Thứ 2, 29/07/2024, 17:25[GMT+7]

Về Quỳnh Phụ nghe nông dân kể chuyện làm giầu

Thứ 4, 19/10/2011 | 08:23:42
2,161 lượt xem
Mặc dù thời gian gần đây lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng các chủ trang trại, gia trại vẫn gắn bó với nghề. Một số cơ sở đã có cách làm sáng tạo nên tiếp tục duy trì được sản xuất và kinh doanh có lãi.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về tạo mặt bằng, hỗ trợ vay vốn tín dụng, phòng trừ dịch bệnh, chuyển giao KH- KT... nên ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi quy mô gia trại và trang trại ở Quỳnh Phụ phát triển tương đối toàn diện. Tính đến giữa năm 2011, toàn huyện đã xây dựng được 1.540 gia trại các loại gồm 671 gia trại tổng hợp, 551 gia trại chuyên chăn nuôi lợn, 178 gia trại nuôi thả thuỷ sản và 140 gia trại chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra, các xã còn đầu tư xây dựng được gần 1.000 trang trại các loại.

 

Cùng với số lượng thì quy mô trang trại cũng ngày càng được mở rộng và phát triển theo chiều sâu. Tổng số vốn mà các chủ gia trại và trang trại đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chuồng trại lên tới gần 70 tỷ đồng; có đến quá nửa số gia trại và trang trại đã đầu tư tới hơn 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, trong đó có 126 điểm đầu tư trên 300 triệu đồng. Mặc dù chi phí lớn song hiệu quả kinh tế mà các trang trại và gia trại mang lại cũng khá cao, thường vượt trôi so với mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng truyền thống. Tuy gặp không ít khó khăn do dịch bệnh bùng phát, giá thức ăn tăng cao, thị trường đầu ra thiếu ổn định... nhưng thực tế cho thấy hầu hết các trang trại và gia trại đều kinh doanh có lãi. Khoảng 42,5% số trang trại và gia trại cho lợi nhuận từ 10- 30 triệu đồng/ năm và chừng đó số trang trại cho lợi nhuận từ 30- 50 triệu đồng/ năm. Riêng số trang trại cho lợi nhuận từ 100 triệu đồng/ năm trở lên chiếm khoảng 4%.

 

Điển hình cho các chủ trang trại sản xuất hiệu quả tại Quỳnh Phụ phải kể tới ông Phạm Công Danh (xã An Mỹ). Sau khi thăm quan nhiều mô hình chăn nuôi trong huyện, gia đình ông đã bỏ ra toàn bộ số vốn tích cóp được kết hợp vay thêm ngân hàng đầu tư xây dựng 350m2 chuồng trại để chăn nuôi 120 con lợn thịt/ lứa. Thông thường ông nhập lợn giống khoảng 6- 7 kg/ con, nuôi trong khoảng 150 ngày thì xuất bán. Quá trình nuôi, ông sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, giữ chuồng trại luôn sạch sẽ và chú ý tiêm phòng dịch bệnh theo định kỳ. Nhờ vậy, mỗi năm trang trại của ông xuất bán 2 lứa lợn, trọng lượng trung bình lúc xuất chuồng đạt 100kg/con. Mỗi lứa cơ sở của gia đình ông cung cấp cho thị trường gần 12 tấn thịt lợn hơi. Tổng doanh thu đạt hơn 600 triệu đồng. Nếu trừ đi tất cả các khoản chi phí đầu vào như giống, thức ăn, thú y, tiền điện... lợi nhận còn lại vẫn đạt hơn 130 triệu đồng. Một năm xuất chuồng 2 lứa, tính ra mức lợi nhuận thu được lên tới khoảng 250 triệu đồng.

 

Khác với ông Danh, ông Lưu Bá Đông (xã Quỳnh Lâm) lại chọn mô hình nuôi thả gia cầm tại vườn. Với diện tích 350m2 chuồng trại, chưa kể sân chơi, mỗi năm gia trại của ông Đông thả nuôi từ 3.000- 3.500 con gà thịt và từ 4.000- 5.000 con gà giống. Và đây hoàn toàn là giống gà ta truyền thống chứ không phải gà công nghiệp. Sở dĩ ông chọn giống gà ta để nuôi vì sức đề kháng tốt hơn, nhu cầu thị trường về gà ta ngày càng lớn và lợi nhuận thu được thường cao hơn so với nuôi gà công nghiệp.

 

Theo kinh nghiệm của ông Đông thì ngoài việc chọn giống tốt, chăm nuôi đúng kỹ thuật, phòng dịch bệnh định kỳ, các chủ trang trại không được "giấu dốt" mà phải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm trong thực tiễn. Bản thân ông luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ bạn bè, các cán bộ thú y cơ sở và tham dự hầu hết các buổi hội thảo về chăn nuôi do địa phương tổ chức. Nhờ vậy, đàn gia cầm chăn nuôi tại gia trại của ông không để xảy ra dịch bệnh. Mỗi năm riêng tiền bán gà thịt đã mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng, trừ chi phí còn thực lãi khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, tiền bán gà giống cũng đem lại cho gia đình khoản lợi nhuận đáng kể, khoảng 90- 100 triệu đồng/ năm.

 

Một điển hình làm trang trại khác ở Quỳnh Phụ là cựu chiến binh Vũ Đức Sành (xã Quỳnh Ngọc). Dù đã gần bước sang cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông Sành vẫn mạnh dạn đứng ra đấu thầu 18 mẫu ruộng thấp trũng cấy lúa năng suất thấp của xã để đầu tư làm trang trại tổng hợp. Trên diện tích đất thuê, ông dành ra 8,5 mẫu đào ao nuôi cá thịt, 1 mẫu nuôi cá giống và 8,5 mẫu còn lại để trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Riêng khu chuồng trại được đầu tư xây dựng trên diện tích 600 m2 gồm 500 m2 nuôi lợn thịt và 100m2 nuôi gà thịt. Trung bình, mỗi lứa trang trại của ông nuôi khoảng 20 lợn nái, 200 lợn thịt và 2.000- 3.000 con gà các loại, chưa kể cá. Năm 2010, gia đình ông Sành sản xuất và cung cấp cho thị trường gần 80 tấn thịt lợn hơi, 20 tấn cá thịt, 15 tấn gia cầm. Nếu tính thêm cả khu vườn cây ăn quả thì tổng doanh thu của gia đình ông năm vừa qua đạt gần 5 tỷ đồng; trừ chi phí còn thực lãi hơn 350 triệu đồng. Ông Sành cho biết, năm 2011 này giá lợn thịt tăng mạnh nên khả năng lợn nhuận có thể đạt gần 500 triệu đồng...

 

Gần đây, do lĩnh vực chăn nuôi có nhiều rủi ro nên để bảo đảm lợi nhuận, nhiều chủ trang trại ở Quỳnh Phụ đã chọn cách chăn nuôi tổng hợp để chia sẻ và hạn chế rủi ro; khép kín quy trình sản xuất để chủ động nguồn giống và giảm chi phí đầu vào.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

 

 

  • Từ khóa