Thứ 2, 29/07/2024, 15:19[GMT+7]

Thái Thủy Nông dân hối hả xuống đồng ngày xuân

Thứ 5, 23/02/2012 | 14:44:11
1,791 lượt xem
Giống như những địa phương khác trong toàn tỉnh, những ngày này nông dân xã Thái Thủy hối hả, tất bật xuống đồng để gieo cấy lúa xuân. Nơi đây vốn là ‘rốn nước” úng trũng nhất huyện Thái Thụy với 45% diện tích thấp trũng, 55% mặt bằng canh tác không bằng phẳng nhưng bà con vẫn mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật mở rộng các vùng gieo sạ, gieo vãi chiếm 70% tổng diện tích gieo cấy toàn xã.

Cấy lúa xuân trên đồng ruộng Thái Thủy

Sáng 15/2, tuy thời tiết còn khá rét nhưng trên khắp các cánh đồng của thôn Nam Hưng đã tập trung khá đông nông dân ra đồng: người hái ớt, thu hoạch rau, người nhổ mạ, tát nước, bừa ruộng, cấy lúa... tiếng nói, tiếng cười rôm rả. Phần lớn diện tích bà con đã hoàn thành việc gieo vãi. Đồng ruộng như rộn ràng hơn, hàng triệu mầm non đang cựa mình vươn lên khỏi mặt đất.

 

Dừng tay bên thửa ruộng đang gieo vãi, ông Cao Hữu Nguyên phấn khởi chia sẻ: “  Nhà tôi có 1,5 mẫu ruộng, mấy vụ rồi đều gieo vãi, vụ lúa xuân năm ngoái gieo 6 sào, năm nay tăng lên 1 mẫu, diện tích còn lại do trũng quá không gieo được nên buộc phải cấy. Sản xuất kiểu này “ nông dân làm chơi mà ăn thật”, mọi công đoạn đều đơn giản gọn nhẹ không phải làm dược, gieo mạ, che chắn nilon chống rét, phun trừ sâu bệnh.... Trung bình, mỗi người buổi sáng gieo được 3 sào, nếu cấy tích cực mất 3 ngày, không chỉ tiết kiệm được 1/3 tiền giống, tốn ít công, nước tưới mà năng suất lại cao hơn từ 10 đến 15%”. Cách cánh đồng thôn Nam Hưng không xa, nhiều nông dân thôn Minh Khai cũng tất bật với công việc mùa vụ của mình. Anh Trần Văn Kỳ cho biết: “ Tất cả diện tích ruộng cơ bản của gia đình tôi đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, hai vợ chồng đấu thầu thêm 1 mẫu về cấy nhưng phần lớn là ruộng úng rất khó canh tác. Thấy bà con vụ trước gieo sạ hiệu quả, vụ này tôi cũng cố đắp cao bờ, vãi lấn xuống vùng trũng được 3 sào, diện tích còn lại tranh thủ thời gian làm đất, chồng nhổ mạ, vợ cấy cho kịp thời vụ”.

 

Vụ lúa xuân năm 2012, Thái Thủy gieo cấy 215 ha gồm các giống D.ưu 527, N.ưu 838-63, TBR1, N97, Thái Xuyên, bắc thơm, hương thơm, TBR45, TBR36, T10...Riêng gieo sạ, toàn xã phấn đấu diện tích đạt 100 ha. Năm nay cũng là năm thứ 5, Thái Thủy chuyển đổi phương thức canh tác từ cấy lúa sang gieo vãi. Năm 2008, HTX mạnh dạn xây dựng thử nghiệm mô hình với diện tích 7 mẫu. Ban đầu, nhiều hộ dân còn tỏ ra nghi ngại vì ruộng cao làm đã khó huống hồ ruộng trũng như Thái Thủy gieo vãi chắc gì đã được ăn. Kết quả năm đó vụ xuân được mùa, năng suất lúa gieo vãi thậm chí cao hơn lúa cấy, dần dần, bà con thấy rõ lợi ích nên nhiều hộ làm theo.

