Thứ 2, 29/07/2024, 17:26[GMT+7]

Quỳnh Phụ Hoành hành nạn khai thác cát trái phép

Thứ 6, 14/10/2011 | 14:48:21
1,764 lượt xem
Nhiều năm trở lại đây, các tàu thuyền ngang nhiên khai thác cát trái phép trên sông Luộc và sông Hoá, đoạn chảy qua địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã làm ảnh hưởng đến hệ thống đê điều và thất thoát nguồn tài nguyên.

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn internet

Trong thời gian qua, mặc dù công tác quản lý hoạt động khai thác cát lòng sông ở Quỳnh Phụ được tăng cường  và thu được kết quả nhất định; song, hiện nay tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện vẫn hết sức phức tạp và công tác quản lý hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn.

Huyện Quỳnh Phụ có tuyến sông Luộc và sông Hoá chảy qua với tổng chiều dài 35,5 km; trong đó, sông Luộc dài 19,5 km và sông Hoá dài 16 km. Đây vừa là điều kiện thuận lợi để người dân sản xuất, kinh doanh nhưng đồng thời lại là địa bàn “béo bở” cho các đối tượng khai thác tài nguyên trái phép hoạt động. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: “Hiện nay, toàn huyện có khoảng 30 thuyền tập trung tại các xã Quỳnh Giao, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Hoa, An Khê và An Đồng thường xuyên có hoạt động khai thác cát dọc các tuyến sông. Các hoạt động này đã làm ảnh hưởng đến hệ thống đê điều và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, tại các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoàng, tình trạng khai thác cát trên tuyến sông Luộc đã khiến nhiều điểm sạt lở sâu vào vùng sản xuất nông nghiệp từ 5 - 10 m. Cá biệt, có nơi lở sâu đến 20 m”.

 

Một người dân ở xã An Khê bức xúc: “Tình trạng” khai thác cát trái phép diễn biến hết sức phức tạp và thường diễn ra vào ban đêm. Sau quá trình khai thác nhiều, bờ hai bên sông lở ra, lấn sâu vào chân đê ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân.

 

Đến nay, diện tích đất bãi ven sông ở đây đã giảm tới gần 5.000 m2. Tại vị trí ngã ba sông Chanh, các thuyền khai thác cát thường xuyên neo đậu làm ảnh hưởng đến giao thông đường thủy của khu vực này. Chúng tôi mong các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý kiên quyết đối với các cá nhân, tổ chức khai thác cát trái phép”. Không chỉ ở An Khê, đi dọc theo sông Luộc, đoạn chảy qua xã Quỳnh Hoàng và xã Quỳnh Lâm sẽ thấy rất nhiều điểm bị sạt lở do khai thác cát. Nhiều điểm như tại bờ sông khu vực thôn An Lộng thuộc xã Quỳnh Hoàng, mép nước có chỗ còn cách đê bối có... 1m, bờ sông gần như dốc đứng là mối đe doạ đối với tài sản và tính mạng  của người dân, nhất là trong mùa  mưa lũ.

 

Trước tình trạng trên, UBND huyện đã  nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra và xử lý việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường đối với các cá nhân, chủ cơ sở khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát trên tuyến sông Luộc và sông Hoá thuộc địa bàn huyện. Các ngành chức năng của huyện đã chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Trạm Cảnh sát giao thông Bến Hiệp và chính quyền các xã duyên giang  kiểm tra phát hiện nhiều đối tượng khai thác cát trái phép. Qua kiểm tra cho thấy, các phương tiện khai thác là thuyền nhỏ, chủ yếu đến từ các địa phương như An Khê, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Ngọc của huyện Quỳnh Phụ. Ngoài ra, còn có các tàu khai thác trọng tải lớn đến từ huyện Ninh Giang - Hải Dương và Vĩnh Bảo - Hải Phòng.

 

Với những cố gắng của chính quyền địa phương nếu nhìn tổng thể thì có thời điểm tình trạng khai thác cát trái phép đã giảm. Song, đi vào từng điểm sông thì vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, những nguyên nhân chủ yếu vẫn là nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân, nhất là những người hành nghề khai thác cát chưa nhận thức được việc khai thác cát trái phép sẽ làm sạt lở bờ sông, đe dọa an toàn cuộc sống người dân.

 

Bên cạnh đó, chính quyền nhiều xã duyên giang cũng đã có một số biện pháp ngăn chặn nhưng kết quả của công tác kiểm tra, xử lý mới chỉ có tính chất “bắt cóc, bỏ đĩa” chủ yếu là hình thức xua đuổi kém hiệu quả. Một nguyên nhân nữa là các đối tượng khai thác cát thường xuyên di động trên sông không theo thời gian và địa điểm nhất định, cố tình tránh né sự kiểm soát của đoàn kiểm tra nên việc kiểm tra khai thác cát tại các tuyến sông này còn hạn chế. Ngoài ra, hoạt động của các đối tượng chủ yếu diễn ra vào ban đêm nên cán bộ kiểm tra rất khó tiếp cận.

 

Mặt khác, các phương tiện khai thác là các tàu thuyền cồng kềnh, khi thu giữ rất khó bố trí điểm neo đậu an toàn và lực lượng canh coi. Đa số trên các phương tiện là người làm thuê trực tiếp khai thác, chủ phương tiện thường vắng mặt nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài những hệ luỵ như hỏng hóc hệ thống đê điều, cản trở giao thông đường thuỷ... tình trạng khai thác cát trái phép còn là một trong những nguyên nhân làm mất an ninh trật tự tại địa phương.

 

Thiết nghĩ, việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép không phải một sớm, một chiều mà cần có sự chung tay phối hợp đồng bộ, hiệu qủa giữa các đơn vị chức năng. Đồng thời các cấp, ngành cần có kế hoạch phân định cụ thể vùng khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản sao cho vừa hiệu quả, vừa mang tính bền vững cao.

Ngọc Hân

 

  • Từ khóa