Thứ 2, 29/07/2024, 13:32[GMT+7]

Phòng chống dịch bệnh ở vật nuôi Ý thức người dân luôn giữ vai trò quyết định

Thứ 5, 16/02/2012 | 16:07:23
1,624 lượt xem
Hiện nay trên địa bàn Thái Bình đã chính thức công bố phát hiện dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn lợn. Từ ổ dịch đầu tiên tại xã Hồng Lý (Vũ Thư) xuất hiện vào giữa tháng 1/ 2012, bệnh nhanh chóng lây lan ra diện rộng không chỉ ở huyện Vũ Thư mà cả các huyện khác.

Chăn nuôi gia cầm theo phương thức công nghiệp của một hộ nông dân xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng. Ảnh: Minh Đức

Tính đến đầu tháng 2, đã có 8 xã ở 5 huyện, thành phố xuất hiện dịch LMLM, tổng số gia súc mắc bệnh là 266 con, trong đó 81 con đã chết. Cùng với dịch LMLM, hiện tại các tỉnh, thành phố tiếp giáp với chúng ta còn xuất hiện dịch cúm gia cầm. Trong điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm trong không khí lại cao là môi trường rất thuận lợi để dịch lây lan, bùng phát trên diện rộng.

 

Nếu không được kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch ngay từ ổ thì tác động của dịch bệnh đến chăn nuôi, nhất là chăn nuôi tập trung sẽ rất lớn. Đặc biệt nếu để xuất hiện dịch kép, cả LMLM và cúm gia cầm thì thiệt hại sẽ càng nghiêm trọng hơn bởi số lượng vật nuôi trong dân hiện rất lớn. Chỉ riêng huyện Quỳnh Phụ đã có gần 10.000 con trâu bò, khoảng 155.000 con lợn và hơn 1 triệu con gia cầm. Phần lớn số gia súc và gia cầm nói trên tập trung chủ yếu tại các gia trại và trang trại nên khi dịch bùng phát thiệt hại đối với chủ nuôi sẽ rất lớn, có hộ mất hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng...

 

Ngay khi xuất hiện dịch bệnh, các ngành chức năng và chính quyền các cấp đã nhanh chóng vào cuộc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt một số giải pháp như: Lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại vùng có dịch; ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển gia súc ra và vào vùng có dịch; tạm hoãn việc tái đàn; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng bằng vôi bột và hoá chất chuyên dùng; tiêm vắc- xin cho toàn bộ đàn vật nuôi chưa tiêm phòng định kỳ theo quy định...

 

Những giải pháp nói trên là kịp thời và cần thiết nhưng chưa đủ. Khâu mấu chốt vẫn là ý thức tự giác của người dân, nhất là các hộ đã xuất hiện dịch. Chỉ khi nào người dân nghiêm chỉnh chấp hành và tự nguyện thực hiện các giải pháp mà ngành chức năng đưa ra thì dịch bệnh mới được ngăn chặn. Sự tự giác của người dân phải được thể hiện ngay từ bước đầu tiên đó là thông báo kịp thời thông tin về dịch bệnh cho chính quyền sở tại, tránh việc dấu thông tin, tự xử lý giải quyết mọi việc. Cũng chính người dân phải tích cực thực hiện việc vệ sinh sạch sẽ chuồng trại và tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi; đồng thời tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho toàn bộ đàn vật nuôi.

 

Những điều này không phải đợi khi có dịch xảy ra mới thực hiện mà phải được làm thường xuyên, liên tục từ lứa này sang lứa khác, từ năm này sang năm khác. Thậm chí còn phải được tính toán tới ngay khi có ý định xây chuồng trại, vị trí chọn xây phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, chuồng nuôi và cả khu vực xung quanh phải bảo đảm luôn sạch sẽ, tránh để phân hay nước thải ứ đọng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho dịch bệnh xâm nhập và bùng phát. Với bất kỳ loại vật nuôi nào thì việc phòng bệnh cũng hiệu quả và rẻ hơn rất nhiều so với chữa bệnh.

 

Đặc biệt khi dịch bệnh xảy ra, ý thức người dân còn được thể hiện ở chỗ không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh ra khỏi vùng có dịch. Điều này nói thì dễ nhưng thực hiện lại khó. Dù luật pháp đã quy định rất rõ và nghiêm cấm hành vi này nhưng nó lại động chạm đến lợi ích. Mà đã chạm đến lợi ích thì bao giờ cũng khó, với người nông dân lại càng khó hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh chăn tập trung quy mô lớn ngày càng phổ biến đòi hỏi người nông dân phải biết dẹp tư lợi sang một bên bởi chỉ một hành vi nhỏ bất cẩn cũng có thể gây ra hoạ lớn cho gia đình và xã hội. Khác với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trước đây, dịch bệnh có thể chỉ gây thiệt hại mấy con gia cầm, một vài con lợn. Còn nay, đợt dịch có thể xoá sổ cả một trang trại với hàng ngàn con gia cầm, hàng trăm đầu lợn, thiệt hại thậm chí tính bằng tiền tỷ.

 

Để người dân nâng cao ý thức, tự giác tham gia phòng chống dịch cần làm tốt việc tuyên truyền vận động nhưng đi kèm theo đó cần kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Việc tuân thủ pháp luật thường xuyên sẽ hình thành ý thức tự giác và bảo đảm công bằng xã hội.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa