Thứ 2, 29/07/2024, 17:20[GMT+7]

Tân Hòa Điểm sáng vụ đông

Thứ 4, 19/10/2011 | 13:50:49
1,873 lượt xem
Tân Hòa - điểm sáng của huyện Vũ Thư về thâm canh 3 vụ lúa màu. Giá trị sản xuất vụ đông đạt trên dưới 10 tỷ đồng/năm. Nhóm cây có giá trị cao như khoai tây, dưa chuột, ngô nếp được đưa vào luân canh, đạt trên 30 triệu đồng/ha, đưa giá trị thu nhập 1 ha canh tác đạt 75 - 80 triệu đồng/năm. Nơi đây là vùng trồng khoai tây hàng hóa lớn nhất của huyện.

Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Văn Toanh kiểm tra khoai tây giống xuất kho.

Chúng tôi về Tân Hòa đầu tháng 10/2011. Cơn mưa phùn dai dẳng kéo dài hàng tuần kèm theo gió đông bấc đầu mùa lạnh lẽo, nhưng người dân vẫn không quản ngại, xe máy, xe đạp, xe thồ, hồ hởi, tấp nập đến kho lạnh của HTX dịch vụ nông nghiệp nhận khoai tây giống, chuẩn bị bước vào vụ đông.

 

Tân Hòa - điểm sáng của huyện Vũ Thư về thâm canh 3 vụ lúa màu. Giá trị sản xuất vụ đông đạt trên dưới 10 tỷ đồng/năm. Nhóm cây có giá trị cao như khoai tây, dưa chuột, ngô nếp được đưa vào luân canh, đạt trên 30 triệu đồng/ha, đưa giá trị thu nhập 1 ha canh tác đạt 75 - 80 triệu đồng/năm. Nơi đây là vùng trồng khoai tây hàng hóa lớn nhất của huyện. Sau Tết Nguyên đán, ai về Tân Hòa sẽ chứng kiến cảnh “ba tháng trồng cây, một ngày hái quả”, đồng làng đông như hội. Xe ô tô nối đuôi nhau từ Bắc Ninh và phía Namon> ra chờ mua hàng.

 

Nhu cầu thị trường chế biến nguyên liệu làm thức ăn tăng nhanh khiến giá trị khoai tây tăng lên. Thương lái mang bao bì, mang tiền về đặt trước, ra tận ruộng trực tiếp khuân vác khoai đem đi cân. Không gì vui hơn người nông dân thời điểm thu hoạch sản phẩm. Những hộ gia đình trồng 7-8 sào khoai tây, thu 20-30 triệu đồng khá phổ biến ở các thôn như ông Hồng (Nam Bi) trồng 8 sào thu trên 30 triệu đồng, anh Nhu (Nhật Tân) thu trên 20 triệu đồng.

 

Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Văn Toanh khẳng định: Không có sản phẩm vụ đông nào tiêu thụ dễ như khoai tây, chỉ không có đủ lượng bán. Tân Hòa có quỹ đất cát pha, đất thịt nhẹ thích hợp nhiều cây màu. Từ khi xã tham gia dự án Việt - Đức, nhiều năm được Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông tỉnh và một số đơn vị đưa trên chục giống khoai tây mới về khảo nghiệm. Người dân được tiếp thu khoa học kỹ thuật, tích lũy ngày càng phong phú kinh nghiệm sản xuất. HTX tập huấn kỹ thuật đến từng hộ, từng thôn, từng vụ nên bây giờ hộ nào cũng ‘’thuộc’’ cách làm đất, ủ phân chuồng, chăm bón, đến chọn củ để giống sao cho sau hơn 8 tháng bảo quản hao hụt thấp nhất.

