Thứ 3, 30/07/2024, 05:23[GMT+7]

Quản lý cụm công nghiệp còn nhiều bất cập (Kỳ 2)

Thứ 6, 20/09/2019 | 10:27:45
1,859 lượt xem
Thái Bình hiện có 42 cụm công nghiệp (CCN) được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đã đi vào hoạt động với trên 256 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, các CCN chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về môi trường, tác động tiêu cực tới môi trường sống xung quanh.

Công ty TNHH May xuất khẩu Quang Huy (cụm công nghiệp Nguyên Xá, Vũ Thư) có trên 230 lao động nhưng nước thải sinh hoạt, khu nhà bếp chỉ được xử lý sơ bộ trước khi xả ra môi trường.

Kỳ 2: Ô nhiễm môi trường từ cụm công nghiệp 

(tiếp theo và hết)

CCN Thái Phương (Hưng Hà) có 19 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực chủ yếu là dệt khăn, tạo việc làm cho khoảng 1.300 lao động. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đang ở mức báo động. Các doanh nghiệp, cơ sở tẩy nhuộm khăn hầu như chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và việc bảo hộ lao động rất sơ sài. Chính vì vậy, hóa chất tẩy nhuộm cứ được “vô tư” xả thẳng ra môi trường, ngấm vào nguồn nước, đồng ruộng của người dân. Những rãnh dẫn nước thải xung quanh CCN đen kịt, bốc mùi hôi thối, không khí ngột ngạt, khó thở. Hàng ngày người dân nơi đây bị “tra tấn” không chỉ bởi bụi, tiếng ồn mà còn cả mùi hôi thối từ các cơ sở tẩy nhuộm và từ con sông dẫn nước chảy dọc quanh làng. 

Đưa chúng tôi đi dọc con sông Tân Việt và sông Đồng Buộm chạy qua địa phận thôn đã bị đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ông Nguyễn Xuân Thịnh, Bí thư Chi bộ thôn Phương La 3 bức xúc: Thời gian qua, các doanh nghiệp, hộ tẩy nhuộm nhiều lần bị UBND tỉnh, huyện ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế, yêu cầu chuyển địa bàn hoạt động do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép ra môi trường. Song chỉ được một thời gian, các doanh nghiệp lại bất tuân thủ, hoạt động trở lại và tiếp tục xả chất thải độc hại ra môi trường, khiến dòng sông ngày càng đen đặc, mùi rất khó chịu. Mỗi ngày, các cơ sở tẩy nhuộm xả nước thải từ 1.000 - 1.500m3, hàm lượng BOD5, COD, TSS vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam cho phép từ 1,5 - 3 lần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân. Việc xử lý các cá nhân, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã kéo dài nhưng vẫn chưa có hồi kết. Mặc dù, hệ thống xử lý nước thải tập trung CCN Thái Phương đã hoàn thành từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào vận hành, sử dụng, gây bức xúc trong nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường nước thải.

CCN Trần Lãm hiện có 16 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 600 lao động song vẫn chưa được đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung. 

Tại Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp và du lịch An Mỹ Phát, qua giám sát phát hiện Công ty cho Công ty Cổ phần Đầu tư QDH thuê lại đất để sản xuất dây thít nhựa, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Theo báo cáo của Công ty, do chưa có hoạt động sản xuất phát sinh xả thải rắn cũng như nước thải sản xuất mà chỉ có nước thải sinh hoạt nên Công ty đã được đấu nối vào hệ thống cống nước thải sinh hoạt của CCN. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra tại Công ty, hoạt động sản xuất dây thít có phát sinh chất thải rắn nguy hại như cặn dầu nhớt trong sản xuất. Chất thải nguy hại này chưa được doanh nghiệp thu gom, ký hợp đồng với đơn vị chuyên môn để xử lý theo quy định. 

Tại CCN Nguyên Xá (Vũ Thư), Công ty TNHH May xuất khẩu Quang Huy vẫn đang sử dụng giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án đầu tư xây dựng xưởng thêu may của cơ sở may thêu Vân Long từ tháng 9/2008 dù đã chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh thêu sang may từ tháng 1/2015. Với trên 230 lao động đang làm việc nhưng Công ty chưa có hệ thống xử lý nước thải mà chỉ có 2 bể chứa nước thải nhà vệ sinh và khu nhà bếp rộng từ 10 - 15m3 được thiết kế xây 3 ngăn lọc rác sinh hoạt trước khi xả thải ra môi trường.

Rác thải tràn lan trên sông Buộm tại làng nghề xã Thái Phương (Hưng Hà).

Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh quy hoạch 50 CCN với tổng diện tích 2.578,6ha; trong đó 45 CCN đã được thành lập với tổng diện tích quy hoạch 2.283,6ha, tỷ lệ lấp đầy 32,2% đất công nghiệp cho thuê, 76,08% diện tích đất thu hồi. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đối với chất thải rắn thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp cơ bản được các cơ sở thu gom và hợp đồng với các doanh nghiệp có đủ điều kiện vận chuyển và xử lý. Nhưng việc thu gom, xử lý chất thải rắn tại CCN vẫn còn một số hạn chế, một số cơ sở có số lượng chất thải công nghiệp phát sinh ít vẫn còn thu gom xử lý cùng chất thải sinh hoạt.

Bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp là yêu cầu cấp thiết hiện nay, bởi đây chính là cơ sở để phát triển công nghiệp bền vững. Vì vậy, các cấp, các ngành và địa phương phải đặt mục tiêu bảo vệ môi trường song song với việc phát triển bền vững của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cần phải xem việc giải quyết ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; đồng thời nâng cao ý thức của chủ doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường. Có như vậy thì sự phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh ta mới thật sự bền vững.

Đức Dũng

  • Từ khóa