Thứ 2, 29/07/2024, 13:31[GMT+7]

Đông Thọ Phát triển kinh tế từ ba trụ cột

Thứ 5, 29/03/2012 | 15:45:54
1,303 lượt xem
Mặc dù thuộc địa giới hành chính của Thành phố song Ðông Thọ lại không có các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn, hệ thống giao thông liên thôn xuống cấp nghiêm trọng do nằm liền kề với ao hồ lớn, đội ngũ lao động trẻ chủ yếu đi làm ăn xa và vào các nhà máy… Do vậy để phát triển kinh tế địa phương cấp uỷ, chính quyền nơi đây xác định phải dựa vào cả ba trụ cột là nông nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Nghề sản xuất bánh đa truyền thống xã Ðông Thọ (Thành phố). Ảnh: Hiền Trâm

Ðông Thọ là xã nhỏ, ít dân, nằm về phía Bắc Thành phố Thái Bình. Thời gian qua, nhất là sau khi trực thuộc địa giới hành chính của Thành phố, kinh tế- xã hội của Ðông Thọ có bước phát triển khá sôi động, tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng khởi sắc.

 

Mặc dù thuộc địa giới hành chính của Thành phố song Ðông Thọ lại không có các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn, hệ thống giao thông liên thôn xuống cấp nghiêm trọng do nằm liền kề với ao hồ lớn, đội ngũ lao động trẻ chủ yếu đi làm ăn xa và vào các nhà máy… Do vậy để phát triển kinh tế địa phương cấp uỷ, chính quyền nơi đây xác định phải dựa vào cả ba trụ cột là nông nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

 

Xuất phát từ đặc điểm đồng đất của Ðông Thọ phân bố cao thấp không đều, chua trũng đan xen và có tới 1/ 3 diện tích canh tác xâm canh với Ðông Hoà (Thành phố) và Tân Phong (Vũ Thư). Chính vì vậy để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, Ðông Thọ chủ trương vận động các hộ dân thực hiện dồn điền đổi thửa giúp hình thành các mảnh lớn liền kề tạo thuận lợi cho việc quy hoạch cây trồng và cơ giới hoá sản xuất. Ðến nay toàn xã đã hoàn thành việc dồn đổi ruộng, bình quân số thửa còn 1,72 thửa/ hộ, giảm 1,24 thửa/ hộ so với trước đây, trong đó 618/ 1.510 hộ chỉ còn duy nhất 1 thửa ruộng.

 

Sau dồn điền đổi thửa, xã huy động sức dân ra quân làm thuỷ lợi nội đồng, đào đắp gần 61.000m3 đất, củng cố 7,8km bờ thửa và gần 6,6km bờ vùng, trung bình mỗi hộ dân tự nguyện hiến 15,3m2 đất/ sào để xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Ðây là tiền đề quan trọng để Ðông Thọ từng bước loại bỏ hoàn toàn các giống lúa dài ngày, tiếp thu các giống chất lượng cao vào sản xuất đại trà, áp dụng phương thức gieo thẳng thí điểm được 6ha, quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá rộng 60ha, quy hoạch vùng chuyển đổi rộng 20ha. Ðến nay các hộ dân trong xã đã chuyển đổi 10ha từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa và quất cảnh, mỗi năm cho thu nhập gần 2 tỷ đồng. Vùng trồng cây ăn quả, rau màu và cây vụ đông rộng gần 60ha mỗi năm cho thu nhập khoảng 2,1 tỷ đồng. Tính chung giá trị sản xuất 1ha vùng chuyển đổi và vùng chuyên canh hàng hoá đạt xấp xỉ 200 triệu đồng/ năm.

 

Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi ở Ðông Thọ thời gian qua có bước phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, quy mô gia trại và trang trại. Cơ cấu đàn từng bước được điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường với khoảng 1.700 con lợn, 12.000 con gia cầm các loại, giá trị thu nhập hàng năm đạt gần 18 tỷ đồng. Ðặc biệt, thời kỳ những năm 1970 thực hiện chủ trương đào lấy đất để đắp đê Trà Lý nên hiện nay diện tích ao, hồ, đầm của Ðông Thọ khá lớn lên tới gần 38ha, toàn bộ diện tích này được các hộ cải tạo phục vụ nuôi thả thuỷ sản, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn cá thịt các loại, thu nhập từ chăn nuôi thuỷ sản đạt trên 3 tỷ đồng mỗi năm.

 

Phát huy lợi thế của một xã ven đô nên lĩnh vực thương mại- dịch vụ và ngành nghề thủ công ở Ðông Thọ có bước phát triển rất sôi động. Toàn xã hiện có 350 hộ với khoảng 1.300 lao động làm nghề thủ công. Trong đó nổi bật nhất là nghề sản xuất miến dong và bánh đa đang thu hút 250- 300 lao động, sản phẩm miến dong do Ðông Thọ sản xuất đã trở nên nổi tiếng và có mặt không chỉ ở trong tỉnh mà còn được xuất bán ra tỉnh ngoài. Ngoài ra trên địa bàn xã còn có các nghề mộc, cơ khí, xây dựng…Chưa kể số lao động đi làm ăn xa và làm công nhân thường xuyên có khoảng 750 người. Tổng giá trị sản xuất từ TTCN và XD hàng năm đạt khoảng 43 tỷ đồng. Hoạt động TM- DV ngày càng tăng về số lượng, đa dạng về ngành nghề đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng và nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các hộ dân. Giá trị từ TM- DV hàng năm ước đạt 44 tỷ đồng.

 

Kinh tế phát triển là điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực phục vụ đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Tổng kinh phí từ nguồn lực Nhà nước kết hợp với nhân dân đóng góp mà Ðông Thọ đã đầu tư cho việc nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng trong 3 năm trở lại đây lên tới hơn 17 tỷ đồng. Nguồn lực trên đã giúp địa phương xây dựng mới Trường THCS trị giá trên 8 tỷ đồng, nâng cấp tuyến đường số 4 thuộc khu trung tâm xã trị giá 2,2 tỷ đồng, xây dựng công trình Trạm y tế đạt chuẩn trị giá hơn 2 tỷ đồng, cứng hoá hơn 1.000m kênh mương cấp I và cấp II, xây mới 2 nhà văn hoá thôn và bãi chứa rác trung chuyển. Ngoài ra, các thôn còn vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động và kinh phí mở rộng đường giao thông thôn xóm từ 3,5 - 5m với tổng chiều dài đạt 2,3km.

 

Thời gian tới, Ðông Thọ chủ trương tiếp tục khai thác tối đa mọi nguồn lực, gắn phát triển KT- XH với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành 19 tiêu chí để trở thành xã nông thôn mới. Tập trung quy hoạch hình thành một số vùng chuyên canh hàng hoá như vùng cấy lúa chất lượng cao, vùng trồng hoa và cây cảnh, vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung…Xây dựng khu làng nghề ven đê Trà Lý; quy hoạch cụm công nghiệp Ðồng Thỏ rộng gần 6ha; chuyển 2,5ha đất nông nghiệp thuộc thôn Thống Nhất, Hồng Phong và 0,2ha đất nông nghiệp ven chợ Hộ sang làm dịch vụ…Ðồng thời phối hợp với các trung tâm, doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho nông dân, từng bước rút bớt lao động nông nghiệp sang làm các ngành nghề khác…

Vũ Mạnh

  • Từ khóa