Thứ 4, 22/01/2025, 18:46[GMT+7]

Quyết liệt phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân

Thứ 3, 08/05/2012 | 16:17:59
1,983 lượt xem
Thực hiện Công điện số 03/CĐ-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân, trong những ngày đầu tháng 5/2012, trên khắp các xứ đồng ở các địa phương trong tỉnh bà con nông dân đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân.

Nông dân xã Thống Nhất (Hưng Hà) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân. Ảnh: Thành Tâm

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh cho biết: Đến ngày 4/5 toàn tỉnh đã phun trừ sâu cuốn là nhỏ lứa 2 được gần 78 nghìn ha, chiếm 93,25% diện tích lúa trong diện phải phun. Với tiến độ này, nếu bà con nông dân thực hiện đúng  hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và tiếp tục phòng trừ rầy thì vụ xuân sẽ hứa hẹn giành thắng lợi toàn diện.

 

Theo bà Phạm Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Trồng trọt – Sở Nông nghiệp & PTNT, đến nay lúa xuân sinh trưởng khá tốt, bộ đòng to, một số nơi lúa đã bắt đầu trỗ bông; dự kiến lúa sẽ trỗ bông đại trà từ ngày 15/5 – 20/5, với tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa hiện nay, nếu chiến dịch phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao thì vụ xuân cơ bản sẽ giành thắng lợi.

 

Thực tế cho thấy, vụ lúa xuân này có nhiều chuyển biến cả về cơ cấu giống và phương thức gieo cấy, đây là một trong những yếu tố để giành năng suất cao, tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Toàn tỉnh gieo cấy được trên 82 nghìn ha, trong đó gieo thẳng đạt gần 18 nghìn ha; các giống lúa năng suất cao, chất lượng gạo khá ngày càng được mở rộng, riêng giống BC15 đã chiếm trên 23% tổng diện tích lúa xuân. Sau gieo cấy, thời tiết tuy có rét kéo dài, song cường độ các đợt rét không mạnh, đồng thời kết hợp với độ ẩm không khí cao đã tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt. Tuy nhiên, do thời tiết tháng 3 liên tục có mưa phùn kéo dài, số giờ nắng thấp, độ ẩm luôn ở mức trên 94%, đây là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Trong những tuần đầu tháng 4, đêm và sáng hầu như có mưa, trưa, chiều nắng, ẩm độ không khí vẫn ở mức cao trên 88%, kết hợp với việc chăm sóc, mưa rào sớm nên lúa tốt nhanh, nhưng đây lại là điều kiện lý tưởng cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại, như đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ.

 

Trước thực trạng này, các địa phương đã triển khai chiến dịch phòng trừ đạo ôn ở 2 đợt cao điểm, với diện tích phun trên 36 nghìn ha...Sau khi nông dân thực hiện việc phòng trừ bệnh đạo ôn, những diện tích lúa bị nhiễm đã phục hồi khá nhanh và ra lá mới không bị nhiễm bệnh lại. Vì vậy từ nay đến cuối vụ bệnh đạo ôn hại lá khả năng gây hại là không lớn, tuy nhiên theo khuyến cáo của Chi cục BVTV với nguồn bệnh hiện tại trên đồng ruộng và các đợt lạnh kèm mưa trong tháng 5 sẽ tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn cổ bông gậy hại trên các giống lúa khi trỗ bông. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, cuối tháng 4, đầu tháng 5 đã xuất hiện và gây hại trên toàn bộ diện tích lúa xuân, nhất là diện tích lúa muộn, lá xanh non, diện tích lúa thừa đạm mức độ gây hại nặng hơn. Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh, UBND tỉnh có Công điện số 03/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân.

 

Theo đó, chiến dịch phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu bệnh khác được triển khai thực hiện từ ngày 2/5 – 5/5 trên toàn bộ diện tích lúa xuân. Phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lần này có ý nghĩa rất lớn đến việc bảo vệ an toàn bộ lá đòng, lá công năng, quyết định khá lớn đến năng suất của vụ xuân, vì vậy các huyện, thành phố đã triển khai khá tích cực. Cụ thể, huyện Tiền Hải đã có công văn chỉ đạo các xã triển khai chiến dịch phòng trừ sâu bệnh; trong 2 ngày từ 2 -3/5 huyện đã bố trí xe tuyên truyền lưu động đến tận thôn làng, xứ đồng về ý nghĩa, mục đích của đợt phòng trừ sâu bệnh này; bên cạnh đó huyện đã giao nhiệm vụ cho cán bộ phụ trách cụm để đôn đốc các xã thực hiện; đến hết ngày 4/5, Tiền Hải cơ bản đã phun xong 100% diện tích lúa xuân trong diện phải phun. Thái Thụy, đã bố trí xe tuyên truyền lưu động từ ngày 1 – 2/5; đồng thời tổ chức phỏng vấn về chiến dịch phòng trừ sâu bệnh trên loa truyền thanh xã và phân công cán bộ phụ trách cụm, xã; đến ngày 4/5, 100% diện tích phải phun đã được phun. Hay như ở Vũ Thư đã tăng thời lượng tuyên truyền trên loa phát thanh, đồng thời có công văn chỉ đạo tiếp tục phòng trừ rầy; đến ngày 4/5, đã có 8.300 ha/ 8.700 ha được phun phòng trừ...

 

Sự tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh của các địa phương rất đáng ghi nhận, song trong quá trình tổ chức phun vẫn còn một số vấn đề cần phải chấn chỉnh để các đợt phòng trừ tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn. Bà Trần Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Trồng trọt –Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Trong quá trình đi kiểm tra ở một số địa phương, bà con nông dân thực hiện phun phòng trừ sâu bệnh rất tích cực, nhưng các loại thuốc phun không theo đúng khuyến cáo của Chi cục BVTV, do đó chưa diệt triệt để được sâu bệnh, phải phun lại nhiều lần; đồng thời còn kết hợp pha nhiều loại thuốc trong 1 bình.

 

Theo dự báo của Chi cục BVTV, từ nay đến cuối vụ sâu bệnh còn diễn biến phức tạp trên đồng ruộng, như khô vằn, đạo ôn cổ bông, rầy các loại và đục thân 2 chấm...Đặc biệt là rầy, mức độ và quy mô gây hại sẽ nặng và sớm hơn so với vụ xuân 2011; rầy có thể gây cháy ngay khi lúa làm đòng, trỗ bông.  Hiện rầy lứa 3 đã nở rộ từ ngày 25/4 đến nay, mật độ cao lên tới vài nghìn con đến 1 vạn con/ m2; rầy lứa 4 sẽ nở sau ngày 25/5, gây hại khi lúa chắc xanh và chín.

 

Hiện tại bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện rải rác ở tất cả các xã ở Tiền Hải, tuy nhiên mức gây hại không lớn, song bệnh vẫn có nguy cơ cao đối với trà lúa trỗ bông cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2012. Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, bảo vệ an toàn lúa xuân trong tỉnh, các địa phương tiếp tục theo dõi đồng ruộng, nếu mật độ rầy từ 800 con/ m2 trở lên cần phun bằng các thuốc Oshin 20WP, Penalty 40WP, Actara 25 WG... nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì. Tập trung phòng bệnh đạo ôn hại cổ bông trên các giống nhiễm ở thời kỳ lúa trỗ, bằng các thuốc Kasais 92SC, Kabim 30WP, Beam 75WP... Bệnh khô vằn, nhằm tránh phun tràn lan, nông dân chỉ phun thuốc trên ruộng có tỷ lệ nhiễm bệnh từ 5% trở lên, bằng thuốc Anvil 5SC, Validacin 5SI. Ngoài các loại thuốc theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, bà con nông dân không nên mua các loại thuốc khác để bảo đảm phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao, không phải phun lại nhiều lần; đồng thời không pha trộn quá 3 loại thuốc trong 1 bình.

Nguyên Bình

  • Từ khóa