Thứ 2, 29/07/2024, 15:30[GMT+7]

Thái Thụy Giải pháp đẩy mạnh phát triển CN-TTCN

Thứ 3, 21/02/2012 | 15:34:52
1,660 lượt xem
Năm 2012, Thái Thụy phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 1.017 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2011; thu hút từ 5 đến 10 dự án đầu tư từ bên ngoài vào; tạo việc làm cho 2 đến 3 ngàn lao động.

Là địa phương ven biển nhưng Thái Thụy lại không có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ( CN-TTCN) do kinh tế thuần nông, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, thu hút đầu tư còn hạn chế... Thời gian qua do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao nên sản xuất của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chịu sự cạnh tranh quyết liệt của cơ chế thị trường nên tăng trưởng chậm, cá biệt nhiều làng nghề truyền thống bị suy giảm, có nguy cơ mai một. Do vậy, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, coi đó là một mũi nhọn trọng tâm để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 13,08% trong năm 2012.

 

Năm 2011, được coi là năm có nhiều khó khăn tác động nhưng sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện vẫn được duy trì ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện đạt 885 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2010. 45 doanh nghiệp, 5.850 cơ sở phân bố đều ở các xã, thị trấn có nhiều cố gắng nỗ lực duy trì, phát triển sản xuất, thu hút khoảng 22 ngàn lao động tham gia. Sau những biến động của thị trường xuất khẩu, năm qua nghề và làng nghề trên địa bàn dần ổn định trở lại, một số nghề phát triển tốt như: mây tre đan, móc sợi, mộc, may mặc, thêu ren, cơ khí..... thu hút nhiều lao động.

 

Để hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề, huyện đã phối hợp với Trung tâm tư vấn phát triển công nghiệp ( Sở Công thương), các chủ cơ sở sản xuất thực hiện 4 dự án khuyến công của tỉnh, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề TTCN cho trên 2.500 lao động nông thôn, chủ yếu là các nghề mây tre đan, móc sợi, may mặc. Thái Thụy đã tổ chức đoàn đi kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động của các làng nghề được UBND tỉnh công nhận, kết quả có 7 làng nghề suy giảm không đủ điều kiện được cấp đổi bằng công nhận giai đoạn 2011-2015. Số làng nghề còn lại, huyện quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ, chỉ đạo các địa phương, cơ sở sản xuất tiếp tục đầu tư vốn, cải tiến công nghệ, tìm kiếm thị trường, mở rộng quy mô sản xuất.

 

Kết quả, hiện nay 20 làng nghề đạt tiêu chuẩn tổ chức sản xuất hiệu quả, giá trị chiếm 15% tỷ trọng sản xuất CN-TTCN toàn huyện, thu hút 12.000 lao động tham gia. Trong năm 2011, đã có 12 dự án đăng ký đầu tư vào địa bàn với tổng nguồn vốn 576 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng 1.851 lao động và đã được huyện chấp thuận về chủ trương, hiện nay đang hoàn thiện các thủ tục trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

 

Năm 2012, Thái Thụy phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 1.017 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2011; thu hút từ 5 đến 10 dự án đầu tư từ bên ngoài vào; tạo việc làm cho 2 đến 3 ngàn lao động. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Sỹ Thiệp, Trưởng phòng Công thương huyện cho biết: dự báo năm nay sản xuất CN-TTCN của huyện Thái Thụy vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí hơn cả năm 2011 bởi những tác động của tình hình chính trị an ninh trong khu vực, khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu khó kiểm soát.

 

Cùng với đó, sản xuất tại các làng nghề trong huyện vẫn còn manh mún, mang nặng tính thủ công, công nghệ lạc hậu, thu nhập của người lao động thấp, minh chứng là đã có 7 làng nghề suy giảm. Lĩnh vực khai thác, chế biến hải sản, đóng tàu, vận tải biển là một trong những mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế biển của địa phương nhưng hiện nay tất cả đều đang gặp khó, có đơn vị đã ngừng hoạt động.

 

Vì vậy, giải pháp Thái Thụy đưa ra là: rà soát  lại quy hoạch phát triển CN-TTCN của huyện để điều chỉnh, bổ sung cho sát với điều kiện thực tế nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế để thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất. Hướng dẫn, giải quyết các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án chuyển tiếp trong năm 2011 và dự án đầu tư mới năm 2012. Triển khai quy hoạch cụm CN Thụy Phong quy mô 30ha, tổ chức giải phóng mặt bằng cụm CN Thái Thọ từng bước xây dựng hạ tầng nội bộ, tiếp nhận các dự án đã đăng ký đầu tư vào cụm CN Thụy Hải và các dự án đầu tư khác trên địa bàn. Đối với cụm CN Mỹ Xuyên sẽ vận dụng linh hoạt chính sách thu hút đầu tư của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho cho các dự án từ bên ngoài vào, ưu tiên dự án giải quyết nhiều việc làm, phù hợp với tay nghề của lao động địa phương. Huyện cũng sẽ tổ chức rà soát, điều tra tổng thể hoạt động sản xuất CN-TTCN ở từng địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn  từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

 

Đánh giá lại  thực trạng hoạt động của những làng nghề, tìm biện pháp hỗ trợ về vốn, công tác đào tạo, du nhập thêm nghề mới, chú trọng đào tạo nghề cho người lao động tại các xã có diện tích đất thu hồi lớn phục vụ quy hoạch phát triển công nghiệp. Từng bước hướng dẫn các địa phương, cơ sở sản xuất và làng nghề bố trí, sắp xếp lại sản xuất theo hướng chuyên sâu, giảm tối đa chi phí để tăng thu nhập cho người lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất cho các cơ sở. Tổ chức cho một số chủ cơ sở, doanh nghiệp đi thăm quan mô hình sản xuất tại các doanh nghiệp, làng nghề ở phía Bắc hoạt động hiệu quả để học tập kinh nghiệm, mở rộng liên kết, hợp tác đầu tư trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Dóng dựng, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp trong làng nghề, lấy đó làm hạt nhân đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, khuyến khích các cơ sở có đủ năng lực, điều kiện vươn lên thành lập doanh nghiệp tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa