Thứ 2, 29/07/2024, 15:21[GMT+7]

Cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả Lực lượng mỏng, chế tài chưa đủ mạnh

Thứ 3, 13/12/2011 | 14:03:45
2,068 lượt xem
Những năm gần đây, tình hình KT- XH của Thái Bình có bước phát triển khá nhanh và toàn diện, thu nhập của người dân từng bước được nâng cao kéo theo nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng về quy mô, đa dạng về chủng loại. Cùng với sự phát triển của thị trường hàng hoá thì tình trạng gian lận thương hại, buôn bán hàng lậu, hàng giả cũng phát sinh và diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến cả đơn vị sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng.

Hiện tại trên địa bàn Thái Bình có khoảng 3.000 doanh nghiệp gồm cả sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Quy mô thị trường tăng mạnh cả về bán lẻ và xuất- nhập khẩu. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2011 ước đạt gần 18.000 tỷ đồng. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2011 ước đạt xấp xỉ 555 triệu USD.

 

Để bảo vệ các doanh nghiệp và thị trường trong tỉnh, thời gian qua các lực lượng chức năng, mà nòng cốt là Quản lý thị trường (QLTT) và Công an đã vào cuộc tích cực, thực thi đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, từng bước đẩy lùi hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hoá như quy chế ghi nhãn mác, pháp lệnh giá, kinh doanh có điều kiện nhằm nâng cao ý thức của cả người bán và người tiêu dùng khi mua bán, trao đổi hàng hoá. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của tỉnh bảo đảm hoạt động theo quy chế và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Duy trì hoạt động phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường.

 

Chỉ trong 3 năm (2008- 2010), các lực lượng liên ngành đã thành lập 25 đoàn, tổ chức kiểm tra hơn 1.000 cơ sở kinh doanh, phát hiện và xử lý gần 600 trường hợp vi phạm. Xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm như vật tư nông nghiệp, VLXD, đồ chơi trẻ em, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, vệ sinh an toàn thực phẩm... Thời gian kiểm tra cũng tập trung vào các thời điểm nhạy cảm, dễ phát sinh gian lận thương mại như Tết Nguyên đán, Tết trung thu, khai giảng năm học mới, đầu các vụ sản xuất... Đặc biệt lực lượng QLTT chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng khác thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ năm 2001 đến nay, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 74.802 vụ, phát hiện và xử lý 18.143 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 59,78 tỷ đồng...

 

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình thị trường vẫn chưa ổn định vững chắc, nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn diễn ra khá thường xuyên, phổ biến và tính chất phức tạp. Nguyên nhân một phần do công tác kiểm tra, kiểm soát còn mang tính bề nổi, thiếu chủ động và chưa có chiều sâu. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa chặt chẽ, dẫn tới hiệu quả không cao. Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị và người dân về tầm quan trọng của công tác đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại chưa đầy đủ dẫn tới việc phó mặc trách nhiệm cho ngành chức năng, thói quen mua bán dễ dãi, ít hiểu biết các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá...

 

Tuy nhiên, nguyên nhân chính của việc hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại chưa được kiểm soát triệt để trước hết là do lực lượng chuyên ngành vừa mỏng, vừa không được trang bị đầy đủ phương tiện, máy móc để tác nghiệp. Ví như lực lượng QLTT, mặc dù phải phụ trách địa bàn huyện rộng với từ 30- 40 xã, thị trấn nhưng mỗi đội chỉ được bố trí từ 5- 7 người, tính ra mỗi cán bộ QLTT phải phụ trách địa bàn của mấy xã. Kế đến là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe, giáo dục dẫn tới hiện tượng “nhờn thuốc”, coi thường pháp luật, chấp nhận nộp phạt sau đó lại vi phạm.

 

Để khắc phục tình trạng trên, tới đây Ban chỉ đạo đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại của tỉnh cần hoàn thiện quy chế phối hợp hoạt động giữa các ngành chức năng theo hướng chặt chẽ và hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống địa bàn như hiện nay. Tập trung kiểm tra đối với những mặt hàng, lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm dễ phát sinh gian lận và ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu dùng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật, hướng dẫn tiêu dùng nhằm nâng cao khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng. Tăng nguồn kinh phí phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, kết hợp bổ sung, kiện toàn cả về tổ chức, nhân lực và cơ sở vật chất cho các lực lượng chuyên ngành. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các văn bản pháp luật bảo đảm đồng bộ và đủ mạnh để trấn áp, răn đe các đối tượng vi phạm.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

 

  • Từ khóa