5 tháng sau đến thu sản phẩm (lợn xuất chuồng từ 100 kg trở lên). Công ty thanh toán cho chủ trang trại 3000 đồng/kg lợn hơi. Ngoài ra, mỗi lứa lợn, Công ty trừ tỷ lệ hao hụt khoảng 18 con.

 

Tính ra, năm 2010, anh Thiêm được nhận tiền gia công trên 3 tỷ đồng, trừ chi phí điện, nước, trả lương 17 công nhân trung bình 2,2-2,5 triệu đồng/tháng, lãi 1 tỷ đồng/năm. Đối với trang trại nuôi lợn nái, cơ chế đầu tư của Công ty CP cũng như vậy, mỗi con lợn 5 kg, công ty thanh toán trả chủ trang trại gần 200 ngàn đồng. Hợp đồng của các chủ trang trại ký với Công ty CP trong vòng 5 năm. Nếu xảy ra thiên tai, chuồng trại đổ, chủ trang trại chịu; dịch bệnh, cứu chữa bất khả kháng, lợn chết, Công ty chịu. Sau 5 năm, chủ trang trại muốn tách ra hoạt động độc lập, nếu có nhu cầu, phía Công ty vẫn bán con giống, thức ăn, tư vấn kỹ thuật.

 

Anh Thiêm khẳng định: năm 2010, trang trại của anh đã đem lại lãi ròng (trừ chi phí) cho Công ty khoảng 24 tỷ đồng. Lợi nhuận lớn nhưng do vốn mỏng nên chủ trang trại chọn giải pháp liên kết là an toàn nhất. Ngoài ra, lo đầu ra, tiêu thụ sản phẩm với khối lượng lớn không phải đơn giản. Điều ám ảnh, lo lắng nhất của người chăn nuôi là vấn đề phòng trừ dịch bệnh. Vì thế, chẳng ai dám liều: “được ăn cả, ngã về không”. Dính dịch, lợn chết cả chuồng, món nợ ngân hàng lãi chồng lên lãi, ai cũng hãi!

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa