Thứ 2, 29/07/2024, 15:30[GMT+7]

Quyết liệt phòng chống bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc

Thứ 6, 10/02/2012 | 16:06:32
1,572 lượt xem
Hiện nay, tổng đàn và mật độ nuôi lợn ở một số địa phương khá cao, song các hộ chăn nuôi vệ sinh thú y chưa bảo đảm, ý thức chấp hành các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh còn hạn chế... Đây là những nguy cơ tiềm ẩn để bệnh lở mồm long móng (LMLM) lây lan trên diện rộng nếu không được phòng chống tốt.

Hiện nay, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) diễn biến khá phức tạp so với các năm trước, động lực của vi rút gây bệnh cao tại các ổ dịch lợn choai, lợn thịt. Tại thời điểm ngày 7/2/2012, có 8 xã ở 5 huyện, thành phố đã có 266 con lợn mắc bệnh LMLM làm chết 81 con, trong đó lợn thịt 55 con, lợn con và lợn sữa 26 con. Hiện nay, tổng đàn và mật độ nuôi lợn ở một số địa phương khá cao, song các hộ chăn nuôi vệ sinh thú y chưa bảo đảm, ý thức chấp hành các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh còn hạn chế... Đây là những nguy cơ tiềm ẩn để bệnh LMLM lây lan trên diện rộng nếu không được phòng chống tốt.

 

Dịch bệnh LMLM được phát hiện ngày 22/1/2012, tại đàn lợn của hộ ông Thiêm, thôn Phú Mỹ, xã Hồng Lý (Vũ Thư), với triệu chứng bỏ ăn, thần kinh và dẫn đến chết; tổng có 4 con lợn thịt trên tổng đàn 11 con bị chết. Chỉ trong thời gian ngắn dịch bệnh đã lây lan rất nhanh, đến ngày 7/2 lợn ốm đã phát hiện thêm tại 14 hộ chăn nuôi ở 5/6 thôn, với 132 con. Tiếp đó, trên địa bàn huyện Vũ Thư lại phát hiện thêm lợn ở xã Bách Thuận ốm có các biểu hiện tương tự; tại hộ ông Nguyễn Văn Học, với số lợn ốm 9/34 con trong tổng đàn; hộ ông Nguyễn Văn Bộ, có 2 con lợn thịt ốm có biểu hiện đau chân, kẽ móng sưng đỏ, đi lại khó khăn.

 

Đặc biệt ở Hưng Hà, từ ngày 29/1 – 2/2 dịch bệnh LMLM đã xuất hiện tại 3 xã, gồm Minh Khai, Đông Đô và Tây Đô. Đầu tiên là xã Minh Khai, lợn hộ ông Trần Văn Hiến có biểu hiện loét lợi, lưỡi, vành móng có nhiều mụn nước, chảy nhiều nước bọt, với số lợn ốm là 30 con trên tổng đàn 31 con, trong đó có 12 con đã chết. Đến ngày 1/2, đàn lợn của hộ ông Nguyễn Bỉnh Ngạn, thôn đông Đô Kỳ, xã Đông Đô có 2 con lợn nái ốm; đến ngày 7/2 thêm 5 hộ chăn nuôi có 42 con lợn ốm. Ngày 2/2, xã Tây Đô phát hiện lợn hộ ông Nguyễn Văn Bảo, thôn Mỹ Thịnh có 8/61 con bị ốm, trong đó 2 con đã chết...

 

Các hộ có lợn bị dịch bệnh LMLM đã tích cực theo dõi, điều trị theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, đến nay 69/266 con lợn ốm điều trị khỏi, ăn uống, đi lại bình thường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, dịch bệnh LMLM vẫn đang diễn biến khá phức tạp, nếu không tích cực thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống thì dịch tiếp tục phát sinh và có nguy cơ lây lan rộng ra các địa phương khác trong tỉnh.

 

Đối với các huyện, xã có dịch bệnh LMLM cần phải khoanh vùng lập chốt kiểm dịch tại thôn và các đầu mối giao thông để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra vào xã. Đồng thời tổ chức thực hiện ký cam kết các quy định chống dịch với các chủ hộ buôn bán, giết mổ, chăn nuôi nhằm quản lý chặt chẽ gia súc ốm và tích cực điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng; không bán chạy, giết mổ gia súc ốm và tiêu huỷ gia súc chết, điều trị dài ngày không khỏi theo quy định. Hàng ngày tổ chức tiêu trùng khử độc bằng hoá chất ở hộ có dịch; 2 ngày/ lần ở thôn và 2 lần/ tuần trên địa bàn có dịch; đồng thời rắc vôi bột xung quanh chuồng trại nuôi, đường làng, ngõ xóm, lối ra vào và các điểm chốt kiểm dịch của thôn, xã. Tăng cường việc giám sát, phát hiện dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi và rà soát tổng đàn  gia súc trên địa bàn xã; khi dịch bệnh ổn định không phát sinh thêm thì tổ chức tiêm vắc xin LMLM cho toàn đàn gia súc cảm nhiễm với bệnh trong diện phải tiêm.

 

Tính đến ngày 7/2, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 huyện (Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương) chưa có gia súc mắc dịch bệnh LMLM, song các huyện này không được chủ quan, cần phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch. Trước hết, thành lập và tổ chức hoạt động của các tổ kiểm soát vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc trên địa bàn xã, gồm lực lượng thú y, công an xã; xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, như vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, lợn từ vùng dịch về. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường vệ sinh tiêu độc chuồng trại và khu vực xung quanh bằng hoá chất; che chắn gió, đốt sưởi cho gia súc những ngày rét đậm và không nhập lợn mới từ vùng dịch, chưa rõ nguồn gốc. Lực lượng thú y cơ sở phối hợp với chính quyền thôn thực hiện điều tra đàn gia súc, xử lý nghiêm các trường hợp dịch bệnh phát sinh; thực hiện khai báo, điều tra ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm xác minh dịch bệnh...

 

Để công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM đạt hiệu quả cao, các huyện, thành phố cần kiện toàn ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời phải chịu trách nhiệm về kết quả trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, phải tăng cường cán bộ các phòng, ban chuyên môn phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống dịch ở cơ sở.

                        Nguyên Bình

           

  • Từ khóa