 

Vụ xuân năm 2009, diện tích gieo vãi toàn xã đạt 20 ha, vụ xuân năm 2010 tăng lên 50 ha, đặc biệt đến vụ xuân năm 2011 đạt 98,8 ha cho năng suất bình quân 227,4 kg/sào ( lúa cấy 220,59kg/sào). Năm nay, hết ngày mùng 10/2 toàn xã cơ bản hoàn thành thời vụ gieo vãi, diện tích đạt 150 ha, chiếm khoảng 70% tổng diện tích gieo cấy. Bà con tận dụng từng thửa ruộng, thậm chí có nhà đã gieo mạ để cấy ruộng trũng nhưng đến thời vụ vẫn bỏ mạ, đắp bờ tát nước để vãi mộng.

 

Ông Hoàng Hữu Bốn, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp cho biết: đạt được kết quả trên, ngoài tích cực tuyên truyền, vận động, tập huấn KHKT, tạo niềm tin cho bà con, HTX chủ động chuẩn bị mọi điều kiện cho sản xuất. Với vụ xuân năm 2012, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, HTX chỉ đạo xã viên tiến hành cày lật đất ngay, vệ sinh đồng ruộng nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh và phục vụ dẫn nước. Xã và HTX đã đầu tư kinh phí, huy động nhân dân đóng góp cứng hoá kênh mương, tu sửa một số cống, bi nội đồng, đồng thời đào đắp bờ vùng, nạo vét sông dẫn, làm thủy lợi nội đồng với khối lượng 10.000m3. Huy động lực lượng thu vớt bèo bồng, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh mương, sông dẫn, mặt ruộng tạo điều kiện tưới tiêu nước thuận lợi. Tổ chức diệt chuột, ký hợp đồng với các công ty cung ứng 2,5 tấn lúa giống, 40 tấn phân bón phục vụ xã viên sản xuất. Căn cứ vào lịch đổ nước, tổ thủy nông chủ động trữ nước trong hệ thống, vận hành các máy bơm, khoanh vùng điều tiết nước hợp lý bảo đảm lấy đủ nước cho vùng cao nhưng không gây ngập úng tạo thuận lợi cho bà con vừa cấy lúa, vừa gieo vãi. Đề phòng trước việc cây lúa có thể bị chết rét sau gieo, HTX đã khuyến cáo xã viên tăng lượng giống lên, đối với lúa lai gieo 1 đến 1,2kg/sào, lúa thuần từ 1,5 đến 2kg/sào, hiện nay diện tích gieo vãi sinh trưởng và phát triển tốt.

 

Hiện nay, nông dân Thái Thuỷ  khẩn trương ra đồng làm đất, phấn đấu gieo cấy xong toàn bộ diện tích trước 25/2, đồng thời chăm sóc những ruộng lúa đã cấy và gieo sạ. Thực hiện bón phân cân đối, đầy đủ, nhất thiết phải bón lót và bón thúc ngay sau khi cấy giúp cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh, không bón quá nhiều đạm, không bón lai rai nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh đạo ôn.

 

Trước khi chia tay, ông Bốn khẳng định với chúng tôi: nếu năm nay vụ xuân được mùa, chắc chắn năm sau diện tích gieo sạ của địa phương sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn: những diện tích đã gieo vãi hiện chuột phá hoại rất nhiều. Hệ thống thủy lợi, đặc biệt là các trạm bơm của xã đều xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước hiện đã xuống cấp, nhiều vụ khi lấy nước đủ cho vùng cao thì vùng trũng lại ngập lụt, rất khó canh tác. Vì vậy, nhân dân Thái Thủy đề nghị: Trước mắt, huyện, tỉnh quan tâm hỗ trợ bà con kinh phí mua thuốc tổ chức chiến dịch diệt chuột quy mô toàn xã để bảo vệ sản xuất. Đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống thủy lợi, trạm bơm tưới-tiêu để đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi phương thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

 

                             Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa