Thứ 2, 29/07/2024, 13:27[GMT+7]

Nuôi thủy sản ở Vũ Thư Tiềm năng và hiệu quả

Thứ 6, 09/03/2012 | 16:10:46
1,904 lượt xem
Về xã nào của Vũ Thư cũng có những hộ nuôi cá giỏi. Với 1 ha đất đấu thầu, trải qua nhiều năm cải tạo, đầu tư, hiện nay, cơ ngơi sản xuất cá giống của ông Lê Văn Thuấn (Hòa Bình) trông thật đẹp mắt.

Thu hoạch cá tại trang trại anh Phạm Đình Chiểu (Vũ Đoài)

Vũ Thư có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Toàn huyện được bao bọc bởi hệ thống sông với mật độ dày đặc gồm sông Trà Lý chảy qua phía Bắc huyện có chiều dài 23 km đi qua 8 xã, sông Hồng chảy qua phía Tây Nam huyện có chiều dài 34 km, qua địa bàn 14 xã. Ngoài 2 sông lớn còn có sông Kiến Giang chảy qua khu vực trung tâm huyện, sông Búng, sông Cự Lâm, sông Lạng, sông Trạch, sông Bồng Tiên...cung cấp nguồn nước tưới tiêu phục vụ đắc lực sản xuất nông nghiệp toàn huyện.

    

Nuôi trồng, chế biến, đánh bắt thủy sản nước ngọt là nghề truyền thống lâu đời của nhân dân, nhất là những xã duyên giang. Nhằm khai thác, phát huy lợi thế hàng trăm héc-ta ao hồ trong các khu dân cư, các khu vực đầm bãi ven đê, thực hiện Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy vùng sản xuất hàng hóa, UBND huyện đã quy hoạch 4 vùng nuôi thủy sản tập trung diện tích 211,7 ha, trong đó 92 ha đã được chuyển đổi đưa vào nuôi trồng, khai thác theo hướng bán chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất con giống, thức ăn, góp phần đưa sản lượng thủy sản hàng năm tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2011, toàn huyện đạt 4.464 tấn, tăng 4,3 % so với năm 2010. Giá trị thu nhập từ thủy sản ước đạt 40,9 tỷ đồng, tăng 2,27% so với năm 2010.

 

Hiệu quả từ những mô hình

 

Về xã nào của Vũ Thư cũng có những hộ nuôi cá giỏi. Với 1 ha đất đấu thầu, trải qua nhiều năm cải tạo, đầu tư, hiện nay, cơ ngơi sản xuất cá giống của ông Lê Văn Thuấn (Hòa Bình) trông thật đẹp mắt. Toàn bộ 4 ao lớn được xây bao bờ khoảng 27 vạn gạch. Ông đầu tư hệ thống ống nhựa phi 300 đi xuyên qua làng lấy nước sông cung cấp cho ao cá. Ông Thuấn cho biết: với 5 bể ấp trứng, mỗi năm ông cung cấp cho thị trường 50-70 triệu con cá giống, tiêu thụ khắp trong, ngoài tỉnh. Nhiều thời gian không đủ lượng cá giống bán cho những mối hàng quen.

     

Chủ nhân của trang trại nuôi cá lớn nhất huyện là anh Trần Duy Quỳnh (Vũ Vân). Vùng bãi nổi ven sông Hồng rộng 12 ha được anh quy hoạch thành từng khu. Anh thuê máy xúc đào nhiều ao và làm hệ thống cấp tiêu nước kiên cố. Trên những đầm nuôi cá, anh đắp bờ rộng, có thể đi cả ô tô, hai bên trồng bạch đàn, sao đen, chuối. Toàn  bộ diện tích hơn 3 ha ao anh thả cá trắm, chép, mè, trôi.. Mỗi ngày đàn cá được cho ăn 2 lần sáng , chiều, chủ yếu là bột ngô, đậu tương, cám gạo, cám công nghiệp. Nguồn nước sạch đem theo phù du sông Hồng, cộng với thức ăn khá đầy đủ, sản lượng cá tăng dần hàng năm từ 10 đến 30 tấn. Hiện nay, anh đang thực hiện dự án nuôi cá diêu hồng, một loại cá chất lượng cao, thị trường  ưa chuộng.

