Thứ 2, 29/07/2024, 15:25[GMT+7]

Phúc Thành Cần nhiều giải pháp đồng bộ chuyển đổi cơ cấu giống lúa, mùa vụ

Thứ 6, 24/02/2012 | 14:33:30
2,096 lượt xem
Giống lúa Xi 23 và VN 10 đã là quá khứ với hầu hết các xã trong huyện, vậy mà nó vẫn còn dùng dằng, bó bện với đồng đất nơi đây: Vụ xuân 2010, chiếm 50%, vụ xuân 2011 chiếm 40% diện tích. Không biết với tốc độ ấy, đến năm nào, Phúc Thành mới cấy 100% giống ngắn ngày? Kết hợp tuyên truyền nhiều kênh đi đôi với xây dựng mô hình, như mưa dầm thấm đất, hy vọng điều đó có thể làm thay đổi nhận thức và tập quán của người dân nơi đây trong những vụ tới

Chúng tôi đến HTX dịch vụ nông nghiệp Phúc Thành đúng vào ngày xã viên đem khoai tây đến cân gửi vào kho lạnh. Thật khác với suy nghĩ của chúng tôi về một vùng đất  thịt nặng úng trũng, độc canh cây lúa. Ngược lại, năm 2011, trong khi diện tích vụ đông giảm sút do chậm thời vụ, Phúc Thành là một trong ít xã phía Bắc của huyện Vũ Thư có diện tích vụ đông trên 200 ha, tăng 43 ha so với năm 2010, chiếm 53,47% diện tích đất 2 lúa, đạt 98% kế hoạch cấp ủy, chính quyền xã đề ra. Trong đó, với lợi thế kho lạnh chủ động bảo quản giống, diện tích khoai tây toàn xã đạt 23,76 ha, tăng 12,54 ha so với vụ đông năm trước.

 

Tuy được huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nhưng sản xuất nông nghiệp ở Phúc Thành cũng còn nhiều khó khăn do khó đổi thay tập quán canh tác cũ. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thế Thơm, cho biết: Từ đầu tháng 11/2011, đề án sản xuất vụ xuân 2012 được UBND xã xây dựng và triển khai tới các thôn. Mục tiêu đặt ra là 374/374 ha gieo cấy bằng các giống lúa ngắn ngày. Trong đó 60% cơ cấu giống lúa năng suất cao, 40% giống lúa thuần chất lượng gạo ngon. Theo chỉ đạo của HTX, từ ngày 15/2/2012, xã viên tiến hành gieo sạ, gieo vãi trên các vùng ruộng cao, điều tiết nước thuận lợi. 8 thôn quy hoạch mỗi thôn 1-2 vùng lúa gieo thẳng, phấn đấu gieo 120 ha (chiếm 32% diện tích).

 

Rút kinh nghiệm vụ xuân 2011, toàn xã gieo thẳng 22 ha, trong đó 5 ha gặp rét đậm, mạ chết chòm phải cấy lại. Năm nay, chủ trương của huyện hỗ trợ 100% thuốc trừ cỏ được phổ biến rộng trong nhân dân. Khâu chỉ đạo kỹ thuật ngâm ủ mạ, làm đất được chú trọng hơn. Còn lại 68% diện tích cấy, xã phấn đấu kết thúc thời vụ trước ngày 25/2/2012.

 

Tôi đem điều trăn trở suốt dọc đường về Phúc Thành, cũng là mục đích chuyến đi của chúng tôi hỏi chủ nhiệm HTX -  anh cho biết: Đề án chỉ đạo sản xuất xây dựng và phổ biến như vậy nhưng trong thực tế  vụ xuân 2012, dân Phúc Thành vẫn gieo Xi 23 và VN 10 để cấy 40% diện tích. Tuy nhiên do khi gieo (từ ngày 10/12/2011) gặp rét hại nên mạ bị chết, chỉ còn đủ cấy khoảng 30% diện tích. Giống lúa Xi 23 và VN 10 đã là quá khứ với hầu hết các xã trong huyện, vậy mà nó vẫn còn dùng dằng, bó bện với đồng đất nơi đây: Vụ xuân 2010, chiếm 50%, vụ xuân 2011 chiếm 40% diện tích. Không biết với tốc độ ấy, đến năm nào, Phúc Thành mới cấy 100% giống ngắn ngày? Cùng chủ nhiệm HTX thăm vùng quy hoạch nuôi thủy sản tập trung, trên đường đi, chúng tôi bắt gặp các bà, các chị cặm cụi nhổ mạ dược. Phải mất 2 tháng chống chọi với rét mướt, mạ gieo ngoài đồng mới đủ tuổi cấy. Thời tiết vụ xuân khó lường trước rét hại, gieo mạ dược quả là sự mạo hiểm, đó là chưa kể mất công nhổ mạ, chi phí sản xuất tăng lên.

