Thứ 2, 29/07/2024, 15:16[GMT+7]

Sản xuất vụ xuân năm 2012 Chuyển đổi cơ cấu giống - yếu tố quan trọng để giành thắng lợi

Thứ 5, 01/12/2011 | 09:09:55
2,414 lượt xem
Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, gieo cấy 100% diện tích bằng các giống lúa ngắn ngày để chủ động trong mọi loại hình thời tiết và thâm canh dành năng suất cao, tăng sản lượng là yêu cầu đặt ra ở vụ lúa xuân năm 2012.

Ngoài các giống lúa thuần chất lượng cao, tỉnh vẫn bố trí chủ lực hai giống lúa thuần năng suất cao (chiếm 50%) để làm điểm nhấn về năng suất cho vụ xuân, gồm BC15 và TBR1.

Toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 82.300 ha trở lên, trong đó lúa thuần chất lượng cao chiếm 30% diện tích, lúa thuần năng suất cao 50% và lúa lai 20%; năng suất dự kiến 71,5 tạ/ ha, tổng sản lượng 589 nghìn tấn trở lên.

 

Mặc dù sản xuất vụ xuân năm 2011 được mùa lớn, nhưng để lại những bài học về không tuân thủ gieo cấy đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống vẫn còn đó. Cụ thể, nông dân gieo sớm hơn 700 ha mạ, khi gặp rét đậm, rét hại đã dẫn đến chết 400 ha, số mạ còn lại sức sống yếu không bảo đảm yêu cầu để cấy. Nguyên nhân do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa sát sao, quyết liệt nên  để nông dân gieo cấy tuỳ tiện, không theo chủ trương, mục tiêu của đề án về cơ cấu giống, lịch thời vụ.

 

Thực tế hiện nay biến đổi khí hậu toàn cầu đã dẫn đến thời tiết diễn biến thất thường, không tuân thủ theo quy luật trước đây nên rất khó lường và nó đang gây nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất là yêu cầu tất yếu, đòi hỏi các hộ nông dân phải nâng cao nhận thức để áp dụng vào thực tiễn, theo chủ trương, biên pháp của tỉnh đã đề ra.

 

Vụ lúa xuân 2012, ngoài các giống lúa theo cơ cấu đã xây dựng, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân mở rộng các tổ hợp lúa lai năng suất cao, chất lượng tốt nhằm phát huy ưu thế chống chịu thời tiết, sâu bệnh của những giống này. Bên cạnh đó còn khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích gieo thẳng, gieo sạ hàng cải tiến, gieo cấy hàng rộng - hàng hẹp và tăng cường đưa cơ giới hoá vào các khâu sản xuất để giảm chi phí đầu vào, bảo đảm thời vụ trong điều kiện thiếu lao động.

 

Trong các giống được đưa vào cơ cấu ở vụ xuân tới, có nhiều giống mới đã qua khảo nghiệm và đưa vào gieo cấy đại trà, như giống lúa nếp ĐT52 sản phẩm của Công ty giống cây trồng Đông Triều (Quảng Ninh), đã cấy trên đồng đất Thái Bình từ năm 2009. Qua khảo nghiệm 2 năm cho thấy ĐT52 có nhiều đặc tính tốt, thời gian sinh trưởng ở vụ xuân khoảng 128- 130 ngày, dạng cây gọn, đẻ nhánh khá, lá xanh, bông dài, hạt xếp gối, màu sáng, tỷ lệ lép thấp, chống đổ khá, nhiễm nhẹ bạc lá, khô vằn, rầy nâu, đạo ôn; năng suất trung bình 65- 70 tạ/ ha, thâm canh có thể đạt 70 - 75 tạ/ ha. Hay như giống lúa VS1 do Viện di truyền nông nghiệp Việt Namon> chọn tạo có dạng hình gọn khóm, thấp cây, bông to trung bình, hạt thon dài, gạo trắng trong, cơm mềm, thơm nhẹ. VS1 còn có khả năng chống chịu sâu bệnh cao hơn một số giống lúa chất lượng hiện nay, nhất là năng suất cao hơn Bắc thơm 7 trên 10%.

 

Ngoài các giống lúa thuần chất lượng cao, tỉnh vẫn bố trí chủ lực hai giống lúa thuần năng suất cao (chiếm 50%) để làm điểm nhấn về năng suất cho vụ xuân, gồm BC15 và TBR1. Cả hai đều là sản phẩm của Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình đã đưa vào đồng ruộng trên địa bàn toàn tỉnh trong nhiều năm qua; nhiều nơi thâm canh tốt đã cho năng suất trên 80 tạ/ ha...

 

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp gieo cấy cải tiến, phấn đấu vụ xuân có trên 20 nghìn ha lúa gieo thẳng góp phần giải quyết vấn đề thiếu lao động, giảm chi phí đầu vào và tăng năng suất so với cấy truyền thống từ 9 - 12%. Sử dụng phân bón và cách thức chăm sóc cũng là yếu tố khá quan trọng để tạo nên vụ lúa bội thu, do đó ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con chỉ nên dùng phân NPK chuyên lót, chuyên thúc, đồng thời bón phân vi sinh chủng đa năng, loại bỏ bón đạm đơn.

 

Để bà con nông dân thực hiện theo các nội dung trên, hướng tới một vụ xuân thắng lợi toàn diện, nhất thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống đến cơ sở. Cán bộ kỹ thuật cần được tăng cường xuống cơ sở để tuyên truyền về cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình canh tác, vùng gieo mạ, vùng gieo thẳng, vùng lúa chất lượng cao làm hàng hoá...giúp nông dân hiểu và thực hiện đúng chủ trương sản xuất của tỉnh, huyện, thành phố. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để ngăn chặn, xử lý những đơn vị, cá nhân kinh doanh mặt hàng này không nằm trong danh mục cho phép, nhằm tránh thiệt hại cho bà con nông dân.

 

Để động viên, khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất, tạo ra các vùng lúa hàng hoá chất lượng cao, gieo cấy kịp thời vụ và gắn kết mùa vụ, UBND tỉnh tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, công cụ sạ hàng cải tiến, thiết bị sấy nông sản, thuốc diệt chuột bảo vệ sản xuất, giống lúa Koshi, ĐS1, Akita (lúa Nhật) và phân bón cho vùng sản xuất tập trung...

 

Theo Đề án sản xuất vụ xuân, hè năm 2012 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, lúa cấy bằng giống BC15 thời gian gieo mạ trên nền đất cứng có che phủ nilon trắng từ 25 – 31/1/2012; các giống TBR1, QR1, VS1... gieo mạ từ 1 – 10/2; cấy khi mạ được 2,5 – 3 lá, cấy kết thúc trước ngày 25/2/2012. Đối với lúa gieo thẳng BC15 bắt đầu từ 10 – 15/2; các giống khác từ 15 – 20/2; gieo kết thúc trước ngày 21/2/2012. Cơ cấy giống, lịch thời vụ đã được triển khai đến các huyện, thành phố. Thời gian còn khá dài để các địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị giống, vật tư... phục vụ tốt cho bà con nông dân gieo cấy theo đúng kế hoạch của tỉnh đã đề ra.

 

            Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa