Thứ 3, 30/07/2024, 05:24[GMT+7]

Cùng hội viên phát triển kinh tế

Thứ 5, 26/09/2019 | 09:33:32
1,408 lượt xem
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Hồng Châu (Đông Hưng) đã triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế. Đây cũng là động lực để cán bộ, hội viên đoàn kết, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua giúp nhau giảm nghèo bền vững.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của chị Miên cho hiệu quả kinh tế cao.

Đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân xã thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con mới, hiệu quả cao vào sản xuất, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị trên một đơn vị canh tác. 

Đồng chí Nguyễn Văn Chí, Chủ tịch Hội cho biết: Từ năm 2012 đến nay, Hội đã phối hợp với các ngân hàng nhận ủy thác gần 3 tỷ đồng cho gần 200 lượt hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội còn cung ứng hàng nghìn tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm cho hội viên; phối hợp mở hàng chục lớp dạy nghề (trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc cây trồng), thu hút hàng nghìn lượt học viên tham gia. Quỹ hỗ trợ nông dân ngày càng phát huy được hiệu quả, là điểm tựa để nông dân vươn lên thoát nghèo. Đến nay nguồn quỹ đã đạt 500 triệu đồng cho 10 hộ vay. Qua kiểm tra, hầu hết hội viên, nông dân đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Chị Nguyễn Thị Miên, thôn An Di sau khi tham dự lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức đã mạnh dạn chuyển đổi 6 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả của gia đình và thuê thêm 7 sào của các hộ khác không trồng lúa sang trồng thanh long ruột đỏ. 

Chị Miên cho biết: Tôi được Hội Nông dân xã tín chấp cho vay hàng chục triệu đồng đầu tư trồng thanh long ruột đỏ. Đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, mỗi năm cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Ngoài ra tôi còn tận dụng đất dưới các tán thanh long nuôi thả hàng trăm con gà và nuôi lươn bên dưới các rãnh để tăng thu nhập cho gia đình. 

Được Hội Nông dân xã hỗ trợ, chị Miên không chỉ đưa gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng mà còn tạo việc làm cho 3 nông dân khác với thu nhập 150.000 đồng/ngày công làm cỏ.

Xã Hồng Châu có nghề mây tre đan truyền thống. Để duy trì, phát triển nghề, tạo việc làm cho nhiều hội viên, nông dân trong lúc nông nhàn, hàng năm, Hội Nông dân xã đều tổ chức dạy nghề, tuyên truyền, khuyến khích hội viên làm và mở rộng nghề. Vì thế, dù thời gian qua người tiêu dùng chuộng đồ dùng làm từ nhựa, inox nhưng làng nghề mây tre đan ở thôn Quán Xá vẫn được duy trì, thu hút trên 300 hộ tham gia. 

Ông Nguyễn Bá Mười, thôn Quán Xá cho biết: Nghề mây tre đan vốn không khó nên từ già tới trẻ ai cũng có thể làm được, với những người có tuổi như vợ chồng tôi đây vẫn là nghề phù hợp nhất.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội Nông dân xã Hồng Châu đã vận động hội viên, nông dân đóng góp hàng tỷ đồng, hàng trăm ngày công để sửa chữa, nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường giao thông, tu sửa kênh mương nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới, góp phần đưa Hồng Châu về đích nông thôn mới từ năm 2014. Đến nay, đường làng ngõ xóm của xã đâu đâu cũng phong quang, sạch sẽ.

Luôn sát cánh cùng hội viên nên ngày càng có nhiều nông dân tự nguyện trở thành hội viên của Hội Nông dân xã. Tỷ lệ thu hút hội viên đạt trên 86%. 5 năm liền, Hội Nông dân xã Hồng Châu được cấp trên xếp loại vững mạnh.

Thu Hiền 


  • Từ khóa