Thứ 2, 29/07/2024, 15:21[GMT+7]

Kinh nghiệm dồn điền ở Thụy Văn

Thứ 2, 19/12/2011 | 16:30:01
186 lượt xem
Nông nghiệp của Thuỵ Văn độc canh cây lúa, chưa có vùng sản xuất lớn, đồng đất bị chia cắt bởi nhiều ô lẻ, chưa có vùng chuyên canh nên nhìn chung, chủ trương dồn điền đổi thửa của Đảng và Nhà nước là phù hợp với tâm lý đi lên của số đông người lao động.

Dồn điền đổi thửa khoa học sẽ góp phần cho những vụ mùa bội thu.

Xã Thuỵ Văn, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình là một xã thuần nông, có diện tích tự nhiên 497 ha dân số 6.092 người, trong đó có 2937 lao động trong độ tuổi làm ra của cải vật chất. Trung bình một lao động phải nuôi sống 2,1 người và góp công góp của xây dựng nông thôn mới ở một vùng có mật độ dân số khá cao: 1.220 người trên1km2.

Đồng đất Thuỵ Văn tương đối bằng phẳng,diện tích cấy hai vụ lúa và chen canh màu chiếm tỷ trọng 69% tổng diện tích đất tự nhiên,nuôi trồng thuỷ sản5% và phí nông nghiệp là 26%. Tuy chủ yếu sống bằng nghề nông, nhưng cơ cấu kinh tế về sản xuất nông nhiệp chiếm 36,22%; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp 33,85%; thương mại dịch vụ 29,93%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm (2005-2010) từ 12,9 đến 13,5%. Đảng bộ Thuỵ Văn đã quyết tâm lãnh đạo toàn dân thực hiện dồn điền đổi thửa xong trong năm 2011. Như vậy, tuy Thuỵ Văn không phải là xã điểm của huyện, nhưng sẽ nằm trong 30% số xã trong tỉnh hoàn thành dồn điền đổi thửa ngay năm 2011.

Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa (DĐĐT) Thuỵ Văn đã đưa ra 2 phương án để nhân dân bàn:

Phương án 1: giữ nguyên mốc phân định ranh giới và số lượng diện tích canh tác của từng thôn đã được hoạch định sau DĐĐT năm 1995-1996 và bổ sung khẩu 948 năm 2002. Nếu thôn nào thừa diện tích thì phải trả ra, thiếu được lấy bù ngay trên cánh đồng liền kề cánh đồng thôn mình của những thôn khác. Chẳng hạn, thôn 3 An Định, hiện tại thừa ra 5.000m2, nhưng do phải trả ra 28.800m2 ở “Tổ Giống” giáp với cánh đồng thôn 1 An Định cho thôn 1 An Định nên sẽ bị thiếu 23.800m2(28.800-5.000) thì được lấy ở cánh đồng phía tây “Đồng Lương”của thôn 2 An Định là cánh đồng giáp với cánh đồng thôn mình. Thế thì, thôn 2 An Định lại bị thiếu và cũng được lấy đủ diện tích ở những cánh đồng của những thôn khác giáp với thôn 2. Cứ thế và cứ thế cho đến khi thôn nào cũng đủ diện tích cho khẩu 652 và khẩu 948 của thôn mình.

Phương án 2:  bình lại hạng đất và chia lại rồi mới làm các bước như phương án 1. Phương án này không khả thi vì mới cách đây trên 10 năm (1995-1996) toàn xã đã làm rất kỹ rồi, hạng đất đã được kiểm nghiệm qua những năm canh tác nên khi đưa xuống dân, dân đã nhất trí chọn phương án 1. Bây giờ chỉ việc xoá sự manh mún trên cánh đồng bằng cách theo bản qui hoạch của một nền sản xuất lớn đã được duyệt rồi cho dân bốc số. Bản qui hoạch ấy sẽ tạo ra những thửa ruộng rộng…100 m, dài “tít tắp” theo từng khoảnh đồng, hai bên là những đường đủ rộng cho cơ giới xuống đồng và dưới đường ấy là máng cứng vừa tưới vừa tiêu sẽ “nhất cử lưỡng tiện”cho thâm canh sau này…

