Thứ 2, 29/07/2024, 17:23[GMT+7]

Phong trào trồng cây vụ đông của Hội Phụ nữ xã Đông Xá (Đông Hưng)

Thứ 5, 03/11/2011 | 08:12:19
4,308 lượt xem
Hội Phụ nữ xã Đông Xá (Đông Hưng) từ lâu đã nổi tiếng về phong trào trồng cây vụ đông. Ngoài phát triển ngành nghề phụ, buôn bán dịch vụ tại nhà, các hội viên còn tích cực gieo trồng cây vụ đông với diện tích ngày càng lớn. Những năm gần đây, khi các loại rau, củ, quả ngày càng "được giá" thì các hội viên đã coi vụ đông là vụ sản xuất chính, đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Hội viên Phạm Thị Chín thôn Đông Bình Cách chăm sóc cây bí xanh

Trao đổi với lãnh đạo Hội Phụ nữ xã, chúng tôi được biết nhiều năm nay Hội đã tổ chức, triển khai tốt mô hình trồng cây vụ đông trên đất hai lúa, trong đó chủ lực là cây bí đao. Hội đã chọn thôn Đông Bình Cách làm điểm, bởi nơi đây có chất đất phù hợp cho việc gieo trồng cây bí xanh. Năm ngoái, các hội viên đã trồng được 100 mẫu bí sớm, nhưng năm nay do lúa chín muộn hơn so với mọi năm từ 10-15 ngày nên việc trồng bí cũng bị muộn lại.

 

Đến nay, riêng vùng trồng bí xanh thôn Đông Bình Cách đã trồng được trên 70 mẫu của 136 hội viên (chiếm 70% số hội viên). Do hiệu quả kinh tế đạt cao (hộ nào trồng ít cũng được năm, bảy triệu đồng, đa số các hộ thu lãi trên chục triệu và có cả những hộ đạt trên 20 triệu đồng); vì thế các hội viên đã thi nhau mượn ruộng để trồng bí. Hiện tại, thôn Đông Bình Cách có khoảng 30 hộ mượn ruộng để trồng bí. Hầu hết các hội viên có diện tích gieo trồng từ 5-7 sào và có hàng chục hộ gieo trồng tới trên 1 mẫu, điển hình như chị Nguyễn Thị Luyến, Phạm Thị Chiên, Phạm Thị Thắm, Phạm Thị Xim. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng thôn Đông Bình Cách, trải dài ngút tầm mắt là những dãy bí xanh non mơn mởn đang xòe lá, đua mầm, lấp ló những bông hoa đầu tiên.

 

Không khí làm đồng, chăm sóc cây vụ đông ở nơi đây thật nhộn nhịp, cả cánh đồng rộn rã tiếng cười nói của những người cắt lúa, chăm bí, nhặt cỏ, tưới rau, phun thuốc trừ sâu... Ngày nào họ cũng có mặt ở ngoài đồng, nâng niu từng mầm, từng quả bí để chúng đạt tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường. ở ngay thửa ruộng đầu tiên chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Năm hồ hởi cho biết: năm nào nhà chị cũng trồng vài sào bí, năm trước khi mưa bão gây ngập lụt, nhà chị giữ được ruộng bí đã thắng lớn. Đợt đó, ngày nào chị cũng ra đồng hái lưng bao bí, mua bán trao đổi trong vòng nửa tiếng đồng hồ chị đã có trong tay mấy trăm nghìn đồng. Giá bí đợt đó đắt vì thế chỉ cần ở cánh đồng, những thương lái đến tận ruộng mua mỗi nhà vài chục cân rồi đem đi các chợ ở thành phố, thị trấn bán.

 

Năm ngoái chị trồng có vài rạch bí cũng thu được mấy triệu đồng. Thấy thị trường rau xanh năm nay đắt, ngay từ đầu vụ chị đã trồng 5 sào. Mặc dù chấp nhận chịu thiệt khoảng 30kg thóc non nhưng chị vẫn gặt trước những rạch để trồng bí, sau đó đợi khi lúa chín chị mới tiếp tục gặt hết diện tích còn lại. Hay hội viên Phạm Thị Chín, mặc dù bận mải do vừa buôn bán ở chợ vừa buôn bán đồng nát, nhưng chị vẫn được đánh giá là hội viên tích cực trồng cây vụ đông. Chị là hội viên trồng bí sớm nhất vùng, năm nào chị cũng trồng 5 -7 sào. Năm ngoái bị coi là mất mùa do úng nước, tuy nhiên so với cấy lúa thì thu nhập từ bí đã cao gấp trên 2 lần.

 

Ngoài cánh đồng làm điểm ở thôn Đông Bình Cách, các hội viên ở thôn khác cũng hăng hái trồng mỗi nhà vài sào bí, đưa tổng diện tích của toàn xã lên trên 100 mẫu. Ngoài ra, các hội viên còn trồng các cây rau màu vụ đông khác như, su hào, bắp cải, súp lơ, khoai  tây. Điển hình nhất là thôn Tân Tích. Mấy chục năm nay, thôn đã có vùng chuyên canh trồng cây rau màu. Hàng năm, thôn duy trì trồng từ 20-30 mẫu với mức thu nhập đạt ngày càng cao, như xúp lơ xanh có thời điểm ở ngay tại các chợ quê đã bán được giá 10.000 đồng/cây. Kết quả đó không những nâng cao đời sống gia đình hội viên mà còn góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của địa phương, tăng tỷ lệ hộ khá, giảm hộ nghèo.

 

Có được kết quả trên, hàng năm Hội Phụ nữ xã đã kết hợp với HTXDVNN và Hội Nông dân tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hội viên. Hướng dẫn hội viên trồng vào thời điểm đầu mùa để đem lại thu nhập cao, đồng thời phổ biến cách chăm sóc để cây ra hoa, tạo quả đạt tỷ lệ cao và cách phun thuốc trừ sâu hiệu quả, an toàn. Điển hình như cây bí, các hội viên được phổ biến tra hạt vào bầu từ đầu tháng 8, sau đó tưới đạm từ 1-2 lần và phun thuốc trừ sâu theo sự chỉ dẫn của HTX. Đặc biệt là cách chăm sóc để cây bí ra quả nhiều lần, cách tỉa cành để quả to, đều, không bị cong, vẹo. Vì thế, số lượng bí đạt tiêu chuẩn xuất bán đi các nơi thường đạt gần 100%.

 

Ngoài ra, Hội còn kết hợp với HTX hàng năm cung ứng giống và lo đầu ra về bí xanh cho hội viên. Để phong trào trồng cây vụ đông của Hội ngày càng phát triển, ngòai cơ chế khen thưởng của UBND xã cho những tập thể, cá nhân có diện tích gieo trồng nhiều, Hội Phụ nữ xã còn đề cao tinh thần gương mẫu của cán bộ hội, ít nhất trồng 2 sào/ hộ góp phần nhân rộng mô hình trồng cây vụ đông ra toàn xã.

                                                            Bài, ảnh: Thu Thủy

 

  • Từ khóa