Thứ 2, 29/07/2024, 13:29[GMT+7]

Hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi

Thứ 4, 07/03/2012 | 14:48:12
1,769 lượt xem
Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn Thanh niên thị trấn An Bài đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề Thanh thiếu niên tỉnh, Trung tâm dạy nghề của huyện mở các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho trên 300 ĐVTN. Có vốn, kiến thức, thanh niên đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển nghề truyền thống.

Từ nguồn vốn vay thông qua tổ chức đoàn tín chấp đã tạo động lực cho nhiều thanh niên vượt khó vươn lên làm giàu không những cho bản thân, gia đình mà còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. (Ảnh mang tính minh họa)

 Cũng như nhiều cơ sở Đoàn khác trong tỉnh, Đoàn Thanh niên thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) đã và đang phải đối mặt với khó khăn trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức bởi tỷ lệ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của địa phương đi làm ăn xa rất đông. Số ĐVTN có mặt tại địa phương chỉ chiếm khoảng 40%, nhưng chủ yếu là khối trường học hoặc công nhân tại các công ty, doanh nghiệp trong huyện. Vì vậy, họ ít hoặc không "mặn mà" để tham gia vào các tổ chức đoàn thể của địa phương.

 

Để khắc phục hạn chế này, thời gian qua, Ban Chấp hành (BCH) Đoàn thanh niên thị trấn đã đề ra nhiều giải pháp trợ giúp thanh niên thông qua các phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, vượt khó, làm giàu chính đáng”, “Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên”, phát động phong trào “4 mới” (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới và mô hình mới), đặc biệt là triển khai nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh Đoàn thanh niên…

 

Hiện nay, tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn thanh niên thị trấn quản lý là trên 1 tỷ đồng. Nhằm quản lý tốt nguồn vốn và sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, BCH Đoàn thị trấn đã thành lập tổ tiết kiệm, bình xét đối tượng cho vay; lựa chọn những thanh niên có năng lực, nhiệt tình, trung thực tham gia ban quản lý tổ vay vốn; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay; đồng thời đôn đốc các hộ gia đình thanh niên trả lãi và gốc đúng hạn. Do đó, 100% hộ gia đình thanh niên vay vốn sử dụng đúng mục đích và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng uỷ thác.

 

Bên cạnh đó, Đoàn thị trấn còn tăng cường khai thác nguồn vốn nhàn rỗi trong thanh niên bằng việc xây dựng tổ góp vốn tại các chi đoàn với số vốn hàng trăm triệu đồng. Khi đã được tiếp cận nguồn vốn thì khó khăn còn lại đối với nhiều thanh niên nông thôn là cách thức làm giàu, cũng như việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, ngay từ đầu năm, BCH Đoàn thị trấn đã chủ động xây dựng và triển khai các mô hình phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo tới từng đoàn viên với nội dung chính là khuyến khích, nhân rộng các mô hình kinh tế; trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn. Tích cực phối hợp với những ngành chức năng mở các lớp về chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… giúp ĐVTN có kiến thức để phát triển kinh tế.

 

Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn Thanh niên thị trấn An Bài đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề Thanh thiếu niên tỉnh, Trung tâm dạy nghề của huyện mở các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho trên 300 ĐVTN. Có vốn, kiến thức, thanh niên đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển nghề truyền thống. Nếu như 5 năm trước, thị trấn An Bài chỉ có 5 mô hình thanh niên làm kinh tế thì đến nay đã có gần 40 mô hình cho lợi nhuận từ 20 – 100 triệu đồng/năm.

 

Từ nguồn vốn vay thông qua tổ chức đoàn tín chấp đã tạo động lực cho nhiều thanh niên vượt khó vươn lên làm giàu không những cho bản thân, gia đình mà còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Trong số đó có thanh niên Nguyễn Văn Minh, chủ trang trại chăn nuôi lợn hàng năm cho thu lãi trên 50 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Với số vốn tích luỹ của gia đình cùng 8 triệu đồng vay được thông qua tổ chức đoàn, trang trại chăn nuôi lợn của anh từng bước được mở rộng. Anh Minh khẳng định: Thanh niên bây giờ có nhiều cách để lập nghiệp, lập nghiệp bằng con đường học vấn chưa hẳn là duy nhất. Với thanh niên nông thôn, con đường lập nghiệp và làm giàu ngay trên quê hương không phải là việc khó, nếu thật sự có tâm huyết, dám nghĩ, dám làm và được sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay vốn. Hay mô hình sản xuất kinh doanh của thanh niên Vũ Văn Điện, mỗi năm cho thu nhập từ 50- 60 triệu đồng.                                                                                           

 

Có thể nói, việc Đoàn thanh niên “tiếp sức” cho thanh niên nông thôn nói chung, thanh niên thị trấn An Bài nói riêng khai thác hiệu quả nguồn vốn từ các kênh đã đáp ứng được nguyện vọng thiết thực của họ. Tuy nhiên, chính sách vay vốn hiện vẫn còn bị bó hẹp, chưa thật sự mở rộng cả về nguồn vốn và hình thức cho vay. Rất mong, trong thời gian tới Đoàn thanh niên cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn để tạo điều kiện cho thanh niên tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình phát triển kinh tế nông thôn, giúp họ lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất “chôn rau cắt rốn”.

Đức Dũng

         

                                                                   

  • Từ khóa