Để có mặt bằng làm đường khuyến nông, làm bờ vùng và tưói tiêu, mỗi khẩu 652 phải góp 26m2 đất. Trước khi bốc số, từng thôn phải được nhân dân nhất trí cao về tỷ lệ hạng đất, cách xử lý những thửa ruộng đã bị từng gia đình phá vỡ mặt bằng canh tác trước đây, số đất thừa ra hoặc thiếu hụt của mỗi vùng khi nhận ruộng trên thực địa. Nhân dân đã hiến kế cách giải quyết 3 khó khăn ấy như sau:

1/ Xã thống nhất cho các thôn,thôn nào cũng  chỉ có 3 hạng đất (tốt, trung bình, xấu), nhưng tỷ lệ ở các thôn có thể khác nhau và lấy đất xấu làm mốc cho tốt và trung bình. Nghĩa là đất xấu dược 100% diện tích thì đất tốt chỉ được khoảng 85% và đất trung bình cũng chỉ được khoảng 95% diện tích trên thực địa. Cứ tỷ lệ ấy mà nhân cho từng hộ. Tuy có 3 hạng đất, nhưng để mỗi hộ (trừ hộ có từ 1-2 khẩu được ưu tiên nhận 1 thửa đất tốt hoặc trung bình) tối đa chỉ có 2 thửa nên chỉ có 2 loại số. Đất tốt 1 màu số, đất trung bình và xấu 1 màu số.

Giả sử hộ ông X được 500m2 đất loaị A và 200m2 đất loại B+C thì trên thực địa ông X chỉ được (500m2 x85%) đất loại A, còn 200m2 đất loại B+C mà ông bốc được phiếu ở đất loại B thì ông được(200m2x90%) đất loại B, nhưng ông lại bốc được đất loại C thì số diện tích ấy sẽ được (200m2x100%) đất loại C.

2/Cách giải quyết những thửa ruộng bị phá vỡ mặt bằng canh tác. Giả sử gia đình ông Y trước đây đã phá vỡ mặt bằng canh tác ở một khoảnh đồng nào đó, nếu bắt ông ấy phải nhận khoảnh ruộng ấy thì lại gây ra sự manh mún trên đồng ruộng nên toàn dân đã nhất trí là sẽ phạt ông Y bằng cách khấu trừ một số diện tích của ông Y bù cho ông Z là người bốc phải ruộng đã bị ông Y phá vỡ mặt bằng canh tác. Số diện tích bị phạt nhiều hay ít là tuỳ theo sự sâu nông ở thửa ruộng ấy và đã được toàn dân ở trong thôn nhất trí cao trước khi tiến hành bốc số.

3/Cách giải quyết manh mún ở mỗi khoảnh khi tiến hành nhận ruộng trên thực địa:
Lúc bốc số, các hộ mới “nhận bóng” chứ chưa thể “hai năm rõ mười” được, cho nên khi nhận trên thực địa, ở một khoảnh nào đó sẽ xảy ra “thừa”hoặc “thiếu”diện tích cho một hộ ở đoạn cuối cùng của khoảnh ruộng ấy thì cách giải quyết thống nhất trong toàn xã là:

Giả sử ở khoảnh N sau khi chia đủ cho các hộ có các số 1,2,3 rồi mà:
a/Nếu diện tích còn lại lớn hơn diện tích được hưởng của hộ số 4 chút đỉnh thì số thừa ấy sẽ được “liệt” vào đất 5% của xã và khoán luôn cho hộ số 4 canh tác.

b/Nếu diện tích còn lại nhỏ hơn diện tích được hưởng của hộ số 4 thì số chênh lệch ấy sẽ đươc bù vào theo tỷ lệ hạng đất ở thửa thứ hai của hộ số 4.

Cách giải quyết công bằng và tương đối khoa học trên,sau khi nhận ruộng, trung bình một hộ nông dân ở xãThuỵ Văn chỉ có khoảng 1,6 thửa; sẽ tạo ra bước nhảy vọt về tích tụ ruộng đất, về chuyên canh và mở đầu cho việc thực hiện 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới…

                                                Nguyễn Công Viễn
                              (Thụy Văn,Thái Thụy,Thái Bình)

 

  • Từ khóa