Thứ 2, 29/07/2024, 13:25[GMT+7]

Hồng Lý (Vũ Thư) Gồng mình trước diễn biến của dịch lở mồm long móng

Thứ 6, 02/03/2012 | 15:22:11
1,300 lượt xem
Tính đến ngày 27 tháng 2, đàn lợn của gần 150/960 hộ chăn nuôi xã Hồng Lý huyện Vũ Thư đã bị dịch lở mồm long móng, rải rác ở 5/6 thôn. Trên 16 tấn lợn đã phải tiêu hủy. Hơn 20 ngày sau khi công bố dịch, người chăn nuôi điêu đứng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương đang gồng mình, nỗ lực mọi biện pháp trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh lở mồm long móng.

Hơn 20 ngày từ khi công bố dịch lở mồm long móng, anh Nguyễn Thanh Tâm cùng các anh em tại 6 chốt kiểm dịch dã chiến của xã Hồng Lý huyện Vũ Thư luôn thay nhau thường trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn ra vào tại địa phương. Trên nguyên tắc khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển, báo cáo ngay những trường hợp nghi vấn để ban chỉ đạo có biện pháp xử lý kịp thời. Chốt khu vực trường THCS Hồng Lý là điểm xung yếu bởi đây là cửa ngõ ra vào với lưu lượng trên 200 lượt xe cộ đi lại ngày đêm. Không chỉ trưởng chốt như anh Tâm, mà tất cả các anh em đều phải gồng mình làm việc với tinh thần cao nhất. “Trời rét mướt chúng tôi cũng bảo nhau cố gắng lên. Mình làm việc không chỉ vì địa phương mà còn không để dịch lây sang xã bạn gây thiệt hại”- Anh Tâm nói.

 

Nhiều ngày nay, trên mọi trục đường, khu vực tiêu hủy lợn dịch và nhiều nhà dân xã Hồng Lý trắng màu vôi bột. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Thành viên ban chỉ đạo sâu sát cơ sở để phát hiện và xử lý trường hợp phát sinh. Mỗi thôn lập 1 tổ tiêu hủy lợn. Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch, địa phương đã lập 3 điểm để tiện cho việc chôn lấp lợn bệnh. Trên 15 tấn vôi, hàng nghìn lọ hóa chất vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của địa phương. Theo ông Trần Văn Tuân – phó chủ tịch UBND xã Hồng Lý: “Thiếu vôi khử trùng chưa phải là khó khăn duy nhất mà Hồng Lý phải tháo gỡ dần nhằm đối phó với dịch lở mồm long móng. Hồng Lý địa bàn rộng, nhiều lối ra vào. Lượng lợn chăn nuôi thuộc tốp cao trong huyện. Vẫn còn một số hộ chăn nuôi chưa làm tròn trách nhiệm. Mà thời tiết ngày một khó lường. chúng tôi đang nỗ lực hết mình.”

 

Cũng theo ông Tuân cho biết, tính đến thời điểm hiện tại cấp trên đã hỗ trợ cho địa phương 15 triệu đồng. Trong khi chỉ tính riêng kinh phí cần phải chi trả việc thuê người phun rắc hóa chất, tiêu hủy lợn, hoạt động các chốt....đã lên tới trên 100 triệu. Đây cũng là vướng mắc không nhỏ khi khích lệ tinh thần anh em làm việc trong điều kiện thời tiết quá phức tạp, khối lượng công việc nhiều. Và quan trọng hơn cả là việc tuyên truyền người chăn nuôi hợp tác để bao vây, dập dịch. Thương lái vẫn lén lút đến gạ gẫm để mua lợn giá rẻ. Anh Phan Thế Chuyển thôn Phú Mỹ có tổng đàn lợn 62 con. Có tới 40 con đã bị chết. Anh nói: “7/13 lán nuôi của nhà tôi đã trống. Khoảng 1 tuần nữa là đến ngày đáo hạn ngân hàng với số tiền vay 150 triệu đồng. Tính chung thiệt hại trên 100 triệu. Chưa kể vợ chồng không tránh khỏi mâu thuẫn vì kinh tế lao đao.”

 

Không chỉ riêng anh Chuyển, mà hàng trăm hộ chăn nuôi, trong đó có trên 5 chục hộ chăn nuôi lớn của Hồng Lý đang trong tình trạng điêu đứng. Các đại lý bán thức ăn chăn nuôi trả chậm lâm vào tình huống khó xử bởi người chăn nuôi đang rất khó khăn. Tiểu thương buôn bán lợn tại các chợ của xã đều phải chuyển sang bán các mặt hàng khác như thịt bò, thịt gà để duy trì đời sống. Ước tính thiệt hại về chăn nuôi đã lên tới 2 tỷ đồng. Môi trường bị ô nhiễm. Tâm lý người chăn nuôi hoang mang. Diến biến thời tiết ngày một phức tạp. Dịch bệnh lây lan kiểu xôi đỗ rất khó kiểm soát. Hơn nữa, theo các nhà chuyên môn, dịch lở mồm long móng lần này có biến chứng rất khó lường, gây tử vong nhanh và có sự lây lan mạnh. Lượng vôi bột để rắc hay số củi than sưởi ấm đàn lợn lúc mưa rét ngày một khan hiếm. Dịch bệnh kéo dài không chỉ khiến người chăn nuôi, mà ngay cả ban chỉ đạo phòng chống dịch lở mồm long móng của địa phương gặp nhiều khó khăn.

 

Ông Lê Quốc Văn – trưởng ban chăn nuôi thú y xã Hồng Lý cho biết: “Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân địa phương, sự hỗ trợ hơn nữa của cấp trên là điều địa phương rất mong mỏi. Trước hết là hỗ trợ trong công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng. Tăng cường tuyên truyền tập huấn người chăn nuôi. Đặc biệt là việc gia hạn một số vốn vay, hay hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi hơn để người chăn nuôi có thể nhanh chóng tái sản xuất và ổn định đời sống”.

        Hà Thanh

      (Đài Phát thanh Vũ Thư)

  • Từ khóa