Thứ 7, 28/12/2024, 03:40[GMT+7]

Sâu bệnh diễn biến phức tạp trên lúa xuân

Thứ 4, 02/05/2012 | 08:31:51
2,106 lượt xem
Sau khi các địa phương kết thúc bón phân lần 1 trong tháng 3, kết hợp với tuần đầu tháng 4 có mưa rào nên đến nay lúa xuân phát triển khá tốt, thân dài, lá cứng và đang đứng cái làm đòng. Tuy nhiên, theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) từ nay đến cuối vụ sâu bệnh diễn biễn rất phức tạp, nhất là sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, khô vằn và bệnh đạo ôn hại cổ bông.

Nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân. Ảnh: Ngọc Trâm

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên lúa xuân, Chi cục BVTV đã khuyến cáo các HTXDVNN thường xuyên tổ chức kiểm tra đồng ruộng và hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng trừ.

 

Dự kiến vụ lúa xuân năm 2012 sẽ trỗ bông sớm hơn vụ xuân trước, nhưng muộn hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 5 – 7 ngày, chủ yếu tập trung trỗ bông ở tuần 2 và 3 tháng 5, có khoảng trên 3 nghìn ha trỗ sang tuần đầu tháng 6. Vì vậy, để bảo đảm cho lúa xuân an toàn từ nay đến cuối vụ là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến năng suất, chất lượng.

 

Hiện nay, các bệnh phát sinh hại lúa đang diễn biến rất phức tạp. Đồng thời trước đó nguồn bệnh đạo ôn gây hại trên lá lúa khá nặng nên nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên diện rộng đối với các giống nhiễm bệnh này vào thời điểm trỗ bông là rất cao.

 

Thực tế cho thấy, bệnh đạo ôn xuất hiện và gây hại trên lúa cục bộ ở một số địa phương rất sớm, từ ngày 5/3 bệnh đã gây hại trên các ruộng có nguồn bệnh từ mạ gieo không đúng thời vụ đem vào cấy. Vì vậy bệnh đạo ôn đã lây lan và phát sinh trên diện rộng thành 2 cao điểm rõ rệt. Bệnh phát sinh gây hại nặng lần đầu từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 3.

 

Đợt cao điểm này, cả tỉnh có khoảng trên 14 nghìn ha lúa bị nhiễm bệnh nặng, trong đó có 13,7 ha bị lùn lụi, nhiều diện tích phải phun lại từ 2- 3 lần. Cao điểm đợt hai, bệnh đạo ôn đã phát sinh trên diện rộng từ 10/4 cho đến nay, diện tích bị nhiễm là 17.250 ha, trong đó 2.113 ha bị bệnh nặng. Đợt bệnh đạo ôn này, toàn tỉnh đã phun 19 nghìn ha, sau phun còn 10,8 ha bị lùn lụi, diện tích còn lại ít khả năng lây lan, lá mới ra không bị nhiễm bệnh.

 

Do đó, từ nay đến cuối vụ khả năng bệnh đạo ôn hại lá không lớn. Tuy nhiên, với nguồn bệnh hiện tại trên đồng ruộng và các đợt không khí lạnh kèm mưa trong tháng 5 sẽ tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn hại cổ bông là rất nặng trên các giống lúa khi trỗ bông. Cùng với bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ vụ xuân này cũng cao hơn so với vụ xuân trước.

 

Qua điều tra của Chi cục BVTV cho thấy, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành rộ trên đồng ruộng từ ngày 22/4 đến hết tháng 4, rộ nhất từ ngày 24 – 27/4; sâu non tuổi 1 rộ nhất từ ngày 29/4 đến 6/5. Các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, phía Nam Kiến Xương, Vũ Thư, Thành phố, Đông Hưng mật độ sâu cao hơn, trung bình từ 50 – 80 con/m2, nơi cao 100 – 120 con/m2, cá biệt có nơi từ 150 – 200 con/m2. Đối với các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, phía Bắc Đông Hưng, Vũ Thư, Kiến Xương mật độ sâu phổ biến từ 30 – 40 con/ m2, nơi cao 70 – 80 con/m2, cá biệt có nơi 100- 150 con/m2. Toàn tỉnh, diện tích có mật độ sâu cuốn lá nhỏ từ 30- 50 con/ m2 khoảng 50 nghìn ha; mật độ từ 100- 150 con/m2 khoảng 25 nghìn ha; mật độ sâu cao cá biệt từ 150 – 200 con/m2 khoảng 3.400 ha.

 

Đối với rầy, qua theo dõi hệ thống bẫy đèn và thực tế ngoài đồng ruộng của Chi cục BVTV từ đầu vụ đến nay cho thấy lượng rầy trưởng thành di trú cao hơn rất nhiều năm. Rầy lứa 2 nở rộ từ đầu tháng 4, hiện đang liên tiếp bổ sung mật độ, rầy non trên diện rộng khoảng 100- 150 con/m2, nơi cao 500 – 700 con/m2, cá biệt có nơi 2000 – 3000 con/m2, trong đó khoảng 70% là rầy lưng trắng.

 

Từ sau ngày 15/4 đến nay trên đồng ruộng tiếp tục hình thành một bộ phận rầy nâu trưởng thành cánh ngắn trên diện rộng, khoảng 20 – 30 con/m2...; trứng rầy nơi cao có hàng vài trăm ổ/m2. Như vậy, từ nay đến cuối vụ sẽ có 2 đợt rầy non nở rộ và có nguy cơ gây hại trên diện rộng. Đợt 1, rầy lứa 3 nở rộ sau ngày 25/4 đến đầu tháng 5, mật độ có thể lên tới vài nghìn, hạng vạn con và gây cháy cục bộ khi lúa mang đòng, trỗ bông; đồng thời đợt rầy này còn có nguy cơ lây bệnh lùn sọc đen. Rầy lứa 4, đợt 2 nở sau ngày 25/5 và gây hại khi lúa chắc xanh, chín.

 

Ngoài các đối tượng sâu bệnh gây hại chính cho lúa xuân, hiện nay trên đồng ruộng còn xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại khác, như khô vằn, đục thân 2 chấm và ốc bươu vàng, chuột. Toàn tỉnh có khoảng 12 nghìn ha lúa bị nhiễm khô vằn, tỷ lệ bệnh từ 5 – 10%, cục bộ diện tích 20% số dảnh bị nhiễm. Bệnh này nếu không được quan tâm phòng trừ cuối vụ sẽ gây hiện tượng yếu gốc làm lúa dễ bị đổ khi gặp mưa giông...

 

Để bảo đảm an toàn cho lúa xuân giành thắng lợi về năng suất, chất lượng, cần phát động chiến dịch phòng trừ như sâu cuốn lá nhỏ trên trà lúa trỗ bông trong tháng 5; thời gian phun từ ngày 2- 5/5, với diện tích khoảng 78 nghìn ha; phòng trừ cho các diện tích lúa nhiễm rầy với mật độ từ 800 con/m2 trở lên. Cùng với việc phòng trừ sâu bệnh, các địa phương cần giữ đủ nước không để ruộng khô hạn, không bón đạm đơn nuôi đòng, nuôi hạt và ngừng bón phân qua lá, cũng như các chất kích thích sinh trưởng. Bên cạnh đó, phải tiếp tục tăng cường lực lượng cán bộ kỹ thuật BVTV, khuyến nông viên theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa và cây màu để thông báo kịp thời cho cơ quan chuyên môn và hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ.

Nguyên Bình

                       

  • Từ khóa