Thứ 3, 30/07/2024, 05:24[GMT+7]

Phát triển thương mại, dịch vụ tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp

Thứ 4, 25/09/2019 | 15:38:19
2,142 lượt xem
Sáng ngày 25/9, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo với chủ đề: Giải pháp phát triển thương mại, dịch vụ tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì buổi hội thảo.

Audio: 26092019_thuong_mai_mixdown.mp3

Các đồng chí: Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đồng chủ trì buổi hội thảo. 

Cùng dự hội thảo có lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và một số doanh nghiệp. 

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin một số kết quả phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của Thái Bình những năm gần đây và khẳng định liên kết vùng sẽ tạo ra mũi nhọn, các "cực tăng trưởng" đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Bên cạnh phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và mỗi địa phương, liên kết vùng còn là biện pháp khắc phục cơ cấu kinh tế "khép kín" của địa phương và khai thác tối đa nguồn lực xã hội. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, hội thảo sẽ là diễn đàn quan trọng để các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp trao đổi, đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa và tạo sự liên kết giữa các địa phương, phát triển kinh tế vùng và giúp các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Vấn đề liên kết vùng đã đặt ra từ lâu nhưng việc thực hiện chưa hiệu quả, chưa tạo ra động lực phát triển kinh tế vùng và cho mỗi địa phương. Nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất hàng hóa, tạo sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực Bắc Bộ cần phải có những giải pháp đột phá, đồng bộ, thiết thực; hy vọng các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp sẽ thảo luận chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp để tạo đà cho kinh tế khu vực Bắc bộ phát triển nhanh và bền vững.

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, hội thảo đã nghe 8 tham luận của đại diện lãnh đạo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Sở Công Thương các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, một số doanh nghiệp và Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. 

Các ý kiến tham luận tập trung làm rõ những rào cản khiến cho liên kết vùng thời gian qua còn lỏng lẻo, kém hiệu quả như: Thể chế, cơ chế chính sách chưa đồng bộ; việc xây dựng mục tiêu, kế hoạch của mỗi địa phương chưa cụ thể, chưa tạo ra động lực thúc đẩy liên kết; các địa phương chưa xác định được lợi thế so sánh và phân công vùng để khai thác lợi thế đó cho sự liên kết với nhau... Các doanh nghiệp cho rằng, việc liên kết của doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người sản xuất, tiêu dùng thời gian qua chủ yếu là tự phát, chưa có sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước khiến cho hiệu quả không cao, thiếu tính ổn định và tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ mối liên kết.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân hạn chế trong hoạt động liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn đang cản trở sự phát triển kinh tế vùng và liên kết các địa phương trong khu vực Bắc bộ với nhau; đồng thời xây dựng môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển thương mại, dịch vụ thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo ra hệ điều kiện tốt kích thích các địa phương, các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nhau, cùng phát triển nhanh, mạnh, lâu dài góp phần phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng Bắc bộ vượt lên trong những năm tới.

Các đại biểu dự buổi hội thảo. 

Kết luận buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Hội thảo đã thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến tham luận có chất lượng cao cả về lý luận và thực tiễn. Đây sẽ là cơ sở, tiền đề để các nhà quản lý, các bộ, ngành trung ương và địa phương, các doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có những hành động thiết thực để thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương, góp phần đưa Bắc bộ trở thành khu vực kinh tế trọng điểm năng động bậc nhất của cả nước.

Khắc Duẩn

  • Từ khóa