Thứ 2, 29/07/2024, 15:30[GMT+7]

Làm giầu từ trang trại tổng hợp

Thứ 3, 06/12/2011 | 08:59:39
2,643 lượt xem
An Khoái là một trong những thôn có phong trào phát triển chăn nuôi mạnh nhất xã Quỳnh Sơn (Quỳnh Phụ). Nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung theo mô hình gia trại, trang trại. Mặc dù chi phí ban đầu cao nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thường vượt trội so với chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống. Một số hộ dân nhờ phát triển kinh tế trang trại đã cải thiện được thu nhập, vươn lên làm giầu trên chính quê hương mình. Điển hình phải kể tới gia đình

Theo chân anh Nguyễn Văn Bài - Chủ nhiệm HTX DVNN Quỳnh Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Sơn vào một ngày trời mưa khá nặng hạt. Do không hẹn trước nên vợ chồng anh Sơn vẫn đang làm những công việc thường ngày, đó là vệ sinh chuồng trại cho đàn lợn, bù thêm nước và thức ăn cho đàn gà. Hầu hết thời gian trong ngày vợ chồng anh đều cặm cụi với những công việc không tên ở khu chuồng trại, cả tại nhà và khu chuyển đổi.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Sơn cho biết, do tuổi không còn trẻ lại không có nghề nghiệp chuyên môn gì nên anh và vợ bàn nhau nỗ lực thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2004, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, vợ chồng anh đã mạnh dạn dồn đổi ruộng, đầu tư vốn chuyển đổi hơn 5.000m2 diện tích thấp trũng cấy lúa kém hiệu qua sang làm trang trại. Trên vùng chuyển đổi, anh dành ra hơn 1 mẫu để đào ao nuôi thả cá. Diện tích còn lại dành để xây dựng 360m2 chuồng trại chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt; khu ven bờ anh tận dụng trồng cỏ voi để làm thức ăn cho cá và chăn nuôi bò thương phẩm, đồng thời trồng thêm một số gốc hoè và làm chuồng nuôi thêm vài cặp nhím sinh sản. Tổng số tiền mà vợ chồng anh Sơn đầu tư cho xây dựng trang trại lên tới hơn 500 triệu đồng.

 

Với diện tích chuồng trại hiện có, vợ chồng anh thường xuyên nuôi 16 con lợn nái, gần 30 chục con lợn thịt và 2 đàn lợn con. Lúc cao điểm đàn lợn thương phẩm trong chuồng lên tới 150 con. Nhờ sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp nên sau khoảng 4 tháng chăm nuôi là có thể xuất bán 1 lứa với trọng lượng trung bình lúc bán khoảng 70- 80kg/ con. Do chọn nuôi theo kiểu gối lứa nên tính ra mỗi tháng gia đình anh xuất bán 1 lứa với khoảng 1 tấn thịt lợn hơi. Trước đây trừ chi phí mỗi tấn thịt lợn hơi xuất chuồng cho lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng, nhưng gần đây giá tăng cao nên lợi thuận cũng tăng theo.

 

Hiện tại, gia đình anh đã đầu tư nhập về 11 con nái ngoại siêu nạc để thay thế cho đàn lợn nái truyền thống nhằm tăng thêm lợi thuận. Nếu giá lợn hơi tăng giảm thất thường thì giá cá thương phẩm lại khá ổn định, ít rủi ro, với hơn 1 mẫu ao, mỗi năm vợ chồng anh thu 2 lứa, mỗi lứa khoảng 1 tấn cá thịt, thu về hàng chục triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản thu khác từ cây ăn quả, hoè, nhím, bò thương phẩm...

 

Không chỉ đầu tư phát triển chăn nuôi trên vùng đất chuyển đổi, vợ chồng anh Nguyễn Quý Sơn còn tận dụng quỹ đất trống ngay tại nhà để xây chuồng trại chăn nuôi lợn thịt và gột gà giống cung cấp cho các hộ chăn nuôi khác. Trung bình mỗi lứa anh nuôi từ 5.000- 7.000 con gà mới nở, sau khoảng 20 ngày thì xuất bán. Tính ra mỗi năm gia đình anh Sơn cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn con gà giống các loại.

 

Gần đây chăn nuôi thường xuyên gặp dịch bệnh, giá giống và thức ăn tăng liên tục vì vậy kinh nghiệm của anh Sơn là phải chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêm phòng vắc- xin đúng định kỳ, khép kín quy trình sản xuất để chủ động nguồn giống, kết hợp thức ăn tại chỗ để giảm chi phí đầu vào... Đặc biệt người làm trang trại phải coi chăn nuôi là một nghề, mà đã là nghề thì phải gắn bó, phải dồn tâm sức cho nó, dù khó khăn, dù gặp thất bại cũng không được nản chí. Có như vậy nghề mới không phụ công người. Ví như gia đình anh, làm chăn nuôi có lúc gặp dịch, lợn chết cả đàn, gà cũng vậy nhưng nhìn tổng thể và lâu dài thì chăn nuôi vẫn có lãi, thậm chí có thể làm giầu được. Mặc dù quy mô chưa thật lớn nhưng mỗi năm trang trại tổng hợp cũng mang lại cho gia đình anh khoản lợi thuận lên tới cả trăm triệu đồng. Đây là khoản thu nhập không nhỏ với một hộ dân ở thôn quê.

 

Theo anh Sơn, để chăn nuôi trang trại phát triển bền vững, tới đây các ngành chức năng cần xem xét hạ lãi suất ngân hàng, đồng thời trực tiếp hỗ trợ vắc- xin phòng dịch và hoá chất tẩy trùng cho các chủ trang trại dựa theo số lượng vật nuôi thực tế tại thời điểm hỗ trợ để họ chủ động trong công tác phòng chống dịch.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa