Thứ 2, 29/07/2024, 13:29[GMT+7]

Quỹ tín dụng nhân dân Đình Phùng Phục vụ đắc lực cho phát triển kt - xh ở địa phương

Thứ 5, 05/04/2012 | 16:37:54
1,258 lượt xem
Được thành lập từ năm 1996, trải qua 16 năm hoạt động, đến nay Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Đình Phùng (Kiến Xương) luôn là địa chỉ tin cậy giúp nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng; phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Ảnh: Ngọc Trâm

Quỹ TDND Đình Phùng hiện có 10 cán bộ, nhân viên; trong đó, 7 người có trình độ trung cấp và 3 người đang theo học đại học. Xác định việc kết nạp thành viên luôn là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong nhiệm vụ tăng trưởng và phát triển của Quỹ; do vậy, trong những năm qua, công tác phát triển thành viên luôn được Quỹ quan tâm hàng đầu. Từ 140 thành viên vào năm 1996, đến năm 2011, tổng số thành viên của Quỹ đã lên tới 1.154 người.

 

Với nhu cầu giao dịch ngày càng cao, năm 2006, Quỹ đã mở thêm phòng giao dịch tại xã Quang Lịch. Mặc dù hoạt động trong điều kiện gặp nhiều khó khăn: địa bàn hoạt động hẹp, dân số ít, kinh tế chủ yếu là thuần nông, mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại còn nhỏ lẻ manh mún, ngành nghề kém phát triển; nên nhu cầu vay vốn, sử dụng vốn của thành viên còn hạn chế, chưa khai thác triệt để và phát huy hết khả năng sinh lời của đồng vốn trong kinh doanh. Bên cạnh đó, điều kiện tài chính kinh tế của Quỹ còn hạn chế, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị và cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, trụ sở phòng giao dịch còn đi thuê... Song vượt qua mọi khó khăn, Quỹ TDND Đình Phùng đã tích cực, chủ động khai thác mọi nguồn vốn đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của thành viên. Năm 2006, tổng nguồn vốn của Quỹ mới chỉ đạt 4,105 tỷ thì đến 31/12/2011 tổng nguồn vốn của Quỹ đã lên tới 15,762 tỷ đồng; trong đó, vốn điều lệ 516,2 triệu đồng, vốn huy động tiền gửi 14,235 tỷ đồng, vốn đi vay 550 triệu đồng và các loại vốn quỹ khác 340,8 triệu đồng.

 

Cùng với công tác huy động vốn, hoạt động cho vay của Quỹ luôn đáp ứng được nhu cầu của các thành viên, không gây phiền hà đặc biệt trong thời điểm kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng và bình ổn giá cả thị trường. Nhiệm kỳ 2007-2011, Quỹ đã cho 2.099 lượt thành viên vay vốn với tổng số tiền cho vay 51,301 tỷ đồng đầu tư cho sản xuất kinh doanh dịch vụ, sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Đồng vốn cho vay được các thành viên sử dụng rất hiệu quả, tạo công ăn việc làm, giúp nhiều thành viên thoát nghèo vươn lên làm giàu như: Ngô Văn Tề (thôn Nam Huân Bắc) vay 100 triệu đồng phát triển chăn nuôi lợn với tổng số trên 100 con; Phạm Thị Thoa (thôn Nam Huân Bắc) vay 100 triệu đồng phát triển kinh doanh; Nguyễn Thị Nhung (thôn Cao Trung) vay 120 triệu đồng phát triển trang trại, Phạm Văn Đa (thôn Cao Trung) vay 60 triệu đồng mua máy làm đất cỡ trung...

 

Gắn liền với các hoạt động cho vay, định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm Quỹ còn lên kế hoạch và tích cực đôn đốc nhân viên thu hồi nợ gốc, nợ lãi và nợ khó đòi. Do vậy, việc thu lãi hàng tháng luôn đạt tỷ lệ cao, từ 95-97%. Với sự cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên trong Quỹ, hàng năm, Quỹ luôn thu được kết quả kinh doanh đáng khả quan, lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước, từ 38,4 triệu đồng (năm 2006) lên 129,44 triệu đồng (năm 2011). Đến ngày 27/03/2012, tổng dư nợ cho vay của Quỹ đạt 14,114 tỷ đồng; trong đó, cho vay sản xuất nông nghiệp 2,641 tỷ đồng, cho vay kinh doanh dịch vụ 2,725 tỷ đồng, cho vay sinh hoạt đời sống 8,648 tỷ đồng và cho vay khác 100 triệu đồng; tổng huy động tiền gửi 16,467 tỷ đồng.

 

Ông Phạm Xuân Hoài – Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND Đình Phùng cho biết: Sở dĩ đạt được các kết quả trên là do nhận thức rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ của công tác quản lý điều hành các mặt hoạt động của Quỹ, Hội đồng quản trị đã chủ động rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, xây dựng các quy chế hoạt động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng ngày càng được đầu tư củng cố, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện; diện mạo nông thôn ngày một đổi mới, đời sống sinh hoạt của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt đã làm cho nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển kinh tế của nhân dân ngày càng tăng cao. Hàng năm, Quỹ còn thường xuyên mua sắm bổ sung trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu hoạt động như: máy tính, máy in, két sắt, phần mềm quản lý kho quỹ, máy soi, máy đếm tiền...

 

Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ nhân viên cũng được Quỹ đặc biệt chú trọng. Quỹ thường xuyên cử cán bộ theo học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Ngân hàng Nhà nước tỉnh mở; từ đó đã phát huy được tinh thần trách nhiệm, giải quyết xử lý mọi công việc kịp thời, phục vụ khách hàng chu đáo. Ngoài ra, Quỹ cũng nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương hai xã Đình Phùng, Quang Lịch và các ban, ngành, đoàn thể luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp Quỹ hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

 

Từ nay đến năm 2016, Quỹ phấn đấu kết nạp thành viên tăng từ 3-4%, tương đương với việc kết nạp từ 40-45 thành viên; tăng vốn điều lệ từ 516 triệu đồng lên 1 tỷ đồng vào 31/12/2016; tổng nguồn vốn tăng ổn định bình quân từ 20-25%/năm; nguồn vốn huy động tại chỗ tăng từ 20-23%; dư nợ cho vay tăng bình quân từ 15-18%; nợ quá hạn dưới mức 1%; đồng thời, bảo đảm chế lương, phụ cấp cho cán bộ nhân viên trong Quỹ.

  Minh Hương

 

  • Từ khóa