Thứ 2, 29/07/2024, 13:31[GMT+7]

Ghi nhận sau chiến dịch phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân

Thứ 6, 11/05/2012 | 16:36:47
1,634 lượt xem
Ngay sau khi UBND tỉnh có công điện về việc phòng trừ sâu bệnh, 8/8 huyện, thành phố đều có công điện, chỉ thị chỉ đạo các phường, xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp tổ chức phòng trừ theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; đồng thời huy động, phân công cán bộ phụ trách cụm, xã để đôn đốc phòng trừ sâu bệnh.

Nông dân xã Đông Xuân (Đông Hưng) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân. Ảnh: Ngọc Linh

Thực hiện Công điện số 03/CĐ-UBND, ngày 26/4/2012 của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cuối vụ bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ xuân năm 2012, các huyện, thành phố đã triển khai đồng loạt kế hoạch phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và rầy. Theo đó, chiến dịch phòng trừ sâu bệnh được thực hiện từ ngày 2/5 – 5/5/2012. Mặc dù thời gian của chiến dịch là 4 ngày, song nhiều địa phương đã tập trung phun thuốc trong 2 ngày đã cơ bản xong, tỷ lệ sâu bệnh chết đạt khá cao từ 80 – 90% và sâu tiếp tục chết sau 7 ngày phun. Qua đây cho thấy sự vào cuộc rất sát sao, quyết liệt của các địa phương và bà con nông dân đã tin tưởng, chấp hành rất tốt chủ trương của tỉnh, cũng như kỹ thuật phun.

 

Ngay sau khi UBND tỉnh có công điện về việc phòng trừ sâu bệnh, 8/8 huyện, thành phố đều có công điện, chỉ thị chỉ đạo các phường, xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp tổ chức phòng trừ theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; đồng thời huy động, phân công cán bộ phụ trách cụm, xã để đôn đốc phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn còn tổ chức họp triển khai đến cán bộ thôn và tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới từng hộ dân về thực hiện chiến dịch phun thuốc trừ sâu bệnh. Các huyện, thành phố đã phát huy tối đa thời lượng phát sóng của đài phát thanh huyện, đài truyền thanh xã đưa tin phòng trừ sâu bệnh vào các giờ cao điểm để nông dân nắm được; một số huyện còn dùng xe ô tô đi tuyên truyền lưu động, như Thái Thụy, Tiền Hải, Thành Phố, Quỳnh Phụ.

 

Ông Vũ Văn Hạnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Hưng Hà cho biết: Ngay sau khi có công điện của UBND tỉnh, ngày 27/4/2012, Chủ tịch UBND huyện đã có công điện chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND, Chủ nhiệm HTX DVNN các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh; công tác tuyên truyền trên đài phát thanh huyện, truyền thanh xã được đẩy mạnh bằng việc phát 6 lần/ ngày, kể cả ngày lễ, thứ 7 và chủ nhật... Chính vì vậy, chiến dịch phòng trừ sâu bệnh ở Hưng Hà đạt hiệu quả khá cao, 10.800 ha được phun trừ sâu cuốn lá nhỏ, phun trừ rầy 2.000 ha; các hộ nông dân cơ bản phun đúng loại thuốc, liều lượng theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn; sau phun tỷ lệ sâu bệnh chết đạt trên 80% và đang tiếp tục chết sau 7 ngày phun.

 

Cùng với việc triển khai tích cực của các địa phương, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đóng vai trò rất quan trọng trước, trong và sau chiến dịch phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Từ ngày 26/4/2012, Chi cục đã gửi thông báo, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh đến các HTX DVNN trong tỉnh; từ ngày 28/4 – 2/5, Chi cục phối hợp với các phương tiện thông tin truyền thông hướng dẫn cụ thể cho bà con nông dân biện pháp 4 đúng trong phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, Chi cục đã tăng cường cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc nông dân tập trung phun thuốc trừ sâu từ ngày 2 – 5/5, do đó hiện tượng cộng nhiều loại thuốc trong một lần phun đã giảm rõ rệt.

 

Kết quả của chiến dịch cho thấy, sâu non trên diện rộng trước khi triển khai chiến dịch trung bình toàn tỉnh là 55 con/m2, nơi cao 112 – 160 con/m2, cá biệt có nơi trên 200 con/m2; kết quả chẻ sâu ngày 1/5 của Chi cục Bảo vệ thực vật tại 328 điểm, tỷ lệ trứng nở là 52%; sâu non tuổi 1,2 rộ nhất từ ngày 2/5 – 5/5. Sau khi kết thúc chiến dịch phun trừ sâu bệnh, toàn tỉnh đã phun được 80.874 ha/79.800 ha thuộc diện phải phun, tỷ lệ sâu chết đạt trên 80% và tiếp tục chết sau phun thuốc 7 ngày; hiện còn khoảng 50 ha có mật độ sâu từ 20 con/m2. Đối với rầy, trước khi phun toàn tỉnh có 60.000 ha bị nhiễm, với mật độ trung bình từ 500 – 800 con/m2, nơi cao 5000 – 7000 con/m2, cá biệt có nơi hàng vạn con/ m2; kết thúc chiến dịch các địa phương đã phun trừ rầy được khoảng 60.419 ha, một số huyện phun 100% diện tích như Tiền Hải 10.700 ha, Kiến Xương 11.319 ha, bình quân tỷ lệ rầy chết đạt trên 90%. Sau chiến dịch còn khoảng 500 ha lúa bị nhiễm rầy, với mật độ 1.500 con/m2 trở lên, nhìn chung các địa phương đã cơ bản khống chế được khả năng gây cháy của rầy ở giai đoạn đòng; tuy nhiên có một số diện tích bị ảnh hưởng đến sinh trưởng, cục bộ có diện tích nông dân không phun thuốc nên lúa không có khả năng trỗ bông. Nhìn chung, với sự nỗ lực của các địa phương, kết quả chiến dịch phòng trừ sâu bệnh vừa qua đạt hiểu quả khá cao, cơ bản bảo đảm an toàn cho lúa xuân trổ bông tập trung từ ngày 15/5 – 20/5.

 

Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh do có sự gối lứa sâu cuốn lá nhỏ nên từ nay đến ngày 15/5 trên đồng ruộng tiếp tục xuất hiện 1 đợt sâu trưởng thành và gây hại cục bộ tại các diện tích lúa xanh non trỗ bông sau ngày 25/5 và các diện tích lúa bị bệnh đạo ôn đã hồi phục. Hiện nay Chi cục đang theo dõi phát dục của sâu cuốn lá nhỏ, vì vậy các địa phương không nên chủ quan, cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, nếu mật độ cao cần phải tiếp tục tổ chức phun trừ. Đối với rầy, từ nay đến 20/5 không có khả năng gây hại, song rầy lứa 4 sẽ nở sau ngày 25/5, nếu mật độ cao cũng phải thực hiện phun trừ. Ngoài hai đối tượng sâu trên, hiện trà lúa trỗ bông cuối tháng 4, đầu tháng 5 đã xuất hiện bệnh đạo ôn hại cổ bông, tỷ lệ bệnh từ 5 – 10%; diện tích lúa trỗ từ ngày 10 – 20/5 nếu trước và sau khi lúa trỗ thoát bông mà có mưa hoặc gió mùa đông bắc thì nông dân phải chủ động phun.

Nguyên Bình

  • Từ khóa