Thứ 2, 29/07/2024, 13:34[GMT+7]

Quản lý tài chính và điều hành ngân sách đáp ứng nhiệm vụ phát triển KT- XH

Thứ 5, 15/03/2012 | 09:12:59
1,610 lượt xem
Trong điều kiện khó khăn do khủng hoảng và suy giảm kinh tế, thời gian qua, công tác quản lý tài chính và điều hành ngân sách ở Thái Bình có nhiều chuyển biến tích cực.

Hải quan Thái Bình tổ chức các lớp tập huấn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu về thủ tục khai báo hải quan điện tử. Năm 2011, đơn vị đã thu thuế XNK 220,3 tỷ đồng, đạt 183,6% dự toán.

Các cấp, các ngành quan tâm, nỗ lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, khai thác nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các loại thuế, phí, lệ phí, sát với kết quả sản xuất kinh doanh dịch vụ của các đơn vị, nộp kịp thời vào Kho bạc. Toàn tỉnh phấn đấu tăng thu nội địa để đảm bảo dự toán HĐND tỉnh giao đầu năm. Tăng cường thanh kiểm tra, truy thu số thuế tồn đọng, khai thác thu khu vực ngoài quốc doanh, phấn đấu tăng thu trên địa bàn đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

 

Kết quả đến 30/12/2011, tổng thu NSNN năm 2011 đạt 7.554 tỉ đồng, tăng 39,7% so với cùng kỳ 2010, bằng 120% dự toán. Tổng thu ngân sách địa phương thực hiện 7.336 tỷ đồng, tăng 43,3% so cùng kỳ 2010, loại trừ thu chuyển nguồn, đạt 119% dự toán. Thu nội địa thực hiện 2.152 tỷ đồng, đạt 121,6% dự toán, bằng 132,2% so cùng kỳ 2010. Một số nguồn thu tăng cao như: thu tiền sử dụng đất 755 tỷ đồng, đạt 167,9% dự toán, tăng 56,6% so cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện 220,3 tỷ đồng, đạt 183,6% dự toán.

 

Ngay từ đầu năm, ngân sách địa phương đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí theo dự toán được duyệt để các ngành, các cấp, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và đột xuất theo chỉ đạo của tỉnh, bảo đảm các nhiệm vụ chính trị, hoạt động của chính quyền các cấp, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đến ngày 30/12/2011 tổng chi ngân sách địa phương là 5.867 tỷ đồng, đạt 121,7% dự toán năm, bằng 138,6% so cùng kỳ 2010. Các khoản chi lớn như: chi phát triển kinh tế 2.546 tỷ đồng, tăng 52,4% so cùng kỳ 2010. Trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện 2.051 tỷ đồng, tăng 67,3% so cùng kỳ,  chi đầu tư phát triển, xây dựng nông thôn mới 101,5 tỷ đồng, hỗ trợ máy nông nghiệp, kho lạnh 21 tỷ đồng. Chi tiêu dùng thường xuyên 3.321 tỷ đồng, đạt 112,9% dự toán năm, tăng 29,6% so cùng kỳ. Tranh thủ sự giúp đỡ của bộ, ngành Trung ương, năm 2011 tỉnh đã tiếp nhận bổ sung 524 tỷ đồng để thực hiện các chế độ chính sách tăng thêm và an sinh xã hội.

 

Thực hiện cơ chế tự chủ, công khai tài chính ngân sách, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, Luật quản lý tài sản công và các quy định của Bộ Tài chính, Nghị định 43/CP, Nghị định 130/CP của chính phủ. Công tác quản lý tài chính ngân sách xã được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn về quản lý, chế độ kế toán, đào tạo tin học cho đội ngũ kế toán cơ sở.

 

Bước sang năm 2012, là năm thứ hai của kế hoạch 5 năm (2011- 2015), căn cứ vào kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, quyết định giao dự toán NSNN của cấp trên, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành tổng thu NSNN 5.822 tỷ đồng, bằng 100,8% so dự toán Bộ Tài chính giao. Thu cân đối ngân sách địa phương là 5.632 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 1.865 tỷ đồng, tăng 0,5% so với dự toán được giao…Dự toán chi năm 2012 được ổn định trên cơ sở năm 2011 bổ sung các yếu tố tăng thêm do chính sách chế độ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương dự toán 5.632 tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2011, (tăng thêm 812 tỷ đồng, bao gồm chi phát triển kinh tế tăng 201 tỷ đồng, chi tiêu dùng thường xuyên tăng 628 tỷ đồng).

 

Ngay từ đầu năm 2012, các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai giao dự toán ngân sách cho các đơn vị thụ hưởng bảo đảm quy định của Luật NSNN. Trong đó chi sự nghiệp khoa học, công nghệ, chi sự nghiệp giáo dục đào tạo, sự nghiệp y tế, tài nguyên môi trường, bảo đảm xã hội không thấp hơn mức tỉnh giao. UBND các địa phương tiếp tục giành một phần tiền sử dụng đất phục vụ việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, hỗ trợ xã khó khăn. Tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quản lý khai thác nguồn thu để làm tốt hơn công tác quản lý thu chi ngân sách đúng quy định về phân cấp nguồn thu. Từ năm 2012, UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách cho đơn vị dự toán cấp 1. Đơn vị dự toán cấp 1 quyết định dự toán thu, chi ngân sách cho đơn vị trực thuộc (cấp 3).

 

Tập trung cải cách tài chính khu vực sự nghiệp công lập, đối với cơ quan đơn vị sự nghiệp, thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí. NSNN bảo đảm chi cho đối tượng nghèo, trẻ em, người có công, gia đình chính sách, tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ công, nhất là dịch vụ thiết yếu. Đồng thời, tạo điều kiện cho người có thu nhập khá được sử dụng các dịch vụ chất lượng cao. Trên cơ sở đó thúc đẩy khu vực sự nghiệp phát triển cả số lượng, chất lượng. Tăng cường phối hợp các cấp, các ngành trong triển khai chế độ, chính sách và sắp xếp bộ máy, ổn định biên chế để ổn định dự toán và bảo đảm đầy đủ chế độ cho cán bộ , công chức, viên chức hành chính sự nghiệp. Tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương năm 2012 theo quy định của Chính phủ. Thu hút thêm các nguồn lực toàn xã hội cùng với vốn NSNN để phát triển hạ tầng KT- XH. Chủ động vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng ,lãng phí trong quản lý sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Thực hiện cải cách các thủ tục hành chính, quy chế công khai tài chính. Tăng cường củng cố công tác tài chính ngân sách xã. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ làm công tác quản lý ngân sách xã, phường, thị trấn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - XH năm 2012.

 

Bài, ảnh: Bảo Linh

 

 

  • Từ khóa