    

Theo bác Toanh: Khoai tây dễ tính, không đòi hỏi khắt khe về thời vụ như các giống cây ưa ấm. Thời vụ rộng dài, lại ít bị sâu bệnh, hầu như không phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật trừ những vụ có gió đông, sương mù mới phải phun sun phát đồng trừ bệnh sương mai. Mỗi sào khoai cần 8 -10 công lao động. Cái khó là chi phí ban đầu cao, mỗi sào hết 1 -1,2 triệu đồng. Tháo gỡ vấn đề này, HTX xây dựng 2 kho lạnh, công suất 70 tấn, ngoài ra có 1 kho lạnh của tư nhân. Mỗi kg khoai giống bảo quản trong kho, HTX chỉ thu 1.300 đồng trong suốt 8 tháng.

    

Vụ đông năm nay, Tân Hòa thực hiện kế họach huyện giao gieo trồng 325 ha, gồm: khoai tây 140 ha, ngô đông 70 ha, đậu tương 20 ha, mướp đắng, dưa chuột 18 ha, 55-60 ha rau màu các loại. Từ 10/10/2011 bắt đầu thu họach lúa mùa để khẩn trương giải phóng quỹ đất làm vụ đông. Bác Toanh cho biết: Tổng số giống  khoai tây cần 154 tấn, địa phương có 130 tấn bảo quản tại 3 kho lạnh và gửi các xã bên, Trung tâm tư vấn KHKT hỗ trợ 3,5 tấn khoai tây nhân giống, trường Đại học nông nghiệp 1 khảo nghiệm 6 tấn khoai giống mới KT2, còn thiếu HTX hướng dẫn xã viên chọn củ to, nhiều mầm, đem tách bổ đôi. Cây ngô đã được gieo trồng 50 ha vùng bãi.

 

Năm nay huyện hỗ trợ 50% giá giống ngô, HTX đưa vào trồng 20 ha đất 2 lúa giống mới MX6, MX10. Ngoài ra, Tân Hòa được huyện cấp 8 tạ dây khoai lang Hoàng Long, giao cho một số gia đình ương gơ. HTX chuẩn bị phục vụ theo nhu cầu nhân dân đăng ký mua hoặc trả chậm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khâu bảo vệ đồng ruộng và dẫn nước tưới HTX vẫn bao cấp cho xã viên như mọi năm.

    

Vừa qua, Tân Hòa  được huyện chọn thí điểm đưa cây củ đậu vào sản xuất diện tích 3 ha, 20 hộ thực hiện. Huyện cấp không hoàn lại mỗi sào 900 ngàn đồng mua hạt giống. HTX đã đưa 12/20 hộ sang Cẩm La (Kim Thành, Hải Dương) thăm quan, học tập kinh nghiệm. Ưu điểm lớn của cây củ đậu là chăm bón đơn giản, không bị sâu bệnh, chi phí phân bón 250 ngàn đồng/sào. Nếu nắng nhiều, được mùa, năng suất củ đậu đạt 3 tấn/sào, cho thu nhập 15-18 triệu đồng, gấp 2-2,5 lần trồng 2 vụ ngô và khoai tây mà vẫn còn quỹ thời gian trồng thêm 1 vụ khoai tây để nhân giống cho vụ đông năm sau. Mô hình củ đậu thành công mở ra hướng sản xuất mới cho 54 ha đất màu của Tân Hòa. Tuy nhiên năm đầu đưa vào trồng gặp thời tiết bất thuận, những cơn mưa tiếp nối làm xót đất, xót lòng hộ sản xuất...

    

Tân Hòa đang khẩn trương chuẩn bị mọi mặt bước vào thời điểm bận rộn nhất trong năm: Thu lúa, trồng vụ đông, đồng thời khẩn trương hoàn thành dồn điền đổi thửa. Phấn đấu vụ xuân 2012, nhân dân canh tác trên phần ruộng mới được dồn đổi. Sau khi mời cán bộ các thôn lên xã thống nhất một số việc, ngày 12/10, các thôn tổ chức phóng tuyến cắm mốc lộ giới giao thông, thủy lợi nội đồng để bà con chừa phấn đất đó ra khi sản xuất vụ đông.

 

Bài, ảnh: Thu Hương

 

 

 

 

  • Từ khóa