 

Về Phúc Thành, những cụ cao niên còn chưa quên đồng làng những năm xưa, giữa 2 hàng lúa, còn thả được vó cất tôm tép. Từ những năm 1980, khi hoàn thành các công trình thuỷ lợi, người dân mới có điều kiện thâm canh ổn định 2 vụ lúa. Cây lúa dài ngày dầm chân trong những vùng ruộng trũng, trở thành tập quán khó thay đổi. Hỏi chuyện một số các bà, các cô, họ cho biết: Năng suất Xi 23, VN 10 tuy có thấp hơn nhưng họ cấy để chế biến bún, bánh đa, mỳ gạo và bán cho những hộ có nhu cầu mua làm hàng. Tuy nhiên, nếu cứ bảo thủ cấy giống lúa 180 ngày, thì không thể có vụ đông, vụ thứ 3 trong năm.

 

Để hỗ trợ Phúc Thành chuyển đổi cơ cấu giống lúa, mùa vụ, theo kịp đà tiến của các xã trong huyện,  năm 2009, UBND huyện đã bỏ kinh phí trên 80 triệu đồng, ứng dụng quy trình thâm canh 2 vụ lúa ngắn ngày, 1 vụ đông trên diện tích 10,36 ha thôn Tân Thành, Tân Hương. Kết quả 2 vụ lúa năng suất cao, 1 vụ đậu tương đông cho thu khá. Tổng kết mô hình, nhân dân thừa nhận phù hợp với đồng đất  Phúc Thành. HTX cũng đã áp dụng biện pháp cứng rắn như không bơm nước vào ruộng, phối hợp với các đoàn thể vận động hội viên, viết bài tuyên truyền trên loa đài…song theo anh Thơm, những diện tích đang cấy lúa dài ngày có nhược điểm rất úng trũng không thể làm vụ đông. Xã đã làm dự án chuyển đổi mô hình cá + lúa. 

 

Phúc Thành đang phấn đấu tiếp tục hoàn thiện chuyển đổi tiếp giai đoạn 2 dự án vùng thủy sản tập trung  66,77 ha (tỷ lệ 40% cá và 60% lúa). Đến nay đã xây dựng các cụm cống, kênh thoát và cấp nước, cứng hoá 2 đoạn đường giao thông, xây dựng đường điện ở vùng 1, nhân dân đã dồn đổi ruộng và đào được 34/49 ao đưa vào nuôi cá. Còn trên 20 hộ trong vùng chuyển đổi chưa đào ao nuôi cá do khó khăn về kinh phí. Chân ruộng trũng này, họ vẫn cấy lúa dài ngày. Đối với vùng rốn nước Đồng La, Cỏ Cói, Tía Tô, đồng Dốc, HTX đưa giống CNR 36, DƯu 527, TBR-1 (là những giống cấp 1, chất lượng bảo đảm, vừa có khả năng chống chịu rét, vừa kháng đạo ôn), hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật gieo cấy cho dân. Khu ruộng cao, vàn cao, những vụ đầu ứng dụng gieo thẳng, Ban quản trị HTX trích kinh phí hỗ trợ kỹ thuật, thuốc trừ cỏ để làm thực tế đối chứng sinh động về giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian lúa sinh trưởng 5-7 ngày, năng suất tăng hơn cấy 10-15%, để từ đó, nhiều hộ học tập, làm theo.

 

Kết hợp tuyên truyền nhiều kênh đi đôi với xây dựng mô hình, như mưa dầm thấm đất, hy vọng điều đó có thể làm thay đổi nhận thức và tập quán của người dân nơi đây trong những vụ tới.

 

Bài, ảnh: Bảo Linh

 

 

  • Từ khóa