Thứ 2, 29/07/2024, 15:32[GMT+7]

Thu hút đầu tư Bức tranh xuân nhiều điểm sáng

Thứ 5, 29/12/2011 | 14:39:47
1,433 lượt xem
Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì ở mức hai con số, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp giảm còn 33%, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn nửa tỷ USD…Đó là những kết nổi bật nhờ thực hiện chủ trương mở rộng thu hút đầu tư tại tỉnh ta thời gian qua.

Thu hút đầu tư đã đem lại việc làm cho nhiều người lao động

Đây cũng chính là con đường tất yếu của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh CNH, HĐH nhằm từng bước đưa Thái Bình từ một tỉnh nghèo, thuần nông vươn lên trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

 

Nhớ lại thời điểm những năm 2000 trở về trước, tình hình KT- XH của tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn: Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; tỷ trọng nông nghiệp chiếm tới 56%, trong khi tỷ trọng CN- XDCB chỉ vẻn vẹn có 12,3%; các dự án đầu tư vừa ít, đa phần có quy mô nhỏ, vừa kém hiệu quả; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1996- 2000 chỉ đạt 4,5% (thấp hơn mức trung bình cả nước)…

 

Để đưa Thái Bình thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, kém phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định cần phát huy mọi nguồn lực, tăng cường hợp tác đầu tư, đẩy mạnh CNH, HĐH. Muốn vậy giải pháp quan trọng đặt lên hàng đầu được tỉnh ta đưa ra là tập trung xây dựng mới và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực và giải phóng sức sản xuất. Đáp ứng yêu cầu này, giai đoạn 2001- 2005, UBND tỉnh đã ban hành 21 cơ chế, chính sách mới gồm 9 chính sách về lĩnh vực đầu tư, 5 chính sách về lĩnh vực công nghiệp- thương mại, 7 chính sách về lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như Quyết định 378/2001 và Quyết định 52/2002 về chính sách khuyến khích đầu tư; Quyết định 672/ 2001 về khuyến khích phát triển nghề và làng nghề…Nội dung của các chính sách thời kỳ này nhằm "trải thảm đỏ" thu hút các nhà đầu tư, tạo nhiều việc làm cho người lao động bằng việc đưa ra khung giá thuê đất thấp nhất; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ san nền, lấp trũng, GPMB; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động…

 

Sang đến giai đoạn 2006 - 2010, UBND tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và ban hành mới 18 chính sách gồm 7 chính sách về đầu tư, 6 chính sách về nông nghiệp, 5 chính sách về công nghiệp - thương mại. Điển hình như Quyết định 68/2006 về thực hiện cơ chế "một cửa" trong hoạt động đầu tư; Quyết định 11/2009 về khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến NSTP giai đoạn 2009- 2015; Quyết định 01/2009 về khuyến khích phát triển hạ tầng thương mại giai đoạn 2009- 2015…Nội dung các chính sách thời kỳ này đã tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp; khắc phục một số thiếu sót, hạn chế của các chính sách giai đoạn trước. Đồng thời đưa ra 7 lĩnh vực cần khuyến khích thu hút đầu tư vào tỉnh như: sản xuất rượu, bia; sản xuất thép, phôi thép; chế tạo thiết bị cơ khí chính xác; nhà máy điện; VLXD công nghệ mới; xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN…

           

Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, thời gian qua tỉnh ta đã huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình hạ tầng kinh tế, đặc biệt là hạ tầng các khu- cụm công nghiệp nhằm sẵn sàng về mặt bằng cho các doanh nghiệp đến hợp tác đầu tư. Hiện tại UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển các khu- cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với tổng diện tích 4.399ha, trong đó đã quy hoạch 1.915ha gồm 15 KCN với diện tích 1.103ha và 43 cụm CN với diện tích 1.226ha. Đến nay có 7 KCN của tỉnh được Chính phủ chấp thuận đưa vào mạng lưới các KCN của Việt Namon> đến năm 2020. Với những KCN được quy hoạch chi tiết, tỉnh đã trích ngân sách đầu tư 280 tỷ đồng cùng với vốn doanh nghiệp khoảng 408 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như tường bao, đường nội bộ, nước sạch, điện, CNTT…

           

Những giải pháp nói trên kết hợp với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là về thủ tục đầu tư; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; chú trọng đào tạo nguồn lao động…đã giúp tỉnh ta thu hút được một lượng lớn các dự án trên nhiều lĩnh vực. Tính chung giai đoạn 2001- 2010, toàn tỉnh thu hút mới 491 dự án với tổng số vốn đăng ký lên tới gần 59.000 tỷ đồng. Trong đó các KCN thu hút 146 dự án với số vốn đăng ký hơn 11.000 tỷ đồng; các cụm CN thu hút 118 dự án với số vốn đăng ký gần 2.000 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực công nghiệp đã thu hút 412 dự án với số vốn đăng ký gần 56.500 tỷ đồng. Trung bình mỗi dự án có số vốn 120 tỷ đồng, sử dụng khoảng 256 lao động và xin thuê 2,3ha đất. Các lĩnh vực đầu tư khá đa dạng gồm dệt sợi, may mặc, cơ khí- điện tử, chế biến NSTP, da giầy, sành- sứ- thuỷ tinh, VLXD, bao bì…

           

Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh giai đoạn 2005- 2010 đạt 12,05%/ năm, tăng gần 3 lần so với giai đoạn 1996- 2000; riêng tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 25,2%/ năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp năm 2010 còn 33%, tỷ trọng CN-XDCB vươn lên 33%, TM- DV chiếm 34%.

 

Tổng giá trị sản xuất CN- TTCN năm 2011 ước đạt 11.676 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6 triệu đồng năm 2005 lên 20,68 triệu đồng năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu năm 2005 chưa đầy 100 triệu USD, năm 2010 đã gần cán mốc 500 triệu USD và năm 2011 ước đạt 650 triệu USD. Đồng thời đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tính đến hết năm 2010 là 2.856 doanh nghiệp, tăng 2.526 doanh nghiệp so với năm 2000.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

 

 

  • Từ khóa