     

Xuân Hòa- xã duyên giang có 70 ha ao hồ, hàng năm thu hoạch trên  120 tấn cá tôm, chủ yếu phục vụ nhu cầu nhân dân địa phương. So với năm 2005, sản lượng nuôi thủy sản tăng gần 156%. Từ nuôi thả theo phương pháp  truyền thống, nhiều hộ chuyển sang nuôi bán công nghiệp, nhất là những chủ trang trại, gia trại, cho thu nhập cao hơn trước. Đó là trang trại của ông Quynh, ông Kham, anh Nguyễn Văn Mạnh…Những hộ này áp dụng phương thức lấy ngắn nuôi dài, đa cây, đa con tận dụng phụ phẩm chăn nuôi và phân lợn, phân vịt cho cá ăn. Bách Thuận xã nằm ngoài đê sông Hồng, hầu như hộ nào cũng có ao nuôi cá. Từ năm 2006, xã lập dự án vùng nuôi thủy sản tập trung với tổng dự toán 7 tỷ đồng. Nguồn kinh phí của tỉnh và huyện đã đầu tư hệ thống tiêu cấp nước, một số cống đập 2,8 tỷ đồng. Có 32 hộ tham gia đầu tư đào 50 ao nuôi, diện tích 21 ha. Đồng thời nhân dân cải tạo 87 ha ao hồ trong khu dân cư, hiện diện tích mặt nước nuôi thủy sản 108 ha, tăng 4 ha so với trước. Sản lượng cá hàng năm trên 370 tấn, trị giá 5 - 6 tỷ đồng.

 

Nuôi thủy sản đang mở ra hướng đầu tư có triển vọng của xã Vũ Đoài. Xã đã lập quy hoạch vùng nuôi thủy sản diện tích 60,4 ha. Giai đoạn 1 nhân dân đào 30 ao nuôi, diện tích 18,4 ha, còn lại 6 ha là đường giao thông, đắp bờ.  Nhiều hộ ở Vũ Đoài làm giàu từ chăn nuôi, trong đó có con cá. Anh Phạm Đình Chiểu, chủ trang trại lớn nhất xã có hệ thống ao cá  rộng 4 mẫu chủ yếu ương cá bột và cá thịt, sản lượng 4-5 tấn/năm. Ngoài cá truyền thống, gần đây, anh nhập giống cá rô đầu vuông của miền Tây Namon> bộ về nuôi thả thành công, năng suất cao, bán được giá. Bình quân, trừ chi phí, mỗi năm trang trại thu lãi trên trăm triệu đồng.

 

Để nghề nuôi thủy sản phát triển

  

Nói về hiệu quả của nghề nuôi cá, câu tục ngữ Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc có lẽ không phải lúc nào cũng đúng. Như với dự án vùng thủy sản tập trung ở Vũ Tiến, Phúc Thành.  Phúc Thành có tổng diện tích vùng thủy sản tập trung trên 66,7 ha. Kinh phí Nhà nước đã đầu tư xây dựng các cụm cống, kênh thoát và cấp nước, cứng hóa 2 đoạn đường giao thông, xây dựng đường điện ở vùng 1. Nhân dân đã dồn đổi ruộng đào 34/49 ao, chủ yếu thả cá truyền thống, tận dụng nguồn phân lợn, phân gà vịt, cỏ, lá chuối… để cho cá ăn.

 

Qua trò truyện với ông Nguyễn Thế Vang, Nguyễn Duy Vinh, chúng tôi được biết: Năng suất nuôi cá ở đây thấp, nhiều hộ rủi ro, cá chết  do thời tiết thay đổi, đang nắng lâu, mưa to, trút chua xuống ao. Mặt khác, vùng chuyển đổi chung đường tiêu thoát nước với nông nghiệp. Khi họ phun thuốc sâu cho cây lúa, nếu hộ nào lấy nước vào ao cá, cá cũng bị chết nổi.  Ông Lê Văn Thuấn, người có kinh nghiệm sản xuất cá giống cho rằng: Bí quyết duy trì việc nuôi cá an toàn, hiệu quả chính là môi trường nước. Hệ thống ao hồ trong khu dân cư đang dần bị ô nhiễm nặng nề , thả cá không sống được do nước thải, rác, ao tù đọng…lại  không có nguồn nước sạch ra vào thường xuyên.

    

Việc đầu tư quy họach xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung là một chủ trương đúng đắn cần tiếp tục thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đã đến lúc huyện cần sơ kết, tổng kết dự án vùng thủy sản tập trung, đánh giá thực trạng, hiệu quả đạt được, những khó khăn cần phải tháo gỡ.  Đối với những hộ không đủ điều kiện tiếp tục đầu tư, nên chăng chuyển đổi cho các hộ khác. Để giúp cho người dân khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước, nhiều hộ có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đủ điều kiện tài sản bảo đảm do chưa được cấp giấy chững nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt là kiến thức khoa học kỹ thuật cần tiếp tục trang bị cho những hộ sản xuất theo hình thức dạy nghề cho nông cho nông dân.